Người dân quê vẫn còn yêu quý hình ảnh Tân cởi áo làm phụ hồ khi về xây nhà cho cha mẹ.
Ngôi nhà của niềm mơ ước
Quê Tăng Duy Tân ở thôn Câu Nhi, xã Hải Phong (Hải Lăng, Quảng Trị), những ngày áp Tết nhộn nhịp hơn ngày thường.
Bà con lối xóm khi nhắc đến Tân đều dành một cái gật đầu đầy tự hào.
“Thằng Tân nổi tiếng khiến cả xóm đều vui. Càng vui hơn bởi việc đầu tiên nó làm khi nổi tiếng là xây nhà cho cha mẹ”, anh Chung, một thợ làm cầu Câu Nhi, gần nhà cha mẹ Tân, tranh thủ “khoe”. Không phải ngẫu nhiên mà Tân chọn việc làm nhà cho cha mẹ là việc lớn đầu tiên phải làm.
Sát ngôi nhà mới khang trang mà Tân mới xây là một ngôi nhà cấp bốn lụp xụp.
Đây là ngôi nhà mà cả gia đình sáu người gồm bà nội, cha mẹ và ba anh em Tân sống bao nhiêu năm qua. Quê Tân vốn nghèo.
Ngoài làm ruộng thì người dân không có nhiều cách kiếm ra tiền. Suốt cuộc đời, cha mẹ Tân phải quần quật với ruộng vườn chỉ để lo cho ba con ăn học.
Để sửa ngôi nhà vững chãi hơn đã là niềm mơ ước vì hai ông bà vẫn không dư dả để sửa lại mái nhà qua những mùa mưa bão.
Cách đây mấy năm, cha mẹ Tân dựng một quán xép ở góc đường để bán cháo. Nhưng qua mùa dịch COVID-19 quán cháo cũng không còn.
Tân lớn lên mang theo khao khát về một ngôi nhà kiên cố hơn cho cha mẹ. Nên khi có chỗ đứng trên sân khấu âm nhạc, Tân dồn hết tiền tiết kiệm trong hai năm về xây cho cha mẹ hẳn một ngôi nhà.
Hơn nửa năm, ngôi nhà hoàn thiện. Người vui nhất là Tân. Vì anh đã thỏa nguyện mơ ước của cha mẹ. Tân vui đến mức dù lịch diễn rất dày nhưng thỉnh thoảng anh lại về quê để xem ngôi nhà dần thành hình.
Có những lúc Tân cởi áo xúc cát phụ hồ cùng nhóm thợ. Những người hàng xóm của cha mẹ Tân ngạc nhiên nhìn chàng ca sĩ đang hào nhoáng trên các sân khấu lớn lại có thể phụ hồ khi về nhà.
Người làng Câu Nhi kể Tân về nhà là trở về với hình ảnh một “trai làng”, cùng nhóm bạn ra trước sông câu cá.
Có hôm Tân “la cà” quanh xóm trò chuyện với người làng. Tân nói đó là chuyện thường. “Vì mình sinh ra và lớn lên từ làng. Có đi đâu làm gì thì đó cũng là cái gốc. Mình phải giữ”, Tân thật thà.
Ngã rẽ bất ngờ
Tân bắt đầu con đường âm nhạc theo cách mà ngay cả những người thân cũng không ngờ tới.
Anh Hoàng Văn Ren, ở cùng xóm và cũng là bạn học của Tân thời phổ thông, kể rằng suốt bảy năm học chung chưa bao giờ thấy Tân tham gia hoạt động văn nghệ gì ở trường.
“Tân cũng như những cậu học trò nghèo khác ở quê. Rất thật thà, chất phác nhưng rụt rè nên chưa bao giờ thể hiện năng khiếu ở chỗ đông người”, anh Ren kể.
Vào học đại học tại Huế, những năm cuối Tân mới tham gia vào các nhóm nhạc sinh viên theo phong trào.
Ra trường, Tân chọn vào TP Hội An (Quảng Nam) làm hướng dẫn viên du lịch rồi làm quản lý nhà hàng để kiếm sống. Nhưng quyết định của Tân sau một năm ở Hội An khiến cả nhà bất ngờ. Tân gặp một người bạn và “bẻ lái”.
“Anh Tân không dám nói cho cha mẹ biết ngay. Mà khi ký xong hợp đồng với một công ty chuyên về âm nhạc tại Hà Nội, anh mới nói. Cha mẹ choáng khi con bỏ dở công việc ổn định để rẽ lối mịt mờ”, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, em gái kế của Tân, nhớ lại.
TĂNG DUY TÂN – CẮT ĐÔI NỖI SẦU | OFFICIAL MUSIC VIDEO
Nhàn gần như là người duy nhất trong nhà nhận ra đam mê của anh trai mình khi còn đi học. Dù Tân là cháu họ của cố nhạc sĩ Trần Hoàn và em họ của ca sĩ Tùng Dương nhưng âm nhạc vẫn là gì đó rất xa lạ với Tân.
Nhàn nói điểm bắt đầu của Tân với âm nhạc là từ một chiếc đàn guitar cũ của người bà con có họ hàng gần với cố nhạc sĩ Trần Hoàn tặng.
“Từ cây đàn này, những ngày đi học anh Tân thường tranh thủ ra quán Internet tự tìm thông tin hướng dẫn cách chơi guitar. Anh cũng tự học các nốt nhạc theo cách này. Rồi anh tự viết những bài nhạc đầu tiên”, Nhàn kể.
Ở vùng quê nghèo khó này, việc một người trẻ bỗng nhiên đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp khi chỉ tự mày mò khiến khó ai tin Tân thành công. Nhưng Tân là trường hợp đặc biệt.
Những bài hát đầu tiên của Tân viết chưa đột phá nhiều lúc khiến Tân có chút mất niềm tin. Nhưng Tân không từ bỏ.
Rồi thêm một ngã rẽ nữa đã “cứu vớt” chàng trai này. Đó là bài hát Bên trên tầng lầu Tân tự viết và thu âm.
Chỉ trong vài ngày, bài hát “chiếm sóng” ở nhiều nền tảng mạng xã hội. Lượt xem tăng chóng mặt khiến Tân cũng bất ngờ.
“Đứa con” tinh thần được khán giả đón nhận nhiệt tình khiến Tân như được tiếp thêm nhiều năng lượng. Cắt đôi nỗi sầu ra đời sau đó như đỉnh cao cảm xúc của chàng ca sĩ, nhạc sĩ trẻ này, giúp Tân trở thành ca sĩ của năm giải Làn sóng xanh.
Người hạnh phúc nhất là cha mẹ Tân. “Đó là một hành trình khó khăn. Nhưng Tân đã tự đi bằng chân mình. Hạnh phúc của người làm cha, làm mẹ là khi thấy con trưởng thành và được sống đúng với đam mê của mình, với tôi là như thế”, ông Nguyễn Tăng Ngô, cha Tân nói.