Mini show Bức Tường có tên X’Mashow đêm 23-12 tại Hà Nội khán giả phải chen chân đứng trong sân khấu Polygon Musik mà hò reo và hát theo khản cổ những bài hát cả cũ lẫn mới của ban nhạc này.
Cảnh tượng giống như bao show khác của ban nhạc suốt 28 năm qua.
Bức Tường già tuổi không già nhạc
Khách mời Dương Trần Nghĩa khiến khán giả nhớ Trần Lập da diết khi hát Một ngày khác, Giọt đắng, Nếu em hiểu, Tiếng gọi, Hoa ban trắng, Tháng 12… dù giọng hát của ca sĩ trẻ rất khác Trần Lập.
Phần chính của mini show dành cho Phạm Anh Khoa, với những bài hát mới của Bức Tường, trong hai album gần đây sau khi Trần Lập qua đời là Con đường không tên, Cân bằng.
Dù mới ra mắt không lâu, khi Phạm Anh Khoa hát Cân bằng, Nơi đó có chúng ta thuộc về nhau, Mùa đông ở lại, Mùa hè đi qua, Ký ức, Bình yên, Tự do, Ta sẽ trở lại, Hoàng hôn, Hoa mặt trời, Con đường không tên… thì bên dưới khán giả cũng hát theo say mê, tuy không bùng nổ như những bài hát cũ.
Qua gần 30 năm “là một phần đời” của nhiều thế hệ yêu rock, Bức Tường thêm một lần chứng tỏ mình “già đi nhưng cảm giác trên sân khấu không đổi thay theo năm tháng.
Họ chỉ có sự chiêm nghiệm sâu sắc, bùng nổ hơn” của những nghệ sĩ bước vào giai đoạn “đầy trải nghiệm, đầy tình cảm nhưng rất bùng nổ, mãnh liệt” như thủ lĩnh Trần Tuấn Hùng từng chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Bức Tường và những fan quá đáng yêu của mình trong mini show cũng chứng minh rock chưa bao giờ mất đi, vẫn còn đó những cộng đồng người hâm mộ rock nói chung và Bức Tường nói riêng, nhỏ hơn, nhưng dường như cũng mạnh mẽ hơn.
Khi Bức Tường chọn làm tri âm với khán giả
Làm thế nào mà một ban nhạc rock lại có sức sống bền bỉ như vậy trong tình yêu của khán giả, ngay trong thời mà rock đang bị cho là già cỗi, lỗi mốt?
Câu trả lời tất nhiên trước tiên vì thứ âm nhạc của họ là âm nhạc tìm ra được điểm chạm chung với khán giả là những giá trị cốt lõi của cuộc sống, là giá trị chân, thiện, mỹ.
Nhưng không chỉ có thế, còn một điều này. Đó là một tình yêu âm nhạc thuần khiết của cả nghệ sĩ lẫn khán giả.
Xuất phát của Bức Tường không phải là những người học nhạc chuyên nghiệp chọn con đường làm nhạc như một sự nghiệp nuôi sống mình. Ngay từ đầu, âm nhạc, rock đối với họ là tình yêu và chỉ tình yêu.
Các chàng sinh viên của Đại học Xây dựng tụ lại với nhau cùng chơi nhạc cho sinh viên, cho chính bạn bè của họ nghe. Và trong khi hát, họ vẫn tiếp tục học nghề xây dựng của mình, rồi làm nghề ấy, sống bằng nghề ấy.
28 năm qua, dù có những show lên tới 10.000 khán giả, băng đĩa ra liên tiếp, phát hành với lượng rất lớn, đã làm giàu cho những kẻ in đĩa lậu không nhỏ, nhưng chính họ chưa bao giờ sống bằng âm nhạc.
Dù thành phần ban nhạc thay đổi nhiều lần, nhưng có một điều không thay đổi là tất cả thành viên đều sống bằng một nghề khác. Âm nhạc với họ là tình yêu.
Bởi không có áp lực “sinh tồn” bằng âm nhạc, suốt gần 30 năm của mình, Bức Tường chỉ cống hiến cho khán giả một thứ âm nhạc được chơi bằng tình yêu thuần khiết, tuyệt không chiêu trò, và tuyệt không xa cách với khán giả khi đã thành những nghệ sĩ rất nổi tiếng.
Đối với Bức Tường, không có ranh giới giữa nghệ sĩ – người nổi tiếng với khán giả. Họ và khán giả của mình bình đẳng trong tình yêu âm nhạc, là những tri âm trong tình yêu với rock.
Thế nên mới có chuyện trong mini show X’Mashow, khi Tuấn Hùng đùa khán giả của mình rằng ban nhạc sẽ không hát một bài hát khán giả yêu thích, thì tiếng một khán giả cất lên, như tiếng một bè bạn thân tình: “Không có chuyện đó đâu anh Hùng ơi”.
Rồi khi Trần Tuấn Hùng đoán nhầm về quê của một khán giả trong phần giao lưu bốc thăm trúng thưởng, bên dưới, đồng loạt khán giả hô: “Quê! quê!”.
Bức Tường với khán giả của mình là những người bạn cùng chung một tình yêu thuần khiết cho rock. Những người bạn cùng chia sẻ một tình yêu thuần khiết sẽ chẳng bao giờ bỏ nhau.
Nên Bức Tường sẽ còn đếm thêm nhiều số tuổi của mình.