Chúng ta có thể nghĩ rằng lời nói không thể tác động nhiều đến một người. Đặc biệt nếu đó là một đứa trẻ, chúng ta càng có thể vô tư nói gì thì nói, bởi vì “trẻ con có biết gì đâu”.
Tuy nhiên, trên thực tế thì những gì bạn nói với con mình thực sự đóng một vai trò rất quan trọng. Và tốt hơn hết bạn nên tránh sử dụng một số cụm từ/câu nói nhất định vì chúng có thể có tác động tiêu cực đến con bạn cũng như sức khỏe tâm thần của chúng.
1. “Không sao đâu mà”
Khi con bạn buồn bã về điều gì đó hoặc nếu chúng bị tổn thương (cả về thể chất lẫn tinh thần) và bắt đầu khóc, phản ứng ngay lập tức của bạn có thể là cố gắng trấn tĩnh con bạn và an ủi chúng rằng mọi thứ đều ổn. Tuy nhiên, đó chưa chắc đã là cách phản ứng tốt nhất.
Nếu con bạn khóc, điều đó có nghĩa là có điều gì đó không ổn và bạn nên để chúng cảm nhận được cảm xúc của mình. Bạn thậm chí có thể giúp chúng hiểu cảm giác của mình bằng cách mô tả lại những gì đã xảy ra.
2. “Bố/Mẹ đang ăn kiêng”
Câu nói này có thể gửi đến con bạn một thông điệp rằng bạn không hài lòng với vẻ ngoài của mình – và điều đó có thể truyền sang chúng vì bạn là hình mẫu của chúng và chúng học mọi thứ từ bạn. Điều này có thể khiến con bạn bị ám ảnh với quy chuẩn cái đẹp và cảm thấy có vấn đề với hình thể của mình. Thay vì nói rằng bạn đang ăn kiêng, hãy giải thích với trẻ rằng việc ăn uống lành mạnh khiến bạn cảm thấy dễ chịu và tập thể dục cũng là điều bạn làm để giữ sức khỏe – chưa kể đến việc nó cũng khá thú vị.
3. “Mình không đủ tiền đâu”
Tránh tạo gánh nặng cho con bạn về tình hình tài chính của gia đình, điều này có thể khiến chúng căng thẳng và sợ hãi. Điều này không có nghĩa là bạn phải mua cho chúng bất cứ thứ gì chúng muốn và giả vờ như mọi thứ đều ổn, nhưng bạn có thể nói “không” với chúng theo những cách khác mà không cần cung cấp cho chúng nhiều thông tin hơn mức chúng có thể xử lý.
4. “Cẩn thận”
Ví dụ, nếu bạn sợ con bạn có thể làm tổn thương bản thân khi chúng đang làm gì đó trên sân chơi và bạn muốn cảnh báo chúng, thì bạn thực sự có thể đang làm hại chúng vì điều đó có thể khiến chúng mất tập trung.
Hơn nữa, nếu bạn sử dụng cụm từ này quá thường xuyên, con bạn có thể nghĩ rằng đi bất cứ đâu cũng không an toàn. Điều này cũng lấy đi cơ hội để chúng tự suy nghĩ. Vì vậy, thay vào đó, bạn có thể đặt những câu hỏi gợi ý để giúp chúng tìm hiểu xem liệu làm điều gì đó theo cách nhất định có an toàn hay không.
5. “Để bố/mẹ làm cho”
Cho dù đó là việc giải một câu đố hay việc lần đầu tiên nấu một bữa ăn, bạn có thể sẽ muốn giúp đỡ con mình nếu bạn cảm thấy chúng đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu bạn cứ tiếp tục làm mọi thứ thay chúng, chúng sẽ không thể học được cách tự làm. Nếu bạn can thiệp quá sớm, con bạn có thể nghĩ rằng chúng sẽ không bao giờ có thể làm được bất cứ điều gì nếu không có sự giúp đỡ của bạn. Thay vào đó, bạn có thể đưa ra những gợi ý gián tiếp hoặc đặt những câu hỏi giúp chúng tìm ra giải pháp.
6. “Con làm bố/mẹ phát điên”
Tất nhiên, trẻ cần nhận thức được rằng lời nói và hành vi của mình có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên đổ lỗi cho chúng vì cảm xúc của bản thân mình.
Vì vậy, ngay cả khi bạn tức giận và khó chịu, điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh, điều này sẽ cho con bạn thấy rằng bạn có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình và giải thích cho chúng lý do tại sao bạn lại cảm thấy như vậy.
7. “Nếu… thì…”
Tránh sử dụng cấu trúc này kết thúc bằng một hình phạt. Nếu bạn nói điều gì đó như thế này, nó giống như một lời đe dọa và có thể khiến con bạn cảm thấy như bạn đang có ý định trừng phạt chúng. Thay vào đó, hãy sử dụng “Khi… thì…” và làm cho câu nói nghe có vẻ tích cực bằng cách diễn đạt lại nó và thêm phần thưởng ở cuối.
8. “Đợi bố/mẹ con về”
Cụm từ này có thể cho con bạn thấy rằng bạn không biết cách giải quyết hành vi sai trái của chúng. Nó cũng khiến người cha/mẹ kia trở thành “vai phản diện” trong gia đình. Hơn nữa, trì hoãn hình phạt cũng không phải là một ý tưởng hay vì nó có thể không hiệu quả bằng việc bạn thực hiện ngay lập tức – cho trẻ thấy hành vi nào là không thể chấp nhận được.
9. “Bố/mẹ đã bảo rồi”
Cụm từ này có thể khiến con bạn nghe như thể bạn hy vọng rằng quyết định của chúng sai, giống như bạn thích thú khi chúng thất bại vậy. Thay vì nói câu này, hãy cố gắng trình bày tình huống một cách khách quan hơn và cùng con bạn phân tích nó.
10. “Đừng (làm gì đó)”
Trong nhiều trường hợp, khi con bạn làm điều gì đó không được coi là hành vi tốt, chúng có thể không nhận thức được điều đó. Và khi bạn ngăn chúng làm việc đó, chúng có thể sẽ khó kiểm soát được cơn bốc đồng của mình và cũng không biết mình thực sự nên làm gì trong trường hợp này.
Vì vậy, tốt hơn hết là bạn nên nói với con bạn những gì chúng nên làm thay vì những gì chúng không nên làm. Ngoài ra, nếu con bạn đã biết rằng việc chúng làm là sai nhưng bạn vẫn cứ lặp đi lặp lại, điều đó có thể làm phản tác dụng, góp phần củng cố hành vi xấu vì bạn đang thu hút sự chú ý của trẻ vào hành vi đó.
Nguồn: BrightSide
Nguồn: Sưu Tầm internet