Cuối tuần này, nhiều tuyến đường quê, đường nông thôn mới tại thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đông vui hơn khi có khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm các sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Dạo đường nông thôn đẹp như phim, đổ bánh xèo
Du khách đến tham quan HTX dưa lưới Hưng Thịnh Farm. Đây là một trong những HTX sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn. Khách tham quan vườn, tìm hiểu quy trình trồng dưa lưới, đặc biệt là được dạo trong nhà kính, chụp ảnh và thưởng thức những trái dưa lưới vàng ươm.
Du khách, chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành trải nghiệm vườn dưa lưới vàng ươm, đẹp mắt tại thị xã Long Mỹ, Hậu Giang. Ảnh: Hồng Phúc
Rời Hưng Thịnh Farm, du khách đến con đường nông thôn mới tại xã Long Trị A. Khách đi dạo và trải nghiệm con đường mà nhiều người ví “đẹp như phim”, ít thấy từ trước đến nay vì cả tuyến đường được nông dân chăm chút, cắt tỉa 2 tầng, 3 tầng độc lạ. Hoa, cây xanh được trồng dọc theo tuyến đường.
Ghé một gia đình địa phương, du khách trải nghiệm, học đan lục bình, tự tay đổ bánh xèo và thưởng thức món bánh xèo dân dã miền Tây với đủ các loại rau xanh mà từ trước đến nay chưa biết hết.
Chị Nguyễn Thị Ngọc – chủ hộ gia đình đón khách trên con đường nông thôn mới ở xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, cho biết đây là những ngày đầu tiên tham gia đón khách du lịch. Mọi người chăm chút cho từng món ăn, trải nghiệm để đón khách và phục vụ tốt nhất.
“Hàng rào được gia đình trồng từ rất lâu và chăm chút kỹ lưỡng. Ở đây ai cũng muốn nhà cửa phía trước xanh, sạch, đẹp. Chúng tôi rất vui khi được khách yêu thích. Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới có thể phát triển thêm du lịch, thu hút khách”, chị Ngọc nói.
Ông Nguyễn Văn Diên – Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ, cho biết du lịch đang là một trong 4 trụ cột then chốt phát triển kinh tế của địa phương. Thị xã Long Mỹ đang có bước khởi đầu để định hướng bà con làm du lịch. Long Mỹ là địa phương đầu tiên của Hậu Giang tổ chức riêng một ngày hội du lịch Sản phẩm OCOP thị xã Long Mỹ, diễn ra trong 2 ngày (2-3/12) với nhiều hoạt động để “kích hoạt” hoạt động du lịch trên địa bàn.
“Chúng tôi tổ chức tập huấn du lịch cho cán bộ, bà con nông dân, để bà con có cái nhìn khác về du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Chúng tôi kết nối các chuyên gia tư vấn, định hướng để đích đến du lịch nông nghiệp Long Mỹ nhanh hơn, bền vững hơn”, ông Diên nói.
Theo ông Diên, các hoạt động này giúp bà con nông dân tiếp cận với du lịch. Du lịch có thể xem là một hình thức cộng thêm để nông dân tăng thu nhập. Ngoài ra, phát triển du lịch nông nghiệp còn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng sản phẩm riêng, độc đáo cho Long Mỹ
Tại tọa đàm “Vai trò của du lịch nông nghiệp và cơ hội cho thị xã Long Mỹ, Hậu Giang” ngày 3/12, nhiều doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia trong ngành du lịch xác nhận Hậu Giang nói chung và thị xã Long Mỹ nói riêng tuy không có lợi thế cạnh tranh về tài nguyên du lịch như các tỉnh thành khác nhưng hoàn toàn có thể tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp khác biệt nhờ yếu tố con người và cảnh quan hiện hữu.
Thị xã Long Mỹ đang kích hoạt du lịch nông thôn, hướng dẫn nông dân làm du lịch. Ảnh: Hồng Phúc
Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly cho rằng các sản phẩm du lịch tại thị xã Long Mỹ hiện nay tuy mới manh nha nhưng một số điểm đến với cảnh quan sẵn tại thị xã Long Mỹ như con đường nông thôn mới thẳng tắp, cây kiểng được nông dân trồng, chăm sóc, cắt tỉa tại Long Trị A có tiềm năng lớn tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp khác biệt.
“Khi nghiên cứu tìm hiểu, các chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành rất bất ngờ với những điểm đến này để hình thành tour độc, lạ như cung đường hàng rào nổi bật về nông thôn, hình thành tour chụp ảnh, kết hợp trải nghiệm đổ bánh xèo, nghề đan lục bình tại các gia đình. Cùng với sự chân chất, thật thà của nông dân, rất cần trải nghiệm mới, khác biệt tại nông thôn”, bà Ly nói.
TS. Nguyễn Văn Hoàng – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhận định với du lịch nông nghiệp, Hậu Giang có nhiều tiềm năng khi có nhiều sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Các sản phẩm OCOP này có thể hình thành nên sản phẩm du lịch đặc trưng.
“Làm thế nào để sản phẩm OCOP thành sản phẩm du lịch nông nghiệp? Không thể nào nói chả cá thát lát, dưa hấu là sản phẩm du lịch nông nghiệp khi khách đến chỉ mua về mà phải có trải nghiệm. Các cơ sở phải bài bản hơn, từ bãi đậu xe, trung tâm đón tiếp, giới thiệu tổng quan, hướng dẫn những điều được làm và không được làm khi đến nông trại. Phải có nhiều hoạt động cộng thêm để thành sản phẩm du lịch nông nghiệp OCOP”, ông Hoàng gợi ý.
Sản phẩm lạ nhưng phải đáp ứng nhu cầu khách
ThS. Trần Tường Huy – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội, cho rằng về sản phẩm du lịch nông nghiệp, giá trị hồn quê rất quan trọng.
Theo chuyên gia, nếu chỉ ăn uống, mua sắm thì thôi chưa đủ mà cần phải có trải nghiệm, làm nông dân thực thụ, hiểu về nơi đó như những giai thoại, câu chuyện kể về vùng đất, con người tại điểm đến gắn “hồn quê, hồn đất, hồn người”.
“Long Mỹ có tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp nhưng yếu tố lợi thế cạnh tranh chưa cao. Nhưng Long Mỹ có con người, có thể làm farmstay, cơ sở dịch vụ đáp ứng nhu cầu. Du lịch phải xây dựng sản phẩm đặc thù địa phương, không giống nơi nào khác, không phải tát cá, đi cầu dừa. Cũng phải lưu ý thêm, sự khác biệt của sản phẩm du lịch phải phù hợp nhu cầu của du khách”, ông Huy gợi ý.
Về chính sách hỗ trợ, theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội Trần Tường Huy, các hình thức hỗ trợ nông dân làm du lịch như hỗ trợ vốn trực tiếp làm du lịch nông nghiệp dường như không đạt hiệu quả cao, nhất là về đường dài.
Thay vì vậy, chính quyền cần tạo cơ hội tốt hơn, là cùng xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ công nghệ, thu hút người trẻ về quê khởi nghiệp.
Nguồn: Sưu Tầm internet