Du lịch có bước phục hồi, sản phẩm du lịch hấp dẫn
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, du lịch Việt Nam đang có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, làm tiền đề để tiếp nối thành công của giai đoạn trước.
Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế được nâng cao; sản phẩm du lịch ngày càng trở nên hấp dẫn, có sức cạnh tranh, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của du khách; hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn và nhận được sự yêu mến của bạn bè, du khách quốc tế.
Thời gian qua đã có nhiều bài học, kinh nghiệm cả trong và ngoài nước liên quan đến việc sử dụng lãng phí tài nguyên, việc ô nhiễm môi trường, cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa trong phát triển du lịch.
Do đó, phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững đã trở thành một nguyên tắc, một xu thế chung trong phát triển du lịch nhiều quốc gia trên thế giới. Tiêu chí “xanh” đã ngày càng được thị trường coi trọng hơn trong việc lựa chọn điểm đến và sản phẩm du lịch.
Tại Việt Nam, các chính sách, chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển du lịch của Chính phủ trong những năm gần đây đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch xanh, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, để các chính sách, các định hướng phát triển du lịch được triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tế, cần có sự quyết tâm, đồng lòng của toàn thể các nhà quản lý, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, phát triển du lịch xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững.
Phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho hay, thời gian qua, nhiều địa phương, điểm đến đã tiên phong phát triển du lịch xanh. Cụ thể, như Hội An (Quảng Nam) đã chính thức ra mắt mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa”; huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) cũng đã áp dụng thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nylon, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch…
Song song đó, chủ đề du lịch xanh cũng được lựa chọn trong các sự kiện du lịch có quy mô quốc gia như: Năm Du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”, Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, đã tiếp tục khẳng định nỗ lực cũng như quan điểm nhất quán của Việt Nam trong phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.
Để phát triển du lịch xanh, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, cần quan tâm 3 nội dung cơ bản gồm quản lý du lịch xanh; sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh; tiêu dung du lịch xanh.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam, cần triển khai đồng bộ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thông qua kế hoạch, chương trình hành động.
Bên cạnh đó, khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm du lịch tuân thủ nguyên tắc “tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường”, “phát triển du lịch thân thiện với môi trường”; “không làm tổn hại đến các giá trị tài nguyên; không phá vỡ cảnh quan và không làm biến tướng, mất đi các giá trị văn hóa truyền thống nguyên bản”; “không đánh đổi tài nguyên, môi trường với phát triển du lịch bằng mọi giá”.
Đặc biệt, công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phải được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo không phá vỡ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện vì lợi ích trước mắt mà phá hủy tài nguyên, cảnh quan, môi trường. Ngoài ra, thực hiện nghiêm đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư tại các khu, điểm du lịch và nơi có tài nguyên du lịch trước khi cấp phép hoạt động.
Nguồn: Sưu Tầm internet