Chiều 14-12, suất chiếu báo chí phim Kẻ ăn hồn diễn ra tại TP.HCM. Tại đây, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết bộ phim đã trải qua 3 lần kiểm duyệt để có thể chính thức ra rạp vào ngày 15-12.
Kẻ ăn hồn ra rạp sau ba lần kiểm duyệt
Trả lời câu hỏi của Tin Tức Online về việc phim Kẻ ăn hồn đã phải sửa những gì và lý do tại sao, đạo diễn trả lời khái quát:
“Phim có những chỗ điều chỉnh liên quan đến một chút kinh dị, một chút về con rối và một chút ở các yếu tố khác nữa”.
Nói về sự liền mạch sau khi chỉnh sửa, Trần Hữu Tấn nghĩ rằng bộ phim bị ảnh hưởng không đáng kể.
“Bởi vì tiểu thuyết Kẻ ăn hồn của Thảo Trang sắp ra mắt rất đồ sộ và có nhiều tuyến nhân vật, hành trình trong đó.
Lúc làm phim, tôi và nhà sản xuất Hoàng Quân quyết định chỉ chọn một tuyến chính, và đó là hành trình của cô Phong (Hoàng Hà đóng) để khán giả tập trung hơn.
Trong 105 phút trên phim chắc chắn không thể truyền tải hết một cuốn sách mấy trăm trang.
Bên cạnh đó, điểm chỉnh sửa không nằm trong kịch bản ban đầu nhưng khi xem lại phim thì tôi thấy tốt hơn, dễ hiểu hơn, khán giả có thể theo dõi một cách mượt mà”.
Trailer “Kẻ ăn hồn”
Trước đó, Kẻ ăn hồn phải lùi lịch chiếu vốn được ấn định vào ngày 8-12, trùng lịch với hai phim Người mặt trời và Wonka.
Phản hồi sớm tích cực
Sau khi phim được cấp phép, Kẻ ăn hồn gấp rút ra rạp từ 18h ngày 14-12, gắn nhãn C18 vì có nhiều cảnh bạo lực, kinh dị. Hình ảnh con rối trong phim được làm mờ.
Kẻ ăn hồn là phim kinh dị kỳ ảo chuyển thể từ tác phẩm cùng tên sắp ra mắt của nhà văn Thảo Trang, được thực hiện bởi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân – bộ đôi tạo nên loạt phim đứng đầu lượt xem trên Netflix Tết ở làng Địa Ngục.
Kẻ ăn hồn là hành trình truy tìm nguồn gốc rượu sọ người – loại cổ thuật dân gian được đồn đại ở ngôi làng Địa Ngục.
Theo lời giới thiệu, kẻ luyện loại rượu sẽ sở hữu sức mạnh chiếm xác đoạt hồn, điều binh khiển quỷ.
Ngoài ra, Kẻ ăn hồn còn kể về quá khứ chưa từng được biết đến của các nhân vật trong Tết ở làng Địa Ngục.
Đó là Thập Nương (Lan Phương), cô Phong (Hoàng Hà), cậu Sang (Võ Điền Gia Huy), cậu Khảm (Huỳnh Thanh Trực) và nhiều dân làng khác.
Sau buổi chiếu 14-12, Kẻ ăn hồn nhận được những review ngắn tích cực.
Truyền thông và giới làm phim khen tác phẩm lấy chất liệu rất Việt Nam, có câu chuyện hấp dẫn.
Phim đã mượn “lớp áo” kinh dị để nói về nhiều vấn đề như bạo hành gia đình, nữ quyền…
Một số yếu tố truyền thống như cổ phục, mặt nạ giấy bồi, hay các phong tục dân gian được sử dụng khéo léo.
Tuy nhiên, thoại trong phim là vấn đề khiến khán giả bàn luận.
Một số diễn viên được lồng tiếng nhưng tổng thể không đồng nhất, có tiếng Bắc tiếng Nam ở trong một ngôi làng tại khu vực phía Bắc.
Đạo diễn giải thích: “Trong nguyên tác thì làng Địa Ngục là một ngôi làng ô hợp, người dân đến từ nhiều nơi, chính vì vậy sẽ có người nói tiếng Bắc, người nói tiếng Nam.
Còn việc lồng tiếng cho một số diễn viên chính là từ sự tiếp thu ý kiến của khán giả sau khi Tết ở làng Địa Ngục được chỉ ra những điểm chưa phù hợp”.