Chuyện sinh nở chỉ có một vài lần trong đời, hơn nữa lại là chuyện rất quan trọng nên thường thì ai cũng muốn chuẩn bị chu toàn nhất cho một cuộc sinh sản. Bất kể từ lúc mang bầu đến lúc sinh nở và chăm sóc em bé, gia đình nào cũng muốn lo chu toàn nhất trong khả năng của mình.
Thanh Tâm cũng vậy, ở lần sinh em bé đầu tiên, cô và gia đình sẵn sàng mọi nguồn lực từ sức người đến kinh tế để đón chào em bé. Sau đó, Tâm sợ đến mức không dám sinh đẻ gì nữa. Bởi lẽ, ngoài việc chuẩn bị về tinh thần thì việc chuẩn bị về kinh tế cũng cực kỳ quan trọng.
Tâm nhớ lại từ lúc mang bầu cho đến 3 năm sau khi sinh em bé, khoản chi phí lúc ấy không hề nhỏ. Nếu để đón chào thêm một thiên thần nhỏ nữa đồng nghĩa với việc gia đình cô sẽ tiếp tục phải chuẩn bị khoản tiền khá lớn. Đấy là chưa tính đến việc mọi thứ sẽ nặng gánh hơn vì cô vẫn phải lo cho cậu con trai lớn đang chuẩn bị vào cấp 2.
Thế nhưng đầu năm 2023, Tâm bất ngờ mang thai. Khi biết tin có em bé, Tâm vừa mừng vừa dở khóc dở cười vì chưa có bất kỳ sự chuẩn bị nào cả, thậm chí tài chính kinh tế hàng tháng của vợ chồng cô còn bị giảm đi khá nhiều vào thời gian này.
Cuối cùng, Tâm lại có cú xoay chuyển ngoạn mục giúp cho chi phí mang thai và sinh nở cũng như chăm sóc em bé của mình chỉ bằng 1/4 so với lần đầu tiên.
“Quy tắc chờ 1 ngày” – Cải thiện thói quen mua sắm khi mang thai
Khi mang thai, hầu hết phụ nữ đều háo hức và bắt đầu công cuộc mua sắm của mình. Ở lần đầu tiên, Tâm cũng mua sắm bạt mạng mà không cần biết có thật sự cần đến những thứ đó hay không. Hậu quả là rất nhiều đồ dùng cho mẹ bầu đều không thể sử dụng được và cũng không ít đồ sau sinh vẫn xếp xó cho đến tận bây giờ.
Rút kinh nghiệm “tập 1”, lần này trước khi mua bất kỳ món đồ gì, Tâm đều áp dụng quy tắc “chờ 1 ngày”. Trong một ngày này, Tâm sẽ tìm hiểu xem món đồ đó có công dụng gì, giá thành như thế nào là ổn nhất và cuối cùng là hỏi ý kiến trên các hội nhóm xem những người đi trước nói gì về món đồ đó. Nếu đó là món đồ hữu ích, sau 1 ngày tìm hiểu Tâm sẽ quyết định mua và ngược lại, nếu chỉ là ý thích nhất thời thì Tâm sẽ nhắm mắt mà bỏ qua.
Quy tắc này còn tiếp tục được áp dụng cho đến bây giờ, khi Tâm đã sinh em bé được 5 tháng và cô chia sẻ rằng nó vẫn có hiệu quả cực kỳ lớn trong việc giảm thiểu mua sắm lặt vặt không thật sự cần thiết.
Đừng bao giờ bỏ qua bảo hiểm y tế!
Đây thật sự là thay đổi rất lớn trong tư tưởng của Tâm và gia đình trong lần sinh nở thứ hai. Ở lần sinh bé đầu tiên. Tâm và gia đình cho rằng việc sinh nở là việc hệ trọng nên muốn lựa chọn mọi thứ tốt nhất cho mẹ và em bé.
