Ngày 30/11, tại TP.Móng Cái đã diễn ra Diễn đàn thúc đẩy hoạt động du lịch biên giới qua cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại, Du lịch Quốc tế Việt – Trung lần thứ 15 năm 2023.
Nhiều lợi thế phát triển du lịch biên giới
Diễn đàn nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng quan hệ hợp tác du lịch, đẩy mạnh hoạt động du lịch biên giới, tạo cơ hội và điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác, quảng bá, xúc tiến, mở rộng thị trường du lịch ra các tỉnh, khu vực miền duyên hải Trung Quốc.
Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) có tiềm năng dồi dào về địa lý, văn hóa, đó là đường biên giới đất liền dài và nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như văn hóa đa dạng, hấp dẫn dọc tuyến. Đây thực sự là những lợi thế lớn để phát triển du lịch biên giới. Phát triển du lịch biên giới là cần thiết, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh vùng biên, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành du lịch cũng như các lĩnh vực kinh tế – xã hội nói chung của đất nước. Để phát triển du lịch biên giới cần có sự quan tâm, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành cũng như của toàn xã hội.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. Do đó, cần có những giải pháp, định hướng để thúc đẩy hơn nữa hoạt động du lịch biên giới, kích cầu thu hút khách du lịch Trung Quốc đến với Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh, Móng Cái nói riêng và khách du lịch Việt Nam đi du lịch Trung Quốc.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng thảo luận tập trung vào các nhóm chủ đề chính: Thực trạng những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động du lịch biên giới; giải pháp, định hướng tháo gỡ, thúc đẩy phát triển du lịch biên giới; chính sách kích cầu, hợp tác đẩy mạnh hoạt động du lịch biên giới.
Giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch biên giới
Theo ông Phó Chính Hoa – Phó Thư ký trưởng Thành ủy, Chủ nhiệm Văn phòng Thành ủy TP.Phòng Thành Cảng (Trung Quốc), để kết nối, hợp tác phát triển du lịch biên giới, cần tiếp tục làm phong phú thêm sản phẩm du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam. Bên cạnh đó, tăng cường trao đổi văn hóa, thể thao và du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam như: Hội chợ Thương mại Du lịch quốc tế Đông Hưng-Móng Cái, hát đối trên sông, giải chạy giao lưu hữu nghị quốc tế Trung Quốc-Việt Nam, Giải Bóng Đá Lễ hữu nghị Tết Nguyên Tiêu Trung Quốc – Việt Nam…
Đồng thời, cùng nhau duy trì thị trường du lịch xuyên biên giới, hướng dẫn khách du lịch và doanh nghiệp tuân thủ các quy định quản lý của Trung Quốc và Việt Nam, bảo vệ sự an toàn tính mạng và tài sản của khách du lịch; nâng cao danh tiếng du lịch biên giới mở rộng thông qua cửa khẩu Đông Hưng- Móng Cái và tạo dựng thương hiệu du lịch biên giới…
Bà Nguyễn Huyền Anh – Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, thị trường du lịch Trung Quốc là thị trường trọng điểm của Quảng Ninh. Trước thời điểm dịch Covid-19, khách du lịch Trung Quốc đến Quảng Ninh chiếm khoảng 40% lượng khách quốc tế đến Quảng Ninh.
Sau dịch Covid-19, từ ngày 15/3 cho đến nay, lượng khách Trung Quốc đến Quảng Ninh đạt khoảng 500.000 lượt khách. Khách Trung Quốc đến Quảng Ninh qua các cửa khẩu như cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và bằng tàu biển…
Móng Cái được chọn là một trong những địa phương trọng điểm phát triển du lịch của Quảng Ninh. Do đó, trong những năm qua, Móng Cái đã có những cách làm sáng tạo để phát huy tài nguyên của địa phương để phát triển du lịch. Với những cách làm đa dạng và hiệu quả, từ đầu năm 2023 đến nay, lượng khách du lịch đến TP.Móng Cái đạt hơn 2,3 triệu lượt khách.
Cũng theo bà Nguyễn Huyền Anh, để thúc đẩy hoạt động du lịch biên giới, hai bên cần hợp tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý phát triển du lịch, cùng nhau đảm bảo thị trường du lịch ổn định; phối hợp xử lý những phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch hai địa phương. Bên cạnh đó, cần tạo thuận lợi hơn nữa về cơ chế, chính sách, thủ tục xuất nhập cảnh đối với hoạt động du lịch qua biên giới.
Mở rộng không gian du lịch để tăng tính hấp dẫn khách du lịch; tích cực tham gia các hội chợ, hội thảo, triển lãm về du lịch do hai bên tổ chức nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch hai bên.
Ngoài ra, cần hợp tác, trao đổi để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho cho ngành du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong phát triển du lịch; tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để phục hồi du lịch tàu biển…
Đánh giá về thực trạng hoạt động du lịch biên giới, bà Ngô Thị Lan Phương – Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành quốc tế Kim Liên cho rằng hiện vẫn chưa có sản phẩm du lịch đặc thù nên chưa thu hút được nhiều du khách Trung Quốc. Do đó, bà Lan Phương cho rằng cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các điểm đến, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt. Bên cạnh đó, cần rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh đối với hành khách; tạo ra nét ẩm thực đặc thù giữa các điểm đến…
Còn theo ông Đường Quốc Vịnh – Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Thanh niên Phòng Thành Cảng (Trung Quốc), cần tiếp tục tăng cường quảng bá các địa điểm khu vực biên giới, tăng cường mở rộng thị trường du lịch. Đồng thời, làm phong phú các tuyến du lịch, tối ưu hóa kết nối các điểm du lịch, mở rộng phạm vi các tour du lịch nội địa, nâng cao trải nghiệm chuyên sâu về du lịch nội đia.
Nhân dịp này, UBND TP.Móng Cái và Chi hội du lịch lữ hành Móng Cái đã ký kết thỏa thuận trong việc đồng hành, phát triển sản phẩm du lịch biên giới. Tại diễn đàn cũng đã ký kết thành công 15 thỏa thuận hợp tác trong khai thác khách du lịch Việt Nam, Trung Quốc qua cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc).
Ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho hay, Diễn đàn thúc đẩy hoạt động du lịch biên giới qua cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) đã đạt được những kết quả quan trọng, đề xuất được một số nội dung hợp tác thực chất, có tính khả thi, phù hợp với yêu cầu phát triển và tiềm năng, lợi thế của hai bên trong phát triển, trao đổi khách du lịch.
Tin tưởng rằng, với tinh thần hợp tác đổi, hợp tác cùng phát triển, quan hệ hợp tác du lịch giữa hai địa phương sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ, củng cố, làm sâu sắc quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.
Nguồn: Sưu Tầm internet