Bộ phim Dâu bể mùa xưa đang phát sóng trên HTV7 có nội dung phim dễ xem, diễn viên diễn xuất ổn nhưng nhiều người xem nhận ra phim khá giống Duyên kiếp – một phim từng được yêu thích phát sóng trên THVL1 năm 2022.
Na ná câu chuyện lẫn diễn viên?
Dâu bể mùa xưa (phát sóng lúc 19h30 trên HTV7 thứ hai đến thứ tư) kể về cuộc đời nhiều biến cố của hai anh em Hiếu và Nghĩa.
Khán giả hỏi có phải Dâu bể mùa xưa là phần tiếp theo của Duyên kiếp bởi câu chuyện phim ở ba tập đầu khá giống Duyên kiếp: Cả hai chàng trai đều yêu một cô gái và cuối cùng cậu hai được mẹ ủng hộ.
Bạch Công Khanh và Huỳnh Đông từng rất được yêu thích trong Duyên kiếp thì phim mới này cũng đóng cùng nhau.
Khác chăng Dâu bể mùa xưa là anh em, còn Duyên kiếp là chủ và tớ.
Ngoài ra còn có sự lặp lại như Thân Thúy Hà tiếp tục làm mẹ lần thứ “n” của Bạch Công Khanh.
“Luôn ủng hộ phim Việt nhưng nói thật phim này và Duyên kiếp khác gì nhau. Biết là tâm huyết nhưng phải làm gì đó khác biệt”, một khán giả ca thán trên YouTube khi xem phim.
Không chỉ có Dâu bể mùa xưa, Duyên kiếp…, các phim truyền hình Việt hiện vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn về nội dung quen thuộc na ná nhau và diễn viên quanh đi quẩn lại cứ từng đó người đóng khung trong những vai diễn quen thuộc.
Phim Những cô gái trong thành phố khá giống phim Những cánh hoa bay phát sóng trước đó. Về nhà đi con tương tự phim Khi đàn ông góa vợ bật khóc.
Mới nhất, phim Không sợ cưới chỉ cần một lý do thì bê gần như nguyên xi hai bố con của diễn viên Thanh Bình và Trọng Lân hóa thân trong Lối về miền hoa vào.
Phim hấp dẫn phải nguyên bản và độc đáo
Trong một bài phỏng vấn với Korea Times, ông Kim Dong Won, chủ tịch Yoondang Arthall là nhà sản xuất phim điện ảnh và truyền hình dài tập, kể từng gặp khó khi tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án phim truyền hình dài tập của mình, Backstreet Rookie – một bộ phim hài lãng mạn năm 2020 được phát sóng trên SBS.
“Phản ứng ban đầu của họ là xúc phạm. Họ nói rằng câu chuyện thật kỳ lạ và trẻ con”, ông nói. Trái ngược với sự hoài nghi đó, Backstreet Rookie được phát sóng trên tivi và đạt rating toàn quốc từ 6,3% đến 9,5%.
Theo ông Kim, những câu chuyện hấp dẫn là nguyên bản và độc đáo đến mức không nhà sáng tạo nào khác có thể sao chép chúng:
“Tôi nghĩ những câu chuyện hay đều có một điểm chung: chúng được viết bởi những nhà sáng tạo nổi loạn.
Cách mỗi người sáng tạo kể câu chuyện của mình là khác nhau vì nó dựa trên trải nghiệm, quan điểm và thế giới quan độc đáo của riêng họ”.
Nhưng những người “nổi loạn” lại hay gặp khó khăn khi bán câu chuyện của họ. Các nhà đầu tư không thích rủi ro và họ thường chưa sẵn sàng đánh cược vào sáng tạo. Đây là trở ngại chính mà những người sáng tạo tài năng phải đối mặt.
“Các nhà đầu tư hỏi ai sẽ đóng vai chính và ai sẽ đạo diễn bộ phim. Họ hỏi liệu các diễn viên có phải là diễn viên hạng A không và đạo diễn có nổi tiếng không.
Câu hỏi của họ xoay quanh dàn diễn viên ngôi sao và đạo diễn mà không chú ý nhiều đến các yếu tố khác như kịch bản và hiệu ứng hình ảnh, bởi vì họ tin rằng sự thành công của các bộ phim phụ thuộc vào dàn diễn viên toàn sao và đạo diễn nổi tiếng”, ông Kim nói.
Câu chuyện ông Kim Dong Won kể ở Hàn Quốc. Còn ở Việt Nam, việc sản xuất phim còn “Quá thô sơ, đào tạo cũng chỉ hạn chế.
Khoa biên kịch tại các trường chính quy đào tạo rất nhiều nhưng ít người trụ lại” như nhận xét của biên kịch Đặng Thanh.
Chị chia sẻ: “Vừa rồi có người hỏi tôi sao phim Việt không tạo ra thị hiếu, mà cứ đi theo thị hiếu chung mà chủ yếu là chủ đề gia đình.
Ngày xưa cái thời Vòng tay ấm, Ở lại thế gian..., phim đa dạng, khán giả háo hức đón chờ từng ngày. Ngày nay các phim Việt chọn sự an toàn, chọn diễn viên cũng trong tâm thế ấy, không có nhiều sự đột phá”.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed