Một năm trước, khi Sơn Tùng M-TP phát hành MV ca khúc There’s No One At All, có lẽ anh đã đoán trước rằng nội dung về một nhân vật trầm cảm sẽ tạo nên nhiều luồng tranh cãi và từ đó viral, nhưng có lẽ một nghệ sĩ khôn ngoan như Sơn Tùng cũng không ngờ rằng sản phẩm này lại nhận về nhiều chỉ trích đến mức phải gỡ bỏ.
Sự trở lại của anh với Making My Way vào năm nay cũng không thực sự gây bão như kỳ vọng, dẫu cho anh đã lặp lại một vài công thức từng đưa mình lên vị trí ngôi sao trong những sản phẩm đầu tay.
Thế hệ có thể dễ dàng tiếp cận với cả thế giới
Chục năm trước, khi K-pop bắt đầu trở thành làn sóng khắp châu Á, những khán giả Việt Nam có lẽ chỉ ao ước thị trường của mình cũng có một thần tượng Việt nhưng mang những phẩm chất của những GD hay T.O.P. Sơn Tùng M-TP đáp ứng tất cả tiêu chí ấy: anh tự tin, âm nhạc của anh hiện đại, gu thời trang của anh độc đáo, anh có thể tự sáng tác những bài hát của mình, anh biết cách tạo nên một cộng đồng hâm mộ một cách chuyên nghiệp.
Ngoại trừ Lạc trôi với những yếu tố cổ phong (dù có lẽ mang âm hưởng những game kiếm hiệp / liêu trai Trung Hoa hơn là văn hóa Việt Nam), Sơn Tùng M-TP là một nghệ sĩ có phong cách rất quốc tế. Việc anh chuyển sang hát tiếng Anh những năm gần đây là điều tất yếu. Mặc dù vậy, Gen Z đã khác với khán giá 9X thuở đó.
Là một thế hệ có thể dễ dàng tiếp cận với cả thế giới, một thế hệ mà với họ, việc du học không còn quá xa xỉ, đạt chứng chỉ IELTS là điều đương nhiên, du lịch nước ngoài cũng thuận lợi hơn, Gen Z đã thâm nhập vào đời sống quốc tế đến mức họ gần như ít còn mặc cảm muốn bắt chước nước ngoài.
Giờ đây họ khao khát những nghệ sĩ hiện đại với sự hiểu biết không lệch lạc về các vấn đề xã hội (như bệnh tâm lý, như vấn nạn tự sát) nhưng có sự kết nối với quá khứ, những nghệ sĩ vẫn đậm đặc chất Việt Nam, hay đúng hơn là chất Việt Nam theo cách họ nghĩ.
Đó là lý do Hoàng Thùy Linh hay Đen Vâu thành công. Hoàng Thùy Linh đưa “vũ trụ văn học Việt” vào âm nhạc. Đen thì Việt hóa rap để thứ nhạc gai góc ấy phù hợp với tâm tính mềm mỏng, giản dị, hay anh kết nối lại nhạc trẻ với những biểu tượng ở thế hệ cha ông như nhạc sĩ Trần Tiến.
Nếu như khi Sơn Tùng đạt một số thành tựu ở YouTube các nước lân cận, khán giả chỉ cho rằng đó là nhờ âm nhạc của anh tương đối giống K-pop, giống như việc mở nhà hàng bán kimbap ở Hội An vậy, nhưng khi See tình nhận được sự yêu mến ở nước ngoài, khán giả tự hào vì nó thể hiện rằng ngay cả khi ta đem phục vụ một món kiểu như “bún chả cách tân” lên bàn tiệc âm nhạc thì người ta vẫn thích thú.
Gen Z cũng là một thế hệ hoài cổ
Trái với suy nghĩ rằng Gen Z là một thế hệ đã bứt rễ hoàn toàn khỏi đời sống tiền Internet và không còn biết đến những niềm vui từ cuộc sống thực, theo rất nhiều nghiên cứu và thống kê trên thế giới, chẳng hạn như thống kê của McKinsey & Company, Gen Z cảm thấy bất an với đời sống online và tò mò về một thế giới “nguyên thủy” hơn của những thập niên xưa.
Hashtag #nostalgia (hoài niệm) và #y2k (phong cách thập niên 2000) trên TikTok có hơn 10 tỉ lượt xem, văn hóa đại chúng nói riêng và âm nhạc nói chung của thập niên 1980-1990 cũng thịnh hành trở lại.
Mặc dù đây là những thống kê trên bình diện quốc tế, nhưng ta cũng có thể nhìn thấy điều đó ngay trong thị trường âm nhạc Việt Nam.
Hãy xem bản hit mới nhất của Văn Mai Hương, Grey D và Trung Quân, Mưa tháng sáu, ca khúc ballad này không có gì quá đặc biệt, nhưng vẫn được giới trẻ yêu thích mãnh liệt một phần nhờ khung hình MV gợi nhắc tới mỹ học điện ảnh Vương Gia Vệ, một nhà làm phim từ thập niên 1990, được những khán giả có gu ở Việt Nam tín ngưỡng.
Văn Mai Hương cũng không phải nghệ sĩ đầu tiên ở Việt Nam khai thác Vương Gia Vệ.
Dường như dấu ấn của Vương Gia Vệ có khả năng bảo chứng thành công cho bất cứ sản phẩm nào, dù theo đuổi thể loại âm nhạc gì: Hoàng Thùy Linh có ca khúc Đánh đố với phần lời gợi nhắc đến Đông Tà Tây Độc của nhà làm phim này, Hongkong 1 lấy cảm hứng từ Trùng Khánh sâm lâm đưa Nguyễn Trọng Tài nổi tiếng sau một đêm.
Cũng là bắt chước nước ngoài, nhưng bắt chước Hong Kong xưa lại không mang cảm giác ngoại lai như bắt chước K-pop, bởi sự xâm nhập của văn hóa Hong Kong xưa với những bộ phim lồng tiếng Việt và những ca khúc nhạc Hoa lời Việt giống như một cuộc ghép tạng thành công, chúng đã thích nghi trong nền văn hóa đại chúng Việt Nam đến mức từ lâu đã trở thành một phần danh tính của nền văn hóa ấy.
Gắn bó hữu cơ với Internet
Tất nhiên, dù hoài cổ tới mấy thì Gen Z vẫn là thế hệ đầu tiên ở Việt Nam có một tuổi thơ gắn bó hữu cơ với Internet. Không còn phải trốn gia đình, lén lút ra quán net như thế hệ 9X, Gen Z lớn trong môi trường mà biết dùng Internet là kỹ năng được khuyến khích.
Không bị giới hạn giải trí trong một vài kênh truyền hình chuẩn mực như 9X, Gen Z tản mát trong thế giới Internet bao la và trở nên đa dạng hơn bao giờ hết.
Ngay cả cụm từ “Gen Z” cũng chỉ là một sự gộp chung giản lược, bởi thế hệ ấy quá phong phú để có thể mô tả họ: có những bạn trẻ Gen Z đã học đến tiến sĩ ngành thiên văn trong khi vẫn dịch thuật kịch Hy Lạp sang tiếng Việt, mặt khác, cũng có những bạn trẻ Gen Z biến cả cuộc sống của mình thành kho nội dung trên TikTok.
Sự đa dạng ấy khiến việc trở thành một ngôi sao thực sự lớn, cỡ như Mỹ Tâm của thế hệ 8X hay Sơn Tùng của thế hệ 9X trở nên khó hơn rất nhiều.
Khán giả không còn nghe chung một loại nhạc nữa. Nhưng bù lại, sự phân nhánh cho phép ai cũng có tệp khán giả của riêng mình. Có lẽ chưa bao giờ ở Việt Nam, nhạc indie hay cận indie lại thịnh hành đến vậy và gợi mở nhiều cơ hội đến vậy.
Đã đến lúc nghĩ đến… Alpha
Trong playlist Hot Hits Vietnam trên Spotify cập nhật những ca khúc được nghe nhiều ở Việt Nam, có rất nhiều ca khúc đến từ những nghệ sĩ ít quen thuộc với khán giả đại chúng hay chương trình chính thống.
Madihu – một ca/nhạc sĩ độc lập chỉ trong chưa đầy 2 năm đã có 3 bản hit đi tới đâu cũng được mở là Có em, Vì anh đâu có biết và Không còn em – là một ví dụ điển hình cho thấy khó có nơi đâu như Việt Nam, vì nền công nghiệp còn chưa chuyên nghiệp, vì luật chơi của thị trường còn chưa được định hình, nên trong một miền đất còn chưa khai khẩn như thế, nghệ sĩ indie gần như có cơ hội nổi tiếng không thua gì nghệ sĩ chính thống.
Thậm chí trong khi nghệ sĩ chính thống vẫn loay hoay với một vài dòng nhạc, một vài concept, hoặc là liên tục giẫm lên chân nhau vì ý tưởng trùng lặp (như trào lưu cổ trang, trào lưu dân gian đương đại), thì nghệ sĩ indie lại là người dẫn đường, mang đến những động năng tươi mới cho âm nhạc, họ liên tục phát hành những album xuất sắc, trong đó gần đây nhất phải kể đến Ngọt với một album psychedelic rock hay Thắng (Ngọt) với một album city pop.
