Thôn Đông Cao, xã Tráng Việt hiện đang lưu giữ giống bưởi đỏ quý hiếm còn được gọi là bưởi gấc hay bưởi đỏ tiến vua. Bưởi đỏ Đông Cao được chia làm hai loại bưởi bánh men và bưởi trái nũm được ép khuôn tạo hình hai chữ tài, lộc ngay từ khi quả còn non. Những trái bưởi đỏ trái nũm có thành cao được ép khuôn tạo hình khuôn giọt nước, còn bưởi đỏ bánh men với hình thù dẹt, tròn được ép tạo hình thỏi vàng.
Bưởi đỏ Đông Cao được trồng tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Theo ông Lương Văn Phương, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao, dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2024 nhưng số lượng bưởi đỏ tạo hình chữ tài, lộc trong vườn đã được đặt hàng hết. Mỗi quả bưởi được bán với giá 250.000 đồng do người trồng đã phải tạo hình hết sức kỳ công, khéo léo.
Năm nay, gia đình ông Phương đúc được gần 1.000 quả bưởi đỏ có chữ tài lộc.
“Loại cây này đòi hỏi nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng. Thông thường mất khoảng 3 năm cây mới cho ra quả. Trong quá trình chăm sóc, quả bưởi phải được bao trái để giữ màu và hạn chế sự tấn công của côn trùng, sâu bọ. Bưởi khi còn non có vỏ màu xanh. Đến độ tháng 10 Âm lịch hàng năm, bưởi đổi màu đỏ từ ngoài vỏ lẫn bên trong. Đặc biệt, vỏ bưởi mỏng, múi bưởi đỏ hồng, mọng nước và có vị ngọt thanh”, ông Phương nói.
Những quả bưởi đỏ muốn có hình tài lộc trên thân thì bắt buộc phải cho vào trong khuôn ngay từ lúc trái bưởi còn nhỏ.
Cũng theo ông Phương, sở dĩ bưởi đỏ được ưa chuộng bởi bưởi chín có màu đỏ tượng trưng cho may mắn, phúc lộc. Đặc biệt, vào những ngày Tết, phun chút rượu lên quả bưởi, sẽ tỏa ra mùi thơm rất dễ chịu và kéo dài hàng tháng trời.
“Cứ vào dịp cuối năm, các thương lái lại đổ về để đặt mua, phục vụ bà con đón Tết, khiến không khí nơi đây lại rộn ràng. Năm nay vườn nhà tôi cung cấp ra thị trường Tết gần 1.000 quả bưởi đỏ tạo hình tài, lộc”, ông Phương cho biết thêm.
Bên cạnh bưởi đỏ hình giọt nước, thỏi vàng, gia đình ông Phương còn tạo hình bưởi đỏ hồ lô để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Được biết, nhiều năm nay tại thôn Đông Cao người dân đua nhau trông bưởi đỏ, nhà ít thì độ chục gốc, nhà nhiều lên đến hàng trăm gốc. Vào những ngày cận Tết, người dân và thương lái đổ về đây thu mua nhiều, khiến bưởi đỏ nơi đây luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Việc nhân giống bưởi đỏ Đông Cao không chỉ gìn giữ và phát triển loại bưởi này mà còn tạo nhiều công việc cho bà con tại địa phương.
Anh Nguyễn Văn Bắc, (Thanh Trì, Hà Nội) tìm đến nhà ông Phương để tìm hiểu về loại cây này. Đến tận nơi song anh Dũng cũng không thể mua được 1 quả bưởi để trưng bày vào dịp Tết Nguyên đán vì bưởi đã “cháy” hàng.
Nguồn: Sưu Tầm internet