“Hãy đi ra khỏi vùng an toàn” cũng là lời mà nhạc sĩ Dương Cầm – giám đốc âm nhạc cho live concert Trọng Tấn – Anh Thơ: 20 năm hát tình ca diễn ra tối 20-10 tại Hà Nội – đã khích lệ Anh Thơ khi họ cũng làm live concert với rất nhiều thử nghiệm mới mẻ này.
Anh Thơ một bước từ Xa khơi tới Tay trái chỉ trăng
Đêm nhạc với nhiều sự dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn của hai nghệ sĩ đã mang tới nhiều bất ngờ thú vị cho khán giả khi được thấy Trọng Tấn, Anh Thơ rất khác chính họ trong lòng khán giả trước đó.
Trọng Tấn thì đã sớm mạnh dạn bước qua hào quang của ca sĩ hát nhạc đỏ hàng đầu để ra mắt khán giả một Trọng Tấn hát tình ca trong album Ngõ vắng xôn xao.
Nhưng Anh Thơ thì hơn 20 năm ca hát gần như chỉ quẩn quanh trong vương quốc nhạc đỏ, nhạc dân gian trữ trình mà cô được nhiều người tôn xưng nữ hoàng.
Ấy vậy mà ở tuổi ngoài 40, nữ ca sĩ quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, mạnh mẽ, ào ạt một bước chạy thẳng từ Xa khơi tới Tay trái chỉ trăng (bản hit của nữ ca sĩ Tát Đỉnh Đỉnh trong bộ phim truyền hình tình cảm Trung Quốc Hương mật tựa khói sương được khán giả Việt đặc biệt yêu thích).
Khán giả của live concert Trọng Tấn – Anh Thơ tối 20-10 phần nhiều là người trung tuổi (khiến các nghệ sĩ phải “kính thưa các ông bà…” khi trò chuyện) hẳn đã “té ngửa” khi thấy nữ ca sĩ yêu thích của họ vừa tận hiến hát Xa khơi lại bỗng bùng nổ, da diết với Tay trái chỉ trăng, lại còn hát Cả một trời thương nhớ (Nguyễn Tường Minh) vốn là hit của hai ca sĩ nhạc trẻ Hồ Ngọc Hà, Noo Phước Thịnh.
Cô lại còn hát ca khúc với giai điệu tươi vui, hồn nhiên Chuyện tình thảo nguyên của nhạc sĩ Trần Tiến. Cô còn song ca Tình hoài hương của Phạm Duy với Trọng Tấn.
Anh Thơ đã hát những khúc nhạc trẻ, những tình ca này bằng chất giọng soprano tinh tế khiến những khán giả trung niên và trung thành của cô sau phút ngỡ ngàng đầu tiên quay ra nói với nhau đầy thỏa mãn: “Bài nào cũng hay”.
Làm mới cả nhạc đỏ
Anh Thơ không phải là người gây ngạc nhiên duy nhất trong đêm nhạc, Trọng Tấn cũng bước đi những bước mới mẻ, tuy có từ tốn hơn.
Anh hát Ngậm ngùi (thơ Huy Cận, nhạc Phạm Duy), Áo lụa Hà Đông (thơ Nguyên Sa, nhạc Ngô Thụy Miên)… bằng giọng hát trời cho với kỹ thuật bậc thầy nhưng cũng rất tình cảm.
Cặp song ca này còn cho mình thử với liên khúc Đường về hai thôn (Phạm Thế Mỹ), Nhịp cầu tre (Hoàng Thi Thơ).
Và Anh Thơ, Trọng Tấn không chỉ làm mới mình bằng các ca khúc mới ở ngoài vùng an toàn của họ, mà còn mới mẻ ngay trong chính những bản hit nhạc đỏ, nhạc trữ tình quê hương của họ đã quen thuộc với khán giả trong hơn 20 năm qua.
Họ đã hát đơn ca, song ca các ca khúc Tình ta biển bạc đồng xanh, Anh ở đầu sông em cuối sông, Gặp nhau giữa rừng mơ, Bài ca trên núi, Chiếc khăn piêu, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Những ánh sao đêm, Rặng trâm bầu, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Gửi em ở cuối sông Hồng… theo một cách hoàn toàn mới mẻ nhờ những bản phối mới của Dương Cầm.
Dương Cầm là chìa khóa quan trọng trong live concert Trọng Tấn – Anh Thơ lần này khi các ca khúc cũ đều được anh khoác cho tấm áo mới nhờ chất liệu world music.
Khán giả thích thú được nghe Áo lụa Hà Đông với phần nhạc swing, Gửi em ở cuối sông Hồng với một chút rock… nghe những bài hát về quê hương đất nước mang âm hưởng dân ca với ban nhạc điện tử chơi chứ không phải sáo, đàn bầu và thỉnh thoảng là giọng hát mộc cùng trống và đàn tranh…
“Chỉ những đêm nhạc thế này nghệ sĩ mới được cháy hết mình và khán giả mới được thưởng thức âm nhạc thật hay”, ca sĩ Trọng Tấn sung sướng nói về những mạnh dạn đổi mới của hai nghệ sĩ trong đêm nhạc này.
Trọng Tấn khoe con trai
Live concert Trọng Tấn – Anh Thơ hai nghệ sĩ quyết định không mời thêm khách mời nào, nhưng có một bất ngờ dành cho khán giả.
Đó là sự tham gia của con trai Trọng Tấn, ca sĩ Tấn Đạt. Tấn Đạt song ca với bố những bài hát cả nhạc cách mạng và nhạc trẻ nhưng đều là những tình ca trẻ trung: Nhánh lan rừng, Ngày mai anh lên đường, Em đã thấy mùa xuân chưa, Hẹn một mai.
Tấn Đạt không có giọng hát phải khiến khán giả trầm trồ nhưng cũng cho thấy một nghệ sĩ đầy tiềm năng.
Ca sĩ Anh Thơ: Con tôi hâm mộ BTS, không hâm mộ mẹ
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed