Phim ảnh Trung Quốc từng nổi tiếng với những bộ phim cổ trang vừa giải trí, dễ xem, vừa đậm màu sắc văn hóa và tinh thần dân tộc.
Những tác phẩm cổ trang Trung Quốc một thời “làm mưa làm gió” ở châu Á như Thiên long bát bộ, Thần điêu đại hiệp, Hoa thiên cốt, hay gần nhất là Trường tương tư, Trần tình lệnh…
Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều phim cổ trang thậm chí bị khán giả xếp vào danh sách phim rác.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho sự đi xuống của thể loại cổ trang Hoa ngữ. Trong đó, nhìn chung vẫn là xuất phát từ sự cẩu thả, dễ dãi của các nhà làm phim.
Kỹ xảo thô, vụng trong phim cổ trang Trung Quốc
Trong bộ phim Võ Thần Triệu Tử Long năm 2016, Lâm Canh Tân và Yoona dù có ngoại hình hút mắt cũng không thể giúp dự án này che lấp những khuyết điểm về kỹ xảo.
Phim từng gây tranh cãi một thời gian dài với phân cảnh vô cùng giả của cặp đôi chính khi dưới nước.
Trong kịch bản, đây vốn là cảnh quay lãng mạn, nhưng nhà sản xuất muốn tiết kiệm chi phí nên đã quay nền phông xanh với kỹ xảo cẩu thả. Cuối cùng, cảnh phim thành thảm họa khiến người xem bật cười.
Một trường hợp khác bị chê là pha ghép đầu diễn viên trong bộ phim Tam Thiên Nha Sát.
Khi một nữ diễn viên tham gia phim dính scandal không thể lên hình, đoàn phim thay thế bằng cách giữ thân hình diễn viên cũ và ghép đầu diễn viên mới.
Tuy nhiên, vì kỹ xảo AI quá cẩu thả, mỗi lần nhân vật này xuất hiện trông như hồn ma.
Bộ phim từ ngôn tình bỗng trở thành phim kinh dị, mang đến cảm giác lo lắng, hoang mang cho người xem.
Diễn xuất đơ cứng của những diễn viên lưu lượng
Nhiều diễn viên Trung Quốc được chọn vào phim chỉ vì lượng fan đông đảo, không trải qua rèn luyện nghiêm khắc nên chất lượng diễn xuất không đảm bảo.
Những cái tên như Địch Lệ Nhiệt Ba, Triệu Lộ Tư, Bạch Lộc, Vương Sở Nhiên, Điền Hi Vi… có ngoại hình nổi bật, thu hút, nhưng phần đông diễn xuất một màu, thiếu khả năng diễn giải tâm lý nhân vật.
Như trong bộ phim Kiệu hoa hỉ sự, làm lại từ phim truyền hình đình đám Lên nhầm kiệu hoa, được chồng như ý, nhân vật Lý Ngọc Hồ của Điền Hi Vi bị chê bai vì không ra dáng “con nhà võ”.
Điền Hi Vi cố gắng thể hiện sự tinh nghịch, năng nổ và biểu cảm đa dạng nhưng tác dụng ngược, gương mặt trở nên méo mó, ám ảnh người xem.
Ở những cảnh cười tươi hay khóc mếu, Điền Hi Vi chưa thể hiện được tinh thần của Lý Ngọc Hồ. Kết quả, cô khiến hình tượng kinh điển mỗi khi xuất hiện là lại nhăn nheo như “bà cụ non”, khác xa với dáng vẻ đáng yêu thường thấy trên màn ảnh.
Hay Địch Lệ Nhiệt Ba – cái tên đình đám ở làng giải trí Trung Quốc, thường xuyên nhận đóng những dự án cổ trang. Song, đa phần phim cô đóng đều thất bại vì biểu cảm đơ, gượng.
Năm 2021, bộ phim Trường Ca hành do Địch Lệ Nhiệt Ba đóng chính nhận về không ít ý kiến tiêu cực. Nữ diễn viên bị chê có biểu cảm khoa trương, lố lăng. Trong một số góc máy, cô cũng để lộ làn da kém săn chắc.
Nhiều khán giả lo ngại nếu Địch Lệ Nhiệt Ba tiếp tục tham gia nhiều dự án phim cũng như đi sự kiện, quay quảng cáo, nữ diễn viên không còn thời gian để trau dồi kỹ năng diễn xuất và sẽ nhanh chóng thụt lùi so với thế hệ diễn viên mới.
Nhà phê bình Han Songluo nhận xét gay gắt: “Ngôi sao lưu lượng là những ảo ảnh được xây dựng bởi sự nhiệt tình một cách trống rỗng.
Họ là những con búp bê được thổi phồng bởi sức mạnh của Internet. Sức mạnh này có thể dễ dàng biến các ngôi sao thành con rối, chỉ sử dụng khuôn mặt và một tính cách được biểu thị của mình”.
Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi phí sản xuất phim, nhiều ngôi sao dù đã có tuổi vẫn tự “cưa sừng làm nghé” để đóng những vai thanh xuân, thiếu nữ như Châu Tấn, Lưu Hiểu Khánh, Lưu Gia Linh… khiến người xem cảm thấy như bị “giày vò con mắt”.
Việc mời những nghệ sĩ lưu lượng nhưng diễn xuất kém vào phim, cũng như để một tác phẩm còn nhiều lỗi kịch bản, kỹ xảo… ra mắt công chúng, cho thấy sự dễ dãi của một bộ phận nhà làm phim cổ trang Trung Quốc.
Dần dần, mỗi khi nhắc đến dòng phim này, khán giả cũng tỏ ra ngán ngẩm, mệt mỏi vì vừa xem phim vừa phải tham gia nhặt “sạn”.