Nhưng tất nhiên, mọi phân tích về chân dung thị trường đều luôn đến trễ. Bởi ngay khi ta có thể hiểu được khao khát và mong muốn của Gen Z thời kỳ đầu thì Gen Z thời kỳ sau cũng đã có những nhu cầu khác. Thậm chí với những ai muốn nắm bắt sớm thị trường thì có lẽ đã đến lúc cần nghĩ xa hơn thế hệ Z, có lẽ đã đến lúc bắt đầu nghĩ về việc chinh phục thế hệ Alpha.
Khao khát nguồn cội qua Đen
Sự thành công vượt bậc của Đen, một rapper với hình tượng tuềnh toàng giản dị, thậm chí hơi “nông dân”, khác hẳn với dòng nhạc rap vốn gắn liền với những lạc thú vật chất, cho thấy khao khát của khán giả Việt được trở về với nguồn cội.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng viết một câu gói gọn bản sắc của người Việt: “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn”, hay như nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng kết luận “văn hóa làng xã là đặc điểm chính của người Việt”.
Dù có chủ ý hay không thì nhạc của Đen cũng nắm bắt rất rõ bản chất này, ngay cả những ca khúc hướng tới tầng lớp trung lưu đô thị của anh cũng luôn là sự kêu gọi trở về với miền quê, với bản chất của người cần lao.
Chẳng hạn như trong ca khúc Bài này chill phết với Min, có đoạn Đen rap như sau: “Nếu mà mệt quá giữa thành phố sống chồng lên nhau, cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”.
Hay ca khúc Mang tiền về cho mẹ cũng có những ngụ ý về việc đi ngược lại quy luật của nền kinh tế hiện đại và trở về với những giá trị đạo lý xưa của người Việt.
Cách mà Đen đặt giá trị vật chất bên dưới những giá trị gia đình, như trong câu Bao nhiêu tiền mua lại được một ngày mà con còn ngồi vừa lọt cái xoong gang, chạm tới những phần sâu kín trong thế giới quan của người Việt.
Khán giả Gen Z sống trong thời kỳ các gia đình ngày càng sống xa cách nhau hơn, và chính điều đó khiến họ muốn một thứ âm nhạc có khả năng lấp đầy sự thiếu thốn này trong đời sống tinh thần.
Thú vị Madihu
Nhà sản xuất âm nhạc Madihu là một trong những cái tên thú vị nhất trong nhạc Việt hai năm qua. Anh là người thực hiện nhiều beat nhạc cho Đen Vâu như Trời hôm nay nhiều mây cực hay Mùa hè của em và cũng đã từng có nhiều sản phẩm solo, nhưng chỉ thực sự được biết tới rộng rãi khi ca khúc Vì em đâu có biết ra đời.
Một ca khúc với phối khí đơn giản nhưng có giai điệu gây nghiện, mang tới bầu không khí thư giãn mà những người trẻ thành phố luôn thiếu hụt.
Một điều thú vị ở giới indie Việt Nam đó là ta ít thấy sự cạnh tranh, ganh đua, so kè giữa các nghệ sĩ, mà họ giống như những người anh chị em cùng chia sẻ tình yêu âm nhạc và sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau.
Bản thân Madihu cũng thường mời các nghệ sĩ indie khác như Vũ, Low G cùng tham gia các sản phẩm của mình. Sự hợp tác chặt chẽ của các nghệ sĩ indie này đã tạo nên một cộng đồng vững chắc, cùng nâng nhau lên và tận dụng nhóm khán giả của nhau.
Âm nhạc có gu của Ngọt
Ngọt là một trong những ban nhạc độc lập được yêu thích nhất hiện nay, gần như mọi sản phẩm có gắn với cái tên của Ngọt đều lọt vào những thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng âm nhạc, xuất hiện liên tục trong các chương trình lớn, đến mức đôi khi khán giả có cảm giác họ đã trở thành một ban nhạc chính thống.
Điều đặc biệt nhất của Ngọt mà nhiều nghệ sĩ đồng trang lứa chưa làm được đó là sau khi đã nhận được sự yêu thích đại đồng, họ không chỉ tiếp tục làm thứ âm nhạc đã chắc chắn thành công, mà còn nỗ lực “đào tạo” khán giả của mình làm quen với thứ âm nhạc họ thực sự yêu thích.
Album Gieo của Ngọt và Cái đầu tiên của Thắng, thủ lĩnh của Ngọt, cho thấy biên độ sáng tạo đang ngày càng dãn rộng của ban nhạc này.
Việc những album không dễ nghe, lời ca nhiều bài đậm chất hiện sinh, với những chất liệu âm nhạc không quá quen thuộc với khán giả trẻ như psychedelic rock, swing jazz, nhạc kịch, chứng tỏ rằng Gen Z không hề là những thính giả dễ dãi. Họ là những người có gu và sẵn sàng đón nhận những kiểu âm thanh mới.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed