Làn gió mới từ du lịch Thiềng Liềng
Thiềng Liềng là một ấp đảo thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Đến được Thạnh An đã khó, ra Thiềng Liềng còn khó khăn hơn do đi lại cách trở, phải chòng chành trên những chuyến đò giới hạn mỗi ngày. Người dân quanh quẩn trên ấp đảo, làm muối, kéo cá, giữ nghề, giữ biển.
Nhưng Thiềng Liềng giờ đây đã khác. Một năm qua, ấp đảo Thiềng Liềng trở thành một hiện tượng trong du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại TP.HCM, khi người dân bắt đầu “xắn tay” làm du lịch.
Du lịch Thiềng Liềng được giới thiệu hồi cuối năm 2022. Tour Thiềng Liềng được mở, khách biết đến nhiều hơn cũng là lúc các hộ dân tại ấp đảo Thiềng Liềng rộn ràng làm du lịch. Hiện Thiềng Liềng có 16 hộ làm du lịch, mỗi nhà một sản phẩm mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng biển Cần Giờ. Khách được trải nghiệm làm muối, ngâm chân thư giãn, nghe đờn ca tài tử, thưởng thức ẩm thực… Không chỉ có tiếng nói cười của du khách, Thiềng Liềng hiện nay còn rộn ràng tiếng í ới gọi nhau, chuẩn bị đón đãi khách của gia đình bà Năm Đổi, anh Chín Thơ, chị Mười Giạ…
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết – Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mại dịch vụ du lịch Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ) cho biết sau gần một năm ra mắt, các hộ dân đã quen với làm du lịch, không còn bỡ ngỡ như giai đoạn đầu.
“Sau khi đón khách ở bến đò, chụp ảnh lưu niệm, các chị em ai về nhà nấy để chuẩn bị nước, bánh, bữa trưa… Làm du lịch nhàn hơn so với đánh bắt cá, thu nhập cũng tốt hơn. Đặc biệt, chúng tôi thêm yêu quê hương mình, tự hào giới thiệu sản phẩm, nét đẹp văn hóa của Thiềng Liềng, Cần Giờ tới du khách gần xa”, bà Tuyết nói.
Đánh giá về sản phẩm du lịch tại ấp đảo Thiềng Liềng, Sở Du lịch TP.HCM cho biết đây được xem là sản phẩm du lịch cộng đồng đúng nghĩa đầu tiên của TP.HCM trong nỗ lực làm mới sản phẩm, đón khách du lịch. Sau hiệu quả lạc quan giai đoạn 1, Sở đã tổ chức khảo sát thực tế, đánh giá thực trạng để triển khai giai đoạn 2, thúc đẩy phát triển điểm đến Thiềng Liềng thành sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng, giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của Cần Giờ.
Thiềng Liềng trở thành một làn gió mới trong du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn của TP.HCM. Làn gió này nhanh chóng phả hơi mát sang các huyện ngoại thành khác và cả những quận còn sản xuất nông nghiệp, làm nông nghiệp đô thị tại TP.HCM. Theo các doanh nghiệp lữ hành như Vietravel, Saigontourist, TSTtourist, Vietluxtour, Chim Cánh Cụt Travel… từ sau khi dịch Covid-19, du lịch nông nghiệp, nông thôn về Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn… có nhiều sản phẩm mới, lạ như Bình Chánh những điều chưa kể, Hương sắc vùng đất Thép, Lắng nghe hơi thở của rừng, chèo SUP, trekking trong rừng ngập mặn…
Mỗi sản phẩm du lịch nông nghiệp tại các huyện đều khai thác tiềm năng tự nhiên về rừng, cảnh quan, sông nước, cây trái, làng nghề. Như tại huyện Củ Chi, mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với các vườn cây ăn trái đang được đẩy mạnh. Chỉ riêng mùa hè này, Củ Chi đã tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch, tổ chức giải chạy băng đồng, giới thiệu đặc sản dân dã như rau móp, bánh tráng, bò tơ gắn với khám phá vườn trái cây. Với vị trí nằm ngay thành phố, thời gian di chuyển nhanh, kết hợp các điểm tham quan khác, các huyện ngoại thành TP.HCM đang đánh thức “mỏ vàng” du lịch nông nghiệp, nông thôn ẩn mình từ trước đến nay.
Cần tư duy chuỗi giá trị cho du lịch nông nghiệp, nông thôn
Bà Nguyễn Thị Hằng – Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết địa phương tổ chức nhiều hoạt động du lịch nhằm quảng bá hình ảnh, con người, ẩm thực, đặc sản huyện Củ Chi. Các hoạt động này nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, tiềm năng và thế mạnh của địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, du lịch Cần Giờ đang nhận được sự quan tâm của thành phố và các sở ngành. Để phát triển tổng thể và bền vững du lịch, Cần Giờ đang xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) nhằm khai thác thế mạnh cạnh tranh của địa phương.
Theo ông, sản phẩm du lịch của Cần Giờ rất đặc thù, sản phẩm OCOP của huyện như mật dừa nước, yến sào, xoài cát Cần Giờ cũng rất đặc biệt, do đó, khi lồng ghép khai thác sẽ gia tăng giá trị sản phẩm và trải nghiệm cho du khách.
Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly cho rằng để du lịch nông nghiệp, nông thôn TP.HCM phát triển buộc không thể thiếu vai trò của hai “nhạc trưởng” là Sở Du lịch và Sở NNPTNT. Để có được sản phẩm hay, hấp dẫn, khai thác đúng giá trị và hình thành được chuỗi giá trị du lịch, buộc hai Sở phải bắt tay nhau, đồng hành với nhau. Tuy nhiên, hiện nay sự bắt tay này có phần mờ nhạt.
Theo bà Ly, TP.HCM đã bước đầu thành công với chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”. Đây là giải pháp sáng tạo của ngành du lịch thành phố, có nét tương đồng với Chương trình OCOP, nhằm huy động nguồn lực của các địa phương trong việc khai thác tài nguyên du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Bà Ly đề xuất cần thiết khai thác thêm chủ đề OCOP trong sản phẩm du lịch nông nghiệp của TP.HCM, nhằm gia tăng giá trị của cả hai lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Trong không gian du lịch, các sản phẩm OCOP sẽ càng nổi bật và các sản phẩm OCOP sẽ giúp sản phẩm du lịch nông nghiệp thành phố thêm độc đáo, khác biệt.
TS. Dương Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, đánh giá Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ đang bắt đầu quan tâm, xây dựng sản phẩm du lịch từ thế mạnh của địa phương.
“Tuy nhiên, động lực tăng trưởng, kết nối dòng du khách đến du lịch nông thôn hiện vẫn còn hạn chế. Chúng ta đang loay hoay định giá giá trị tài nguyên và đổi mới sáng tạo sản phẩm du lịch. Củ Chi, Hóc Môn đã có những chất liệu rất tốt như hệ sinh thái nông nghiệp gắn với cây ăn trái, hoa lan, nuôi dế tại Củ Chi. Hóc Môn gắn với 18 thôn Vườn Trầu. Đây là những câu chuyện thú vị. Chất liệu là đã có, nghề truyền thống đã có, vấn đề là chúng ta chưa kết nối thành chuỗi trải nghiệm để gia tăng cảm xúc, thu hút du khách”, TS. Dương Đức Minh nói.
Ngoài ra, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, một điều khó khăn khi triển khai du lịch nông thôn là quy mô sản xuất, sức chứa tại các hộ gia đình hạn chế, khó đón khách đoàn, do đó, có thể bắt đầu với nhóm khách gia đình, khách có nhu cầu trải nghiệm văn hóa độc đáo.
“Dù vậy, tôi vẫn rất lạc quan về sản phẩm du lịch nông nghiệp của TP.HCM, bởi thành phố tập trung trí tuệ từ quản lý đến doanh nghiệp, các nơi đang cố gắng xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp. Cần Giờ là địa phương đi đầu trong xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn với Thiềng Liềng. Có thể xem Cần Giờ như một điểm nghẽn đã được giải nén trước thì các huyện đi sau nên học tập kinh nghiệm”, ông Minh bày tỏ.
Du lịch | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu Tầm internet