Liên hoan phim mở cửa tự do từ ngày 22 tới ngày 28-9 đồng thời ở cả Hà Nội và TP.HCM.
Có tổng cộng 19 tác phẩm được trình chiếu, trong đó có 7 phim quốc tế và 12 phim Việt Nam.
Liên hoan phim do EUNIC (Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán các nước châu Âu) phối hợp Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức.
Nhiều phim đoạt giải thưởng quốc tế “sang” Việt Nam
Phó giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, đạo diễn Trịnh Quang Tùng chia sẻ sau 12 lần tổ chức, sự kiện đã trở thành điểm hẹn văn hóa, để lại nhiều tình cảm cho khán giả.
Qua đó, công chúng có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, con người của các nước châu Âu và Việt Nam. Đây là dịp để hiểu hơn về mối quan hệ giữa con người với các vấn đề đương đại trên toàn cầu.
Trong số 7 phim quốc tế, có những phim giành được nhiều giải thưởng, đề cử danh giá như Những người kiên định, Cô gái mang tên Tania, Người làm công vui vẻ, Nhân chứng sống: Một câu chuyện về khí hậu.
“Liên hoan phim lần này cũng là cơ hội để các nghệ sĩ cũng như những nhà làm phim Việt Nam học hỏi kinh nghiệm và cọ xát. Biết đâu nảy ra được những ý tưởng mới”, ông Tùng nói.
Nổi cộm vấn đề biến đổi khí hậu, bình đẳng giới và quyền con người
Bảy phim của các nước thuộc khối Liên minh châu Âu đều xoay quanh một chủ đề đó là phát triển bền vững, trong đó nổi cộm câu chuyện biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và chung sống hòa bình với thiên nhiên.
Gồm các bộ phim Vesuvio hoặc Cách họ học cách sống giữa các núi lửa (Ý), Nhân chứng sống: Một câu chuyện về khí hậu (Anh), Rác ơi về đâu (Áo).
Ngoài ra, các nhà làm phim cũng khai thác những vấn đề đương đại khác mang tính toàn cầu như việc làm (phim Người làm công vui vẻ của Phần Lan), quyền phụ nữ và bình đẳng giới (phim Cô gái mang tên Tania của Bỉ, Những người kiên định của Đức)…
Bà Donna McGowan – giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam – cho rằng Liên hoan phim là nơi để chúng ta cùng suy ngẫm về các vấn đề nổi cộm trong thế giới đương đại này.
“Việt Nam là đất nước dễ bị tổn thương bởi những vấn đề về biến đổi khí hậu… Xem phim, khán giả hiểu hơn những vấn đề mà đất nước các bạn đang gặp phải”, bà bày tỏ.
12 phim Việt có chủ đề hết sức đa dạng: ô nhiễm môi trường, hậu chiến, tội phạm công nghệ cao, bảo vệ động vật hoang dã, dịch bệnh, bình đẳng giới…
Đáng chú ý, có hai phim: Những đứa trẻ trong sương (đạo diễn Hà Lệ Diễm) và Mắt bão (đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn – Nguyễn Anh Ngọc).
Phim tài liệu Việt Nam có nhiều thay đổi về cách kể chuyện
Đạo diễn Trịnh Quang Tùng cho biết, so với trước đây, các đạo diễn hiện tại ít sử dụng lời bình của tác giả để tiếp cận câu chuyện.
Đồng thời, đã chịu khó tìm tòi cách kể mới. Không đi theo lối mòn, họ đã mạnh dạn đưa ra những hình ảnh, chi tiết mạnh, âm thanh ấn tượng, gây ấn tượng cho người xem.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed