Hiện nay, ngoài thị trường có rất nhiều loại thực phẩm bổ sung khác nhau đáp ứng nhu cầu của mỗi người. HLV Phạm Hoàng Vũ (làm việc tại Đà Nẵng) kể, rất nhiều người hỏi anh về thực phẩm bổ sung (supplement) Câu chuyện này diễn ra ở mọi đối tượng: Từ người không tập luyện thể thao, người mới tập luyện, người tập chỉ để giải trí, người tập có kinh nghiệm, thậm chí cả những vận động viên chuyên nghiệp…
Những câu hỏi mà vị huấn luyện viên được cấp chứng chỉ PICP của Poliquin Group thường nhận được là: “Em nên dùng bao nhiêu magie? Hãng nào tốt? Loại magie nào mới chất lượng?…”. Họ thường đặt những câu hỏi này trước tiên dù thời gian tập luyện chưa đều đặn, chế độ ăn khá sơ sài.
“Nếu thực sự những bạn này nắm rõ được nền tảng về tháp dinh dưỡng, có những bữa ăn trải đều suốt cả ngày, ăn đầy đủ protein, carb, fat (chất béo) thì việc bàn luận thêm về supplement sẽ rất bình thường. Có điều, trong thực tế nhiều bạn mới lại đang cố bù đắp cho chế độ ăn kém dinh dưỡng bằng cách sử dụng thực phẩm bổ sung”, vị huấn luyện viên chỉ rõ.
4 suy nghĩ sai lầm về thực phẩm bổ sung hiện nay
Theo HLV Phạm Hoàng Vũ, hiện nay việc sử dụng thực phẩm bổ sung có thể nói là đã trở thành “tiêu chuẩn”. Điều này dựa trên giả định rằng supplement là sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Thực phẩm bổ sung sẽ tốt nếu chọn đúng loại cơ thể cần, dùng đúng cách. Tuy nhiên, nhiều người hiện vẫn có 4 suy nghĩ sai lầm về thực phẩm bổ sung như sau:
1. Thực phẩm bổ sung hiệu quả hơn nhiều so với một chế độ ăn lành mạnh
Rất nhiều người cho rằng, uống thực phẩm bổ sung sẽ tốt hơn so với việc ăn uống lành mạnh. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Đối với chế độ ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, cung cấp năng lượng đảm bảo hoạt động 1 ngày cho bạn, việc bổ sung supplement có thể không cần thiết.
Mọi người nên có suy nghĩ rằng “không ăn được, không hấp thụ từ thực phẩm ăn hàng ngày được mới nên sử dụng đến viên uống bổ sung”. Như vậy mới là cách dùng thực phẩm bổ sung hiệu quả, hữu ích cho cơ thể, không lãng phí.
2. Thực phẩm bổ sung có thể khắc phục một vấn đề sức khỏe nhanh chóng
Rất nhiều người cho rằng mua thực phẩm bổ sung uống vào là mình sẽ hết bị đau chỗ này, hết bị mệt chỗ kia… Thực ra, thực phẩm bổ sung là thực phẩm bổ sung. Nó không nên được thần thánh hóa như một sản phẩm có công dụng chữa bệnh.
Nếu có bệnh, bạn nên đi khám và theo đơn chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý chẩn đoán và dùng theo quảng cáo có thể khiến bạn không khắc phục được vấn đề sức khỏe nhanh chóng như ban đầu đã nghĩ.
3. Khi đã có chế độ ăn uống lành mạnh thì dùng thêm thực phẩm bổ sung là hợp lý
Nhiều người cho rằng thực phẩm bổ sung sẽ phát huy hiệu quả hơn khi bạn đang duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Tuy nhiên, vị huấn luyện viên khẳng định nếu bạn đảm bảo ăn uống cân bằng, việc bổ sung nhiều loại supplement đôi khi không cần thiết.
Nguyên nhân bởi chế độ ăn lý tưởng đã cung cấp cho cơ thể bạn đầy đủ dinh dưỡng như mong đợi rồi.
4. Chế độ ăn hàng ngày thường thiếu hụt, mất cân bằng dinh dưỡng nên phải uống thực phẩm bổ sung bù đắp
Đúng là chế độ ăn hàng ngày có thể thiếu chất này hay chất kia, dùng thêm viên uống bổ sung phù hợp sẽ ngăn ngừa thiếu chất. Tuy nhiên, nhiều người lại không hiểu thiếu gì thì bổ sung nấy mà cứ thực phẩm bổ sung thì đều tốt cho cơ thể.
Vị huấn luyện viên khuyên nên đi xét nghiệm xem có thực sự thiếu không và tìm sản phẩm phù hợp để bổ sung. Tuyệt đối không nên có suy nghĩ là thực phẩm bổ sung đều sẽ bồi bổ cơ thể.
“Mọi người nên dừng ngay suy nghĩ cứ được quảng cáo tốt là mua dùng thực phẩm bổ sung trong khi không biết cơ thể có thực sự cần hay không”, HLV Phạm Hoàng Vũ nhấn mạnh.
Tiết lộ 5 loại thực phẩm bổ sung nên dùng nhưng cũng phải đúng đối tượng
Theo HLV Phạm Hoàng Vũ, rất nhiều loại thực phẩm bổ sung có thể không cần thiết phải sử dụng. Nhiều loại dùng không đem lại hiệu quả gì. Tuy nhiên căn cứ vào nhu cầu, đối tượng cụ thể thì vẫn cần phải dùng thực phẩm bổ sung hợp lý. Trong thực tế có những tình huống dùng thực phẩm bổ sung sẽ đem lại nhiều lợi ích, góp phần cải thiện sức khỏe. Đó là:
1. Axit folic dành cho phụ nữ mang thai.
2. Sắt dành cho người thiếu máu.
3. Vitamin B dành cho người hay uống rượu.
4. Vitamin D dành cho người vừa trải qua phẫu thuật.
5. Vitamin C dành cho người bị bệnh scorbut (tình trạng thiếu hụt vitamin C).
“Ngoài ra, việc bổ sung supplement sẽ còn tùy thuộc vào những nơi sinh sống của bạn, thực phẩm ở mỗi vùng miền… Tất cả đều sẽ quyết định đến những cách bổ sung dinh dưỡng khác nhau, đồng thời quyết định xem bạn nên dùng loại nào thì mới tốt”, HLV Phạm Hoàng Vũ khẳng định.
Vậy khi nào bạn nên dùng thực phẩm bổ sung?
Theo HLV Phạm Hoàng Vũ, mọi người nên ăn đa dạng nguồn thực phẩm để giảm tối thiểu sự thiếu hụt dinh dưỡng. Supplement được ví là lớp kem trên bánh. Khi đã có bánh thì việc bạn phủ lớp kem đó như thế nào cũng được, miễn là cảm thấy hài lòng, đúng như mình mong đợi.
Vị huấn luyện viên đặc biệt nhấn mạnh, thực phẩm bổ sung dùng đúng người đúng loại đúng nhu cầu sẽ rất tốt. Nhưng để nó phát huy tác dụng như vậy, tốt nhất nên có sự tham vấn của giới chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ… tránh tiền mất tật mang.
Do đó, sau khi đã tham khảo ý kiến người có chuyên môn thì bạn mới quyết định dùng thực phẩm bổ sung nào cho phù hợp nhé! Đó chính là thời điểm quyết định bạn nên dùng hay không.
Nguồn: Sưu Tầm internet