“Chồng mình luôn có suy nghĩ là dịch vụ thì sẽ tốt hơn, nên dù mình có bảo hiểm y tế nhưng chồng mình nhất quyết chọn gói sinh dịch vụ. Vậy là bạn đầu mình sinh năm 2014 tổng chi phí hết 24 triệu. Thế nhưng lần này mình phải thuyết phục mấy ngày liền để chồng mình hiểu rằng cái gì bảo hiểm có thể chi trả cho thì tội gì không sử dụng, cuối cùng sau 9 năm mình đi sinh bạn thứ hai lại chỉ tốn có 6 triệu mà thôi.”
Theo Tâm thì có rất nhiều dịch vụ ở lần đầu tiên sinh nở Tâm thấy không hề cần thiết. Vì chưa có kinh nghiệm nên ai bảo làm gì mua gì gia đình Tâm đều đồng ý hết. Lần này cũng nhờ lần đầu mất nhiều khoản tiền vô ích quá nên cô cũng từ chối hết những dịch vụ ấy chỉ tập trung vào nhưng thứ thật sự cần thiết mà thôi.
Tâm cho rằng việc đi sinh mà bỏ qua bảo hiểm y tế là một sai lầm rất lớn!
Phân bổ hạn mức chi tiêu cho từng nhóm đồ mua sắm sau sinh
Với Tâm, khoảng thời gian dễ tiêu xài linh tinh và không thiết thực nhất là khoảng thời gian nghỉ thai sản. Thời điểm này cô cũng như nhiều mẹ bỉm sữa khác rất dễ ngứa tay và cực kỳ có hứng thú sắm sửa cho con.
Rút kinh nghiệm từ lần sinh trước. Lần này cô cẩn thận và tìm ra cách chi tiêu cực kỳ hợp lý, vừa không hoang phí nhưng lại đầy đủ hơn, đúng mục đích hơn và cũng sử dụng được hết khấu hao của sản phẩm mình đã bỏ tiền ra mua.
Trước tiên, Tâm chia ra ba khoản phải chi bao gồm chi cho đồ thiết yếu, chi cho đồ hỗ trợ và chi cho sức khỏe.
Khoản chi cho đồ thiết yếu sẽ là khoản mua sắm những đồ không thể không mua như bỉm, sữa, quần áo cho em bé…
Khoản chi cho đồ hỗ trợ sẽ là đồ chơi cho bé, túi trữ sữa cho mẹ…
Khoản chi cho sức khỏe sẽ là tiêm chủng, vitamin bổ sung cho mẹ và bé. Khoản này không tính viện phí, thuốc men khi con ốm.
Mỗi tháng ba khoản này sẽ được cung cấp một khoản tiền, cụ thể là 20% thu nhập của tháng đó. Như vậy nếu chia đều tiền bảo hiểm thai sản vào các tháng và thu nhập của chồng, mỗi tháng Tâm có từ 5 triệu đến 6 triệu để phân bổ cho 3 khoản này.
Các khoản phải chi này sẽ được Tâm đặt hạn mức không cố định. Ví dụ nếu tháng này cô có lịch tiêm chủng cho bé thì hạn mức của khoản chi cho sức khỏe sẽ nhiều hơn, đồng nghĩa với việc hai khoản chi còn lại sẽ bị giảm hạn mức.
Việc đặt hạn mức chi tiêu từ nhỏ đến lớn như vậy đã giúp Tâm kiểm soát được chi tiêu cho bé trong một tháng thay vì cứ có quan điểm mua cho bé thì cái gì cũng không tiếc như lần sinh đầu. Với cách tiết kiệm này, thay vì tiêu cho riêng mình bé mỗi tháng hơn 15 triệu thì giờ đây Tâm chỉ phải chi từ 3 cho đến 5 triệu.
Cho đến hiện tại, Tâm đã nghỉ thai sản được 5 tháng. Dù gia đình bị giảm hẳn khoản thu nhập của cô trong thời gian nghỉ thai sản nhưng suốt 5 tháng qua việc chi tiêu của gia đình cô đều nằm trong tầm kiểm soát thay vì phải tiêu lẹm vào khoản tiết kiệm như lần đầu tiên nuôi con nhỏ.
Tổng kết cả tiền đi sinh và tiền chi tiêu cho con trong 5 tháng đầu, Tâm tiết kiệm được khoảng 70 triệu đồng.
Nguồn: Sưu Tầm internet