Trí Việt Phát và những cuộc rượt đuổi “gắt”
Nguyễn Thị Vân Anh – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Trí Việt Phát – lên Shark Tank kêu gọi các Shark đầu tư 22 tỉ để đổi lấy 5% cổ phần của công ty.
Trí Việt Phát thành lập vào năm 2012, sản xuất các loại gia vị từ nguyên liệu của Việt Nam để cung cấp cho khách hàng B2B (Business to Business – Doanh nghiệp bán hàng tới doanh nghiệp) ở thị trường trong nước.
Những năm gần đây Trí Việt Phát tăng trưởng từ 40 – 46%/năm. Gần nhất, doanh thu năm 2022 đạt 157 tỉ, lợi nhuận ròng là 10%. Mục tiêu năm 2023, doanh thu của Trí Việt Phát sẽ đạt 187 tỉ.
Sau gần 10 năm phát triển, sản phẩm của Trí Việt Phát đã đến thị trường Mỹ và Nhật Bản. Vân Anh bày tỏ tham vọng hướng tới một công ty toàn cầu 1.000 tỉ trong vòng 4 năm tới.
Đánh giá startup đã có sản phẩm đầy đủ, bức tranh tài chính, lợi nhuận tốt, Shark Hùng Anh chốt deal đầu tiên với mức đề nghị là 22 tỉ cho 20% cổ phần.
Shark Hưng đề nghị đầu tư 22 tỉ đổi lấy 15,1%, với định giá doanh nghiệp bằng 1,5 lần giá trị vốn chủ sở hữu trên sổ sách, tức là 123 tỉ.
Shark Bình là nhà đầu tư tiếp theo gia nhập thương vụ với mức đề nghị 22 tỉ đổi lấy 15% cổ phần kèm điều kiện startup phải trả cổ tức ít nhất 15% của khoản đầu tư.
Trước sự tự tin của nữ startup, Shark Hùng Anh quyết định thay đổi tỉ lệ cổ phần sở hữu là 15%, bằng với Shark Bình. Ngay lập tức, Shark Bình cho biết mức sở hữu của ông sẽ là 14%.
Ngay sau đó, Shark Hùng Anh chốt: “Nếu như số liệu chị đưa ra đúng, 24 tỉ cho 15% cổ phần”. Nghe Shark Hùng Anh nói, Shark Hưng thốt lên: “Bắt đầu gắt rồi đó”. Và quả thật, ngay lập tức Shark Bình tiếp lời: “Tôi thay đổi deal. 22 tỉ cho 13%”.
Trước màn “rượt đuổi” của các Shark, Vân Anh quyết định nhận đề nghị đầu tư của Shark Hùng Anh với con số 24 tỉ cho 15% cổ phần.
Shark Bình trân trọng sự cố gắng của ‘Bánh mì Xin Chào’
Bánh mì Xin Chào là thương hiệu bánh mì Việt Nam nổi danh tại Nhật Bản do Bùi Thanh Tâm và anh trai Bùi Thanh Duy cùng sáng lập. Đây là chuỗi cửa hàng bao gồm cửa hàng nhượng quyền chuyên phục vụ bánh mì và các món ăn của Việt Nam tại Nhật Bản.
Hai anh em là cựu du học sinh Nhật Bản, đã có 10 năm sinh sống và làm việc tại đất nước này. Bánh mì Xin Chào ra đời vào năm 2016. Sau 7 năm, đến nay đã có tổng cộng 15 cửa hàng và chi nhánh tại Nhật Bản.
Đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Bùi Thanh Tâm kêu gọi các Shark đầu tư số tiền là 500.000 USD cho 9% cổ phần. Anh cho biết, lý do đến Shark Tank Việt Nam gọi vốn là nhằm xây dựng một thương hiệu F&B Việt, đẳng cấp, tầm cỡ, không chỉ ở Nhật Bản mà còn vươn ra thế giới.
Bánh mì Xin Chào tăng trưởng 170% trong năm năm liên tiếp. Trong 3 năm gần đây, doanh thu năm 2020 bao gồm cả hàng quản lý và nhượng quyền là 550.000 USD, năm 2021 là 950.000 USD và năm 2022 là 1,45 triệu USD. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 11%.
Trong hệ thống 15 cửa hàng, có 5 cửa hàng do anh em Thanh Duy, Thanh Tâm làm chủ và 10 cửa hàng còn lại là nhượng quyền.
Cuối cùng Shark Bình và Shark Hùng Anh quan tâm và đưa ra đề nghị đầu tư cho Bánh mì Xin Chào. Nếu như Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 500.000 USD cho 20% cổ phần thì Shark Bình cho biết ông sẽ đầu tư 500.000 USD để 15% cổ phần với điều kiện trong 2 năm startup phải phát triển được 50 cửa hàng, có một cửa hàng chính và một food truck (xe tải thực phẩm).
Thanh Tâm đồng ý với đề nghị đầu tư của Shark Bình. Thương vụ thành công mở ra kỳ vọng về một thương hiệu F&B thuần Việt phát triển mạnh mẽ ở thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra, nhà sáng lập công ty Kiz – Startup Quang Huy – cũng tham gia Shark Tank kêu gọi số vốn 8 tỉ cho 30% cổ phần. Hiện tại Kiz đang phân phối thương hiệu Saro tập trung cho phân khúc đua cao cấp, còn thương hiệu Ander tập trung vào sản phẩm phổ thông hơn.
Bên cạnh đó, Quang Huy cũng chia sẻ mục tiêu doanh thu năm 2024 là 29 tỷ, năm 2025 là 48 tỷ, năm 2026 là 100 tỷ và đế năm 2029 sẽ IPO với định giá khoảng 700 tỉ.
Đánh giá quy mô thị trường không đủ sức hấp dẫn, các Shark từ chối đầu tư.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed