Ngày 6/9, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra báo cáo về công tác tư pháp của Chính phủ, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an đã đề cập tới vụ khủng bố ở Đắk Lắk xảy ra hồi tháng 6/2023. Ông cho rằng đây một việc đáng tiếc. Đây có thể coi là hệ quả tất yếu, tích tụ do thế lực thù địch không ngừng chống phá, chứ không đơn thuần là chúng ta sơ suất.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh QH
Theo ông Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, nguyên nhân sâu xa, cội nguồn của vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk vẫn là những vấn đề kinh tế – xã hội của đồng bào trong vùng; phân hóa giàu nghèo; quản lý đất đai; xây dựng hệ thống chính trị và cuối cùng là một số nội dung khác về quản lý an ninh trật tự ở cơ sở.
Trước và sau khi sự việc xảy ra, Bộ Công an đã có nhiều văn bản tham mưu về nội dung này. “Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi cũng đã có cuộc họp cấp ủy với 10 tỉnh khu vực Tây Nguyên, từ đây nhận rõ nguyên nhân và có kết luận”, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết.
Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đối với công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2023, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ. Theo đó, trong năm qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp, tăng cường các hoạt động phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ vẫn cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật như xâm hại trẻ em, loại tội phạm có tổ chức, ma túy, tội phạm về công nghệ thông tin vẫn là nỗi lo lắng lớn vì gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Mặt khác, số vụ và người chết do tai nạn giao thông vẫn còn tăng cũng là những điều cần được xem xét lại trong thời gian tới.
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, để phòng chống và giảm thiểu các vụ vi phạm pháp luật, tội phạm gia tăng, cần có những chế tài xử phạt và răn đe nghiêm khắc hơn cho từng loại tội phạm.
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Bí thư Thị ủy thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk nêu quan điểm, cần có sự đánh giá về Chương trình huy động người dân tham gia vào bảo vệ an ninh trật tự xã hội xem tính hiệu quả như thế nào, có cần điều chỉnh để công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn dân cư đạt hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần tăng cường quy chế phối hợp giữa công an cấp xã với người dân trong phòng chống, phát hiện tội phạm; thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật…
Trong khuôn khổ Phiên họp, các đại biểu còn lắng nghe báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng…
Tin An Ninh Hinh Su