Theo cáo trạng, từ năm 2006 đến 2017, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã cấp phép thành lập 6 Quỹ tín dụng nhân dân, gồm: Thanh Bình, Tân Tiến, Dầu Giây, Quảng Tiến, Thái Bình và Gia Kiệm.
Cáo trạng xác định, ông Trần Quốc Tuấn và ông Võ Khắc Hiền đã không thực hiện hết trách nhiệm trong việc kiểm tra giám sát hoạt động của 6 quỹ tín dụng trên, để xảy ra hàng loạt sai phạm.
Các sai phạm được xác định như huy động tiền gửi với lãi suất cao, chi trả lãi suất ngoài hợp đồng trái quy định; lập các báo cáo kiểm soát định kỳ sai sự thật; lập hai hệ thống sổ sách kế toán, để ngoài phần lớn vốn huy động tiền gửi của khách hàng; làm giả hồ sơ vay vốn, nâng khống hạn mức cho vay; lấy tiền huy động của khách hàng đem gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại đứng tên cá nhân, với mục đích rút tiền ra khỏi các tổ chức tín dụng… dẫn tới gây thiệt hại hơn 1.350 tỷ đồng.
Buông lỏng quản lý, can thiệp kết quả thanh tra
Với vai trò Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, trong nhiều năm từ 2014-2017, ông Trần Quốc Tuấn đã không thực hiện thanh tra theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, can thiệp vào kết quả thanh tra của đoàn thanh tra, chấp thuận bầu Chủ tịch Quỹ tín dụng nhân dân Thanh Bình khi chưa đủ điều kiện… Điều này dẫn đến không phát hiện sai phạm để các quỹ tín dụng rơi vào tình trạng vỡ nợ, mất khả năng chi trả, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.
Tháng 11/2016, Văn Văn Nghĩa, đang làm Chủ tịch HĐQT Quỹ Tín dụng Nhân dân Tân Tiến, nhưng đã thỏa thuận mua lại Quỹ Tín dụng Nhân dân Thanh Bình với giá 30 tỷ đồng, với mục đích sử dụng 120 tỷ đồng của quỹ này đầu tư vào dự án của Công ty Văn Tiến Nghĩa, do mình lập ra.
Do Văn Văn Nghĩa không thể cùng một lúc làm Chủ tịch HĐQT 2 quỹ tín dụng, nên đã cho vợ là Trần Thị Hồng Lan đứng tên làm Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng Thanh Bình.
Thời điểm này, thanh tra viên của Phòng thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo kết quả thẩm tra, xác định bà Lan chưa đủ điều kiện để chấp thuận vào chức Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng Thanh Bình.
Tuy nhiên, phớt lờ kiến nghị của thanh tra viên, ông Tuấn vẫn phê duyệt vào báo cáo thẩm định hồ sơ, với nội dung “chấp thuận nhân sự” đối với bà Lan.
Đến tháng 6/2017, trong quá trình thanh tra, cán bộ thanh tra của Phòng thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Nai đã phát hiện gần 100 hồ sơ tín dụng do bà Lan ký tên, có dấu hiệu là hồ sơ khống. Số tiền dư của quỹ tín dụng Thanh Bình gửi tại các tổ chức tín dụng khác là 193 tỷ đồng, nhưng xác thực tại quỹ chỉ khoảng 50 tỷ đồng.
Cán bộ thanh tra đã có văn bản đề nghị ông Tuấn tiếp tục kiểm tra, xác minh hồ sơ quỹ tín dụng Thanh Bình, nhưng ông Tuấn đã bút phê chỉ đạo “hồ sơ đã tất toán nên không cần xác minh”.
Ngoài ra, ông Tuấn còn bỏ qua những lỗi vi phạm của quỹ tín dụng này, như: Thực hiện quy chế cho vay, cá nhân đứng tên để gửi tiền sau đó vay để sử dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả.
Theo cáo trạng, việc ông Tuấn không áp dụng hình thức kiểm soát đặc biệt để xử lý sai phạm và bỏ qua các lỗi vi phạm, dẫn đến tháng 11/2017, Quỹ tín dụng Thanh Bình mất khả năng chi trả, vỡ nợ, gây thiệt hại hơn 275 tỷ đồng.
Đối với Quỹ tín dụng Tân Tiến, ngày 10/2/2014, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai ban hành kế hoạch thanh tra, nhưng ông Tuấn không cho thanh tra theo kế hoạch, mà điều chỉnh thanh tra sang năm 2015.
Từ năm 2015 và 2016, các báo cáo giám sát chỉ ra dấu hiệu mất an toàn của quỹ tín dụng Tân Tiến, nhưng ông Tuấn vẫn không cho thực hiện thanh tra.
Đến tháng 4/2017, ông Tuấn chỉ đạo cấp dưới, gồm Võ Khắc Hiển và Lê Xuân Hưởng (Phó chánh Thanh tra, giám sát) xuống làm việc kiểm tra nắm tình hình. Sau đó, ông Tuấn biết Quỹ tín dụng Tân Tiến có nhiều sai phạm nhưng vẫn chỉ đạo không thanh tra, mà ký văn bản đóng dấu “Mật” yêu cầu Quỹ tín dụng Tân Tiến chấn chỉnh khắc phục các sai phạm.
Đến tháng 11/2017, Quỹ tín dụng Tân Tiến chính thức vỡ nợ, gây thiệt hại gần 810 tỷ đồng (809,81 tỷ đồng).
Không thanh tra, loạt Quỹ tín dụng vỡ nợ
Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng xác định Quỹ tín dụng Quảng Tiến có hành vi huy động vốn lãi suất cao, lập báo cáo kiểm soát định kỳ sai sự thật.
Đặc biệt, từ năm 2014 đến 2017, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai không thanh tra nên không phát hiện vi phạm, dẫn đến Nguyễn Tiến Lâm (Giám đốc Quỹ tín dụng Quảng Tiến) rút tiền để chiếm đoạt, gây thiệt hại hơn 130 tỷ đồng.
Cũng trong thời điểm này, các Quỹ tín dụng khác như Dầu Giây, Thái Bình, Gia Kiệm trong quá trình hoạt động cũng đã huy động vốn lãi suất cao, lập hồ sơ khống nhằm hợp thức hóa hồ sơ vay vốn, để rút tiền của khách hàng gửi tiết kiệm, lập khống số tiền gửi… dẫn đến vỡ nợ, mất khả năng chi trả.
Đáng nói, hoạt động của các Quỹ này theo kết luận của Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai (Kết luận Giám định số 1128/KLGĐ-GĐV ngày 8/3/2022) cũng có sự buông lỏng công tác quản lý của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai (ông Tuấn và ông Hiển).
Cụ thể, với Quỹ tín dụng Gia Kiệm, lãnh đạo chủ chốt của Quỹ này đã thao túng, chi phối, quyết định cho vay sai nguyên tắc, sai quy định của pháp luật, giả mạo, kê khai gian dối, lập khống hợp đồng tín dụng… để lấy tiền khách hàng chi cho mục đích cá nhân. Kết quả là Quỹ này gây thiệt hại hơn 32,76 tỷ đồng.
Lãnh đạo Quỹ Tín dụng Thái Bình cũng với các hành vi tương tự, đã gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng.
Còn tại Quỹ tín dụng Dầu Giây, được thành lập năm 2011, nhưng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai chỉ thanh tra 1 lần vào năm 2016.
Quá trình hoạt động của quỹ này không hiệu quả nên gây thiệt hại toàn bộ vốn điều lệ là 8 tỷ đồng.
Tin An Ninh Hinh Su