Bức ảnh bắt nguồn từ việc hằng năm cứ đến khoảng thời gian cuối năm là bản ghi âm All I Want for Christmas Is You của nữ danh ca lại thình lình leo một mạch lên hạng nhất bảng xếp hạng Billboard Hot 100.
Chuỗi thành tích ấy cuối cùng bị cắt đứt khi năm nay ca khúc này đã bị một ca khúc khác soán ngôi vương, và đó là Rockin Around The Christmas Tree của Brenda Lee.
Ca khúc là một sáng tác của Johnny Marks, người cũng sáng tác hai bản nhạc kinh điển dịp Giáng sinh là Rudolph – The Red-Nosed Reindeer và A Holly Jolly Christmas.
Để khiến câu chuyện “ly kỳ” hơn, Marks là một người Do Thái – vốn không ăn Giáng sinh. Bản nhạc được đo ni đóng giày cho Brenda và bà thu âm nó năm 1958, năm bà mới 13 tuổi.
Brenda Lee – Rockin’ Around The Christmas Tree (Official Music Video)
Khi mới ra mắt, Rockin Around The Christmas Tree được coi là một cú “flop” (thất bại).
Giờ bà đã suýt soát 80 và ca khúc lần đầu tiên đạt vị trí cao nhất, biến bà trở thành người lớn tuổi nhất vươn lên vị trí này.
Biệt danh “Quý tiểu thư thuốc nổ” một thời của Brenda Lee giờ có thể đổi thành “quý bà thuốc nổ” chăng?
Cách mà Brenda Lee bỗng nhiên trở thành tâm điểm của truyền thông khi đã ở tuổi gần đất xa trời thực sự là điều kỳ diệu của mùa Giáng sinh.
Mặc dù Taylor Swift năm 18 tuổi từng bày tỏ sự hâm mộ với bà, viết rằng “Brenda Lee chính là sự duyên dáng. Brenda Lee chính là sự sang trọng và điềm đạm. Brenda Lee là người mà tôi luôn ngưỡng mộ”.
Mặc dù vào thập niên 1960, số bản hit trên bảng xếp hạng của bà chỉ thua Elvis Presley, The Beatles và Ray Charles, mặc dù bà là người phụ nữ đầu tiên được vinh danh trong cả Đại sảnh danh vọng nhạc đồng quê và Đại sảnh danh vọng Rock ‘n’ Roll nhưng không giống như những huyền thoại mà theo thời gian tên tuổi càng bay cao bay xa kia, ngày nay tên tuổi của Brenda Lee đã dần thất truyền.
Chẳng còn mấy ai nghe những Sweet Nothin’s như một cú nổ ngọt ngào hay I’m Sorry đong đầy chua xót đã đưa Brenda Lee thành ngôi sao lớn khi chỉ ở độ tuổi thiếu niên. Nhắc đến Sweet Nothin’s bây giờ chắc người ta sẽ nghĩ đến ca khúc có tên tương tự của… Taylor Swift.
Bởi thế, hầu hết các tờ báo nước ngoài trước hiện tượng Rockin’ Around The Christmas Tree đều giật những tít với chung một ý, Brenda Lee lớn hơn nhiều so với ca khúc đạt vị trí số 1 mới đây của bà.
Có lẽ chính Brenda Lee cũng không ngờ rằng một ca khúc từng không mấy tên tuổi của mình giờ đây lại là bản nhạc nổi tiếng nhất, trong khi những bản nhạc từng mang cho bà bao vinh quang giờ đây lại dần lui vào dĩ vãng.
Người ta thường nói mỗi tác phẩm có một số phận của riêng mình. Điều đó thể hiện không thể rõ hơn trong sự nghiệp của Brenda.
Nhưng không chỉ Brenda Lee trải nghiệm sự trêu ngươi của số phận, nếu theo dõi Billboard Hot 100 vài tuần qua, với 14/20 ca khúc xếp đầu đều là nhạc Giáng sinh, ngoài những tên tuổi vẫn được mến yêu rộng khắp như Andy Williams, Bing Crosby hay Dean Martin, ta sẽ thấy có không ít những nghệ sĩ đến nay được nhớ đến chỉ qua một ca khúc dịp lễ hội.
Đó là Burl Ives – một nghệ sĩ có hơn sáu thập niên cống hiến và từng đoạt giải Oscar cho nam phụ xuất sắc nhưng giờ đây khán giả chỉ còn nhớ ông qua bản thu ca khúc A Holly Jolly Christmas.
Đó là nhóm nhạc nữ The Ronettes đình đám một thời từng được mời mở đầu buổi hòa nhạc năm 1966 của The Beatles, nhưng giờ đây cũng chỉ được nhớ qua bản Sleigh Rides.
Hay đó là José Feliciano với sự nghiệp sáng tác và biểu diễn rất mực phong phú trong nhiều thập niên, từng hợp tác với những siêu sao lớn nhất nhưng cũng chỉ được nhớ đến nhất qua Feliz Navidad.
Cho dù điều này đáng vui hay đáng buồn thì đó cũng đã là lựa chọn của số phận. Nói một cách an ủi, được nhớ theo cách nào cũng là được nhớ.
Chí ít thì sự trở lại đồng loạt của những bản nhạc xưa vào mỗi mùa Giáng sinh vẫn luôn là dịp hiếm hoi để “ai nấy đều nhảy múa vui vẻ theo cách cũ kỹ đầy mới mẻ”, như câu hát cuối trong Rockin Around The Christmas Tree.