Năm 2015, cô gái xinh đẹp Denise Huskins bất ngờ bị tấn công và bắt cóc ngay tại nhà riêng. Ban đầu, mọi sự nghi ngờ và chỉ trích đều hướng về bạn trai của cô là Aaron Quinn.
Tuy nhiên sau 2 ngày bị giam giữ, Denise được trả tự do về nhà trong tình trạng nguyên vẹn, không tổn thương về mặt thể chất.
Lúc này dư luận lại “hướng mũi rìu” vào Denise, khi cho rằng cô đã dàn dựng sự việc để gây chú ý. Trên các phương tiện truyền thông, Denise bị chế giễu bằng biệt danh “Gone Girl”, dựa theo bộ phim nổi tiếng của đạo diễn David Fincher.
Trong phim, nữ chính Amy (Rosamund Pike) đã tự dàn dựng sự biến mất của mình nhằm mục đích trả thù người chồng phản bội.
Câu chuyện của Denise và Aaron đã được Netflix dựng thành phim tài liệu dài 3 tập American Nightmare (Ác mộng nước Mỹ) và nhanh chóng gây sốt khi đứng đầu nền tảng này tại 65 quốc gia.
Trailer American Nightmare
Mặt tối của nước Mỹ phồn thịnh
Thông qua hành trình chứng minh bản thân vô tội của Denise và Aaron, người xem chứng kiến những mặt trái phía sau vẻ ngoài giàu có và hào nhoáng của nước Mỹ.
Denise bị bắt cóc ngay tại nơi cô sống – một thị trấn xinh đẹp, yên bình và không ai có thể nghĩ rằng nơi đây sẽ xảy ra vụ án gây chấn động.
Sau sự biến mất của cô, dù chưa có bằng chững rõ ràng, cảnh sát và dư luận dường như đều tin rằng người bạn trai Aaron là thủ phạm. Họ thậm chí còn làm sai lệch kết quả của máy điều tra nói dối để buộc tội Aaron, đẩy anh vào trạng thái suy sụp.
Và một lần nữa, khi Denise được thả tự do về nhà, dư luận lại bị dẫn dắt bởi “thiên kiến xác nhận”.
Họ cáo buộc Denise là người thích nổi tiếng, điên cuồng muốn trả đũa bạn trai vì anh vẫn giữ liên hệ với cô bạn gái cũ.
American Nightmare là một phim tài liệu có yếu tố chính kịch (drama), mang đến trải nghiệm mới cho khán giả.
Phim có những cú twist bất ngờ, những nút thắt cao trào, những khoảnh khắc kịch tính, xúc động, những khoảng lặng để chiêm nghiệm… chứ không đơn thuần chỉ tường thuật sự việc theo cách nhàm chán.
Phim thành công trong việc xây dựng nữ chính Denise ở lằn ranh mơ hồ giữa phản diện và chính diện. Người xem thật sự không đoán được cô tốt hay xấu, cô đáng thương, chân thành hay là cao thủ nói dối?
Tác phẩm cũng khai thác câu chuyện từ điểm nhìn của nhiều nhân vật khác nhau. Họ là nạn nhân, cảnh sát, luật sư, gia đình nạn nhân… để câu chuyện hiện lên một cách khách quan và sự thật dần được bóc tách.
American Nightmare làm hiện lên một chân dung xã hội Mỹ đầy méo mó. Đằng sau những ngôi nhà cao tầng, đường phố hiện đại, hệ thống an ninh phát triển còn có những tên tội phạm nguy hiểm, những tờ báo dễ dãi, sự lỏng lẻo của luật pháp, sự hời hợt của cảnh sát…
Thông qua đó ta cũng thấy được ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận với việc phỉ báng, hạ nhục người khác của một bộ phận công chúng là mong manh đến thế nào.
Châm biếm Hollywood hào nhoáng
Nước Mỹ cũng được biết đến là nơi có ngành công nghiệp phim ảnh phát triển bậc nhất. Mỗi năm, có hàng triệu diễn viên, nhà làm phim mong muốn trở thành một phần của kinh đô điện ảnh Hollywood.
American Nightmare – thông qua việc so sánh Gone Girl với câu chuyện của nữ chính Denise, đã thể hiện sự châm biếm với những cái đầu thích thêu dệt và đi quá xa câu chuyện ngoài đời thật của người dân Mỹ.
Trên các trang báo quốc tế, American Nightmare nhận nhiều lời khen ngợi vì chất lượng phim.
Rolling Stone đánh giá đây là dự án “pha trộn nhiều tình tiết báo cáo điều tra đúng thực tế, xứng đáng với sự trông đợi”.
Còn Daily Telegraph cho rằng phim phù hợp với đối tượng khán giả yêu thích “drama”, dễ kích động bởi những tình tiết gây sốc.