Sự kiện hòa nhạc dân tộc C asean Consonant Tình hữu nghị xuyên biên giới 2023 do tổ chức xã hội C asean tổ chức, sẽ diễn ra tối 15-10 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hà Nội).
Với mong muốn làm nổi bật vẻ đẹp của truyền thống địa phương trong thế hệ trẻ ASEAN, qua đó hình thành một bản sắc chung của ASEAN, bắt đầu năm 2015 tại Thái Lan, dàn hòa tấu âm nhạc truyền thống ASEAN C asean Consonant đã đi qua các nước Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Indonesia.
Tuy nhiên, năm 2022, Hà Nội lại là địa điểm được C asean chọn để mở chi nhánh nước ngoài đầu tiên.
Ông Nguyễn Hải Sơn, trưởng đại diện C asean tại Việt Nam cho biết, Hà Nội là “một địa điểm thú vị, được xem là cửa ngõ để đi ra thế giới và kết nối các nước trong khu vực. Dân số Hà Nội trẻ, có nhiều tiềm năng và ở đây vẫn còn nhiều chỗ cho văn hóa truyền thống phát triển”.
10 nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia ASEAN được lựa chọn sẽ đem đến các nhạc cụ dân tộc và trang phục truyền thống của quốc gia mình đến với chương trình để đồng sáng tạo nên những buổi trình diễn mang đậm văn hóa ASEAN.
Toàn “đặc sản” ASEAN
Về phía Việt Nam, bản Nhịp cầu quê hương (sáng tác: Toàn Thắng, hòa âm phối khí: Lê Thùy Linh) được chọn để tôn lên vẻ đẹp đàn bầu, một trong những nhạc cụ dân tộc độc đáo của Việt Nam.
Myanmar chọn Man Taung Yeik Kho – một bài hát quen thuộc của người Myanmar trong dịp lễ chào đón năm mới. Philippines có Ti Ayat Ti Maysa Ubing – bài hát dân gian nổi tiếng tại nước này.
Nghệ sĩ Singapore sẽ sử dụng sáo Bansuri để chơi Desh – một trong những bản raga phổ biến của âm nhạc cổ điển Ấn Độ.
Ngoài ra, có thể kể đến những bản nhạc phổ biến ở các nước như Chang (Thái Lan), Anoman Obong (Indonesia), Seang Khaen Lao (Lào), Wau Bulan (Maylaysia), Hola Hela (Brunei)…
Đặc biệt, không thể không kể đến ca khúc The ASEAN way – giải nhất trong cuộc thi sáng tác bài hát cho ASEAN vào năm 2008, cũng là ca khúc chính thức của ASEAN.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed