Lễ Giáng sinh hay còn được gọi là Noel hay Christmas, là ngày lễ lớn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều người thắc mắc tên gọi Noel bắt nguồn từ đâu và vì sao lễ Giáng sinh lại được gọi là Noel.
Tại sao lễ Giáng sinh được gọi là Noel?
Từ “Noel” được cho là xuất phát từ danh hiệu Emmanuel, tiếng Do Thái cổ có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, được chép trong sách Phúc âm Matthew.
Có ý kiến cho rằng nó vốn là từ Noël, hay dạng cổ hơn là Naël, có gốc từ tiếng Latinh nātālis nghĩa là ngày sinh, dùng để chỉ ngày Thiên Chúa giáng sinh.
Tại sao lễ Giáng sinh được gọi là Noel? (Ảnh: Pinterest)
Cũng có người cho rằng, Noël có nguồn gốc từ “nouvelles”, tiếng Pháp có nghĩa là tin tức mới. Từ gốc tiếng Anh của nó là “nowel”, có nghĩa “thanh âm của niềm vui”. “Noel” đại diện cho tin mừng Chúa Jesus đến thế gian để tha thứ và cứu rỗi nhân loại.
Từ Noel được sử dụng phổ biến vào thời Trung cổ ở châu Âu. Các bài hát mừng Giáng sinh bằng tiếng Pháp và tiếng Anh sử dụng từ này khi đề cập đến sự ra đời của Chúa Kitô.
Christmas có nghĩa là gì?
Ngày lễ Giáng sinh trong tiếng Anh được gọi là Christmas. Trong đó, “Christ” là tước hiệu của Chúa Jesus, bắt nguồn từ “Χριστός” (đọc là Khristós) trong tiếng Hy Lạp, phiên âm Việt là “Ki-tô” hoặc “Cơ-đốc”, có nghĩa là đấng được xức dầu. Còn “mas” có nghĩa là thánh lễ. Do đó, Christmas có nghĩa gốc là ngày thánh lễ của Đức Kitô.
Khi viết, nhiều người dùng Xmas thay cho Christmas, nghĩa là “Christ” được thay thế bằng chữ X. Nguyên nhân cũng vì từ Christ trong tiếng Anh có nguồn gốc từ “Χριστός” trong tiếng Hy Lạp. Viết Xmas thực ra là viết tắt, nhưng sử dụng phụ âm đầu của từ Christ trong tiếng Hy Lạp.
Các học giả chưa khẳng định cách viết Xmas được áp dụng từ bao giờ. Các tài liệu cho thấy, cụm từ này bắt đầu phổ biến từ thế kỷ đầu Công nguyên, có nhà nghiên cứu cho rằng nó phổ biến từ thế kỷ 13.
Đến thế kỷ 15, ký hiệu Xmas được sử dụng rộng rãi thay cho Christmas. Sau khi máy in ra đời vào năm 1436, nhà thờ Công giáo dùng nó để in tài liệu, sách thần học. Chi phí in rất đắt nên để tiết kiệm, người ta cố gắng viết gọn và từ Xmas được dùng thay thế cho Christmas trong các bản in.
Sau khi Xmas xuất hiện trong các văn bản tôn giáo chính thống, cách viết này càng được phổ biến rộng.
Ông già Noel là ai?
Trong tiếng Việt, tên gọi này có từ thời Pháp thuộc, bắt nguồn từ cách gọi của người Pháp là Le Père Noel (cha Noel, linh mục Noel); từ đó người Việt gọi là “ông già Noel”.
Trong tiếng Anh, ông già Noel được gọi là Santa Claus, bắt nguồn từ tiếng Hà Lan Sinter Klaas, trong đó Santa hay Sinter có nghĩa là “thánh”, còn Claus, Klaas bắt nguồn từ tên thánh Nicholas, một nhân vật có thật, là giám mục Hy Lạp sống trong thế kỷ thứ tư. Ông rất thương người nghèo và dành cả đời mình để phục vụ Thiên Chúa.
Một lần, gặp ba cô gái trẻ không có người cầu hôn vì cha họ quá nghèo, ông liền lấy ba túi vàng lén bỏ vào phòng ba cô gái nọ. Nhờ đó mà họ lấy được chồng và sống rất hạnh phúc. Người ta đồn rằng các món quà bất ngờ đều do Thánh Nicholas mang đến và cũng chính ông là người luôn mang quà đến cho trẻ em vào các dịp Noel.
Bạn có biết nguồn gốc ông già Noel? (Ảnh: Getty Images)
Nguồn gốc lễ Giáng sinh
Theo đức tin của các Kitô hữu, Chúa Jesus được sinh tại Bethlehem, thuộc xứ Judea của người Do Thái (ngày nay là một thành phố của Palestine) vào khoảng giữa năm 7 TCN và năm 2 Công nguyên. Thời bấy giờ, xứ Judea thuộc sự cai trị của Đế quốc La Mã.
Câu chuyện về sự giáng sinh của Đức Jesus được mô tả trong kinh Tân Ước như sau: Ở thành Nazareth có trinh nữ Mary đã đính hôn với người thợ mộc Joseph. Họ đều là dòng dõi vua David, vị vua vĩ đại của người Do Thái. Một hôm, thiên sứ Gabriel xuất hiện trước mặt Mary, báo rằng: “Cô sẽ được ban cho một đứa con trai tên Jesus. Ngài sẽ cao cả và được gọi là Con của Đấng Tối cao. Thiên Chúa sẽ cho ngài ngai vàng của David tổ tiên ngài. Ngài sẽ trị vì nhà của Israel tới muôn đời và vương quốc của ngài sẽ vô tận”.
Mary kể mọi chuyện cho Joseph, bà bắt đầu mang thai dù vẫn là trinh nữ. Joseph đang băn khoăn thì thiên sứ của Chúa cũng hiện đến trong mơ báo về hồng ân Thiên Chúa, do đó ông hết lo ngại, thành hôn với Mary.
Một ngày, hai vợ chồng lên đường về bản quán Bethlehem cách xa 110 km để ghi tên vào danh sách đóng thuế theo lệnh của hoàng đế La Mã Augustus. Khi đến nơi thì các quán trọ đã chật ních, Joseph phải đưa vợ vào nghỉ ở một chuồng gia súc. Nửa đêm, Mary chuyển dạ sinh Đức Jesus tại đây. Joseph kiếm cái máng gỗ đựng thức ăn của súc vật, chùi thật sạch và lót cỏ khô để làm nôi cho đứa con mới chào đời.
Lúc ấy trên đồng cỏ chỉ có những người chăn cừu còn thức. Bỗng ánh sáng chói lòa tỏa khắp bầu trời, thiên sứ xuất hiện báo cho họ tin mừng trọng đại: “Hôm nay, trong thành David đã ra đời cho mọi người Đấng Cứu độ, Ngài là Chúa Kitô. Anh em sẽ tìm thấy ngài, một hài nhi mình quấn tã lót, nằm trong máng cỏ”.
Các mục tử theo lời, tìm thấy Chúa Hài đồng trên máng cỏ trong một chuồng gia súc. Họ kể lại cho Mary và Joseph mọi sự họ đã gặp trên cánh đồng. Ra về, lòng họ vẫn còn náo nức, gặp ai họ cũng kể về sự lạ họ đã thấy đêm đó.
Mặc dù không rõ ngày sinh của Đức Jesus nhưng giáo hội vào đầu thế kỷ thứ tư đã ấn định ngày sinh của ngài là 25/12, tương ứng với ngày Đông chí trên lịch La Mã.
Nguồn: Sưu Tầm internet