Mùa thứ ba của chiến dịch Boot Out Piracy (Tẩy chay vi phạm bản quyền) được khởi động tại Việt Nam có sự góp mặt của các ngôi sao Giải ngoại hạng Anh bao gồm Casemiro (Manchester United), Diogo Jota (Liverpool), Julio Enciso (Brighton & Hove Albion), Abdoulaye Doucouré (Everton) và Taiwo Awoniyi (Nottingham Forest).
Ban tổ chức chiến dịch tiết lộ trong một loạt video xuất hiện trên các kênh kỹ thuật số sắp tới, các cầu thủ sẽ nhấn mạnh việc người dùng dễ bị đe dọa tấn công mạng như thế nào khi truy cập nội dung Giải ngoại hạng Anh thông qua các trang web hoặc thiết bị phát trực tuyến không chính thức, bao gồm cả phần mềm độc hại và phần mềm tống tiền.
Giám đốc pháp lý Ngoại hạng Anh Kevin Plumb, cho biết: “Chúng tôi biết người hâm mộ bóng đá Việt Nam và trên khắp Châu Á say mê Giải ngoại hạng Anh như thế nào.
Thông qua chiến dịch Boot Out Piracy, chúng tôi tiếp tục muốn nhấn mạnh mối rủi ro khủng khiếp của việc theo dõi các trận đấu thông qua luồng phát trực tuyến bất hợp pháp”.
Theo đó, những người xem lậu sẽ phải đối mặt với hàng loạt các mối đe dọa an ninh mạng.
Khi truy cập nội dung vi phạm bản quyền, người dùng tự đẩy bản thân mình vào tay tội phạm. Chúng có thể sử dụng hàng loạt các phương thức để xâm phạm thiết bị của người xem. Việc này có thể dẫn tới nhiều hệ luỵ, bao gồm gian lận và đánh cắp danh tính.
“Chúng tôi chỉ muốn khuyên người hâm mộ bóng đá Việt Nam đừng tự rước lấy rủi ro an ninh mạng. Hãy xem những trận cầu của Giải ngoại hạng Anh với chất lượng tốt nhất thông qua đối tác phát sóng chính thức của chúng tôi”, ông Kevin Plumb khuyến cáo.
Song song với việc giáo dục mọi người về sự nguy hiểm của phát trực tuyến bất hợp pháp, đại diện giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh cũng cho biết đang làm việc tích cực với chính quyền để chặn các trang cũng như luồng phát trực tuyến vi phạm bản quyền và truy tố những cá nhân bán thiết bị phát trực tuyến bất hợp pháp.
Đẩy mạnh chống vi phạm bản quyền
Chiến dịch Boot Out Piracy mùa này được khởi động sau khi đại diện Giải ngoại hạng Anh tham dự hội thảo do Cục Bản quyền tác giả Việt Nam tổ chức để thảo luận với các bên liên quan chính về cách cải thiện hơn nữa cơ chế chặn trang web vi phạm bản quyền đang hoạt động tại Việt Nam và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về những mối nguy hiểm của vi phạm bản quyền.
Buổi hội thảo cũng đề cập đến các nhóm tội phạm có tổ chức đứng sau các băng nhóm vi phạm bản quyền ở Việt Nam và sự cần thiết phải mạnh mẽ thực thi và trừng phạt thông qua truy tố hình sự để chống lại loại tội phạm này một cách hiệu quả.