Sau thế hệ đầu tiên tiêu biểu là ban nhạc Ngọt, Cá hồi hoang, nhạc Việt đang có thế hệ nghệ sĩ độc lập tiếp theo với nhiều cái tên triển vọng: Những đứa trẻ, Doãn Hoài Nam, Tùng, Trang, Mèow Lạc, mess., Mạc Mai Sương, Minh, Vũ Thanh Vân, Tuimi, Pháo, Limebócx, Quyếch, Minh Tốc & Lam, Hồ Trâm Anh, The Cassette, Gác Mái, Mỹ Anh…
Tuy nhiên, cái tên nào sẽ bứt lên hẳn “bọt sóng” thị trường âm nhạc “nhớ nhớ quên quên” như cách Ngọt, Cá hồi hoang từng làm được?
Luồng gió mới nay mai
Đến từ Believe Vietnam – chi nhánh của mạng lưới toàn cầu Believe, đơn vị phát hành, cung cấp các dịch vụ và giải pháp công nghệ cho các nghệ sĩ và các hãng thu âm độc lập, anh An Đặng chia sẻ trước đây trên thế giới, nghệ sĩ thường gắn liền với thương hiệu lớn như Universal Music Group, Sony Music Entertainment hoặc Warner Music Group cùng một hệ thống phân phối riêng.
Lúc đó thị phần cho các nghệ sĩ lẫn các hãng thu âm độc lập rất khiêm tốn. Tuy nhiên, tình hình khác khi nghệ sĩ độc lập tham dự vào thị trường âm nhạc ngày càng đông đảo.
Theo An Đặng, hiện ở Việt Nam có đặc thù, phần lớn nghệ sĩ vẫn là nghệ sĩ độc lập. Chúng ta chưa có thương hiệu có sức ảnh hưởng lớn như thế giới. Nếu có chăng đã qua với Làn sóng xanh, các hãng Kim Lợi, Viết Tân…
Thời kỳ nhạc số phát triển, nghệ sĩ có thể tự học, tự làm nhạc, tự thu âm, tự phát hành, tự quảng bá trên kênh truyền thông của họ… Điều đó tạo nên một thời kỳ độc lập ở Việt Nam. An Đặng
Chị Mai Thang (nghiên cứu kinh doanh âm nhạc tại Học viện Âm nhạc đương đại Anh) đánh giá nghệ sĩ độc lập Việt Nam không đi lệch so với xu hướng thế giới nhưng phát triển theo cách riêng. Theo chị, âm nhạc của nghệ sĩ độc lập Việt Nam hiện khá đa dạng.
Có một vài thể loại đã “lên” mainstream (chính thống), khán giả biết, nghe nhiều hơn như pop, rock, hip hop, RnB… Cũng có một số thể loại vẫn underground (dạng ngầm), như nhạc thể nghiệm, ít người nghe nhưng nghệ sĩ vẫn đang tìm tòi, trải nghiệm như một cuộc chơi riêng.
Một vài năm tới, lứa nghệ sĩ này “chín” và định hình được phong cách, thể loại, sẽ mang đến những luồng gió mới cho thị trường âm nhạc Việt Nam.
Thiếu sản phẩm tốt, có dấu ấn cá nhân
Còn nhớ trong họp báo Monsoon Music Festival hồi đầu tháng 10, nhạc sĩ Quốc Trung phát biểu Việt Nam chưa nhiều sân chơi lớn dành cho các nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ độc lập. Họ thường phải “tự mình” rất nhiều.
Tuy nhiên, theo chị Mai Thang, những nhà tổ chức ra sân chơi cũng cần khán giả hưởng ứng. Nếu khán giả không ủng hộ, không quan tâm, sân chơi không thể phát triển.
Tại hội thảo trong khuôn khổ Monsoon mới đây, anh Võ Đức Anh – đồng sáng lập Hanoi Rock City – kể anh sang Bangkok (Thái Lan) xem sô diễn có tới 20.000 khán giả, nhưng nếu mang sô này về Việt Nam thì khó được như thế:
“Ở ta, nếu không phải nghệ sĩ quen mặt thì khán giả không đi xem. Trong khi nghệ sĩ độc lập thì đa phần mới, lạ”.
Dù vậy, Nguyễn Thanh Phước (Quả cà chua – We are Tomato, đơn vị tổ chức biểu diễn, quản lý ban nhạc Cá hồi hoang) cho rằng so với 10 năm trước loay hoay, nghệ sĩ độc lập giờ đây có nhiều thuận lợi.
Cụ thể, làn sóng indie đầu tiên đã tạo ra cộng đồng những người chơi nhạc độc lập và cộng đồng khán giả tìm đến nghe. Công cụ, nền tảng rất nhiều, nghệ sĩ có thể tự thu âm, phát hành, quảng bá. Các kênh phân phối cũng đa dạng, nghệ sĩ không khó tiếp cận…
Mai Thang gợi ý thêm: ngoài quỹ bảo trợ Insipire Your Next dành cho các nghệ sĩ, ban nhạc Việt Nam trong khuôn khổ Monsoon, ở Việt Nam cũng có nhiều quỹ văn hóa khác như Viện Goethe, Hội đồng Anh… “
Tất nhiên, các quỹ thường yêu cầu đề tài, kế hoạch lâu dài, cụ thể; nghệ sĩ trẻ đáp ứng được thì con đường kêu gọi đầu tư rất rộng mở”, Mai Thang nói.
Nếu không tiếp cận được các quỹ hoặc các hãng đĩa, có một cánh cửa rộng hơn đó là nhạc số. Theo chị Mai Thang, nhạc số không cần quá nhiều vốn đầu tư, nghệ sĩ chỉ cần hợp tác với các nhà phân phối nhạc.
Ngoài ra, có thể streaming, diễn live… Song theo Nguyễn Thanh Phước, thị trường nhạc số cũng tạo ra quá nhiều nghệ sĩ, quá nhiều thông tin, quá nhiều sản phẩm, khó có sự chắt lọc.
Để khán giả yêu mến và trung thành với một nghệ sĩ khó hơn thời trước: “Công cụ không thiếu, quan trọng họ có nền tảng âm nhạc và có những sản phẩm tốt để “chào hàng” hay không”.
Anh An Đặng chia sẻ thêm Việt Nam đang lặp lại quỹ đạo thế giới 20 năm trước. Hiện ở ta, hip hop đang thống lĩnh.
Nghệ sĩ trẻ cũng cần học cách “đón sóng” để âm nhạc cập nhật. Anh dự đoán khi mức độ yêu thích và quan tâm của công chúng với các rapper giảm đi, indie sẽ quay trở lại. Xu hướng tiếp theo trong ngách hip hop sẽ là rap kết hợp RnB. Mỹ Anh, Hoàng Tôn… đang theo kiểu này.
“Nghệ sĩ độc lập Việt Nam mang tính tự phát nhiều. Để trụ được, họ cần chuẩn bị nhiều kỹ năng hơn, chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, cần tạo được dấu ấn cá nhân”, anh An Đặng nói.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed