Những gương mặt Gen Z tiếp tục bứt phá trong năm qua, từ trái sang: Olivio Rodrigo trình diễn tại lễ hội âm nhạc Austin City Limits, Billie Eilish trình diễn tại lễ hội âm nhạc và nghệ thuật Beautiful – Ảnh: Austin360/ Billboard
Dù làng nhạc quốc tế hoạt động hết công suất, nhạc Việt dường như ngủ im, song cả hai cũng có vài điểm tương đồng.
Gen Z trộn nhạc từ phòng ngủ
Nhìn lại 2021 và cả trước đó, những bản hit lớn nhất đến từ đâu? Câu trả lời có lẽ là phòng ngủ. Hai năm trước, Lil Nas X trú tạm trong phòng chị gái mà viết Old Town Road. Rồi tới Billie Eilish trùm chăn viết Bad guy.
Đến lượt Olivio Rodrigo cũng thừa nhận viết Driver’s Lincense, ca khúc được stream nhiều nhất 2021 của Spotify, trên cây piano trong phòng ngủ. Không hề ngẫu nhiên khi họ đều thuộc thế hệ Z.
Một năm qua, họ phát hành những album không thể khác biệt hơn về hình tượng. Lil Nas X như một thiên thần đồng tính gãy cánh trong album đầu tay Montero. Billie Eilish, dù đặt tên album là Happier than ever (Hạnh phúc hơn bao giờ hết) nhưng vẫn tiếp tục là một “bệnh nhân” trầm cảm.
Còn Olivio Rodrigo trong Sour là nàng công chúa lần đầu nếm những cảm giác đố kỵ và nổi giận.
Nhưng dù chọn hình tượng nào, dấu ấn của một thế hệ vừa cô đơn trong căn phòng riêng nhưng cùng lúc lại sống nhiều cuộc đời trên mạng xã hội cũng hiện rõ mồn một trong sản phẩm của họ: họ viết ca từ thành thật như đang viết status lúc nửa đêm, họ pha trộn nhiều thể loại nhạc như đang tự chế ra một đĩa salad từ bất cứ thứ gì tìm được trong tủ lạnh.
Ta cũng sẽ tìm thấy thứ âm nhạc theo kiểu trộn salad “freestyle” như thế trong những nghệ sĩ Gen Z Việt Nam đang bứt phá trong năm 2021: Wren Evans, Tlinh hay đặc biệt là Mỹ Anh – người từng thừa nhận đã tạo ra những sáng tác đầu tay trong phòng ngủ và nhờ cha mình là nhạc sĩ Anh Quân dựng bài, cuối cùng cũng đã vượt ra khỏi phòng ngủ của cô, sau khi Real love lên số 1 BXH Apple Music và viral nhẹ trên TikTok.
Nhưng cũng dễ hiểu thôi, một thế hệ được chủ nghĩa toàn cầu giải phóng về mặt tâm thức thì không thể không giải phóng tuyên ngôn nghệ thuật của mình.
Quá khứ sống động từ những thước phim
Trên tạp chí Slate, một cây bút bình luận âm nhạc cảm thán rằng năm nay ông bình luận phim về âm nhạc còn nhiều hơn là về âm nhạc thực thụ. Ngược lại, một nhà phê bình phim trên New York Times khi chọn ra 10 tác phẩm điện ảnh hay nhất đã không ngần ngại xếp tới 3 bộ phim âm nhạc trong danh sách.
Một khán giả nếu theo dõi đủ các bộ phim âm nhạc đáng xem nhất của năm 2021 thì cũng như được đi tham quan một viện bảo tàng lưu giữ những khoảnh khắc định nghĩa cho lịch sử nhạc đại chúng khắp thế giới: từ lễ hội văn hóa Harlem của một mùa hè bị lãng quên khi 300.000 người da đen cùng tụ tập nghe Nina Simone hát bằng giọng ca được mô tả như “nằm giữa hy vọng và than khóc” trong Summer of Soul; đến xưởng The Factory của Andy Warhol nơi những âm thanh avant-garde bí ẩn ra đời trong The Velvet Underground; đến sự khai sinh ra Kenny G, nghệ sĩ saxophone được công chúng mến mộ nhất nhưng bị giới phê bình căm ghét nhất trong Listening to Kenny G; đến cách Britney Spears bị hủy hoại trong Framing Britney Spears; rồi cả Hong Kong những năm tháng huy hoàng nhất với Mai Diễm Phương trong phim tiểu sử Anita.
Những ngày cuối năm, khán giả lại có cơ hội ôn lại câu chuyện tình vượt thời gian trong vở nhạc kịch West Side Story với phiên bản điện ảnh mới của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg.
Dù phim ảnh đề tài âm nhạc ở VN chưa phát triển, nhưng một trong những ấn tượng âm nhạc sâu sắc nhất của năm chính là khi Đen Vâu phát hành Show của Đen trên Netlfix vào đúng nửa đêm ngày mà Sài Gòn dần cho mở cửa sau nhiều tháng dài u ám chìm trong dịch bệnh.
Nhìn Đen Vâu trong bộ áo nỉ như vừa bước ra từ lớp học thể dục, đứng hát giữa biển người: “Anh chỉ muốn khi tim còn đập là còn được hát giữa đời”, ta nhớ về những tin yêu trước đây vào cuộc sống, một thời mới đó thôi còn đầy phóng khoáng không âu lo nhưng tưởng như đã xa lắm rồi.
Mỹ Anh biểu diễn tại lễ hội âm nhạc Head In The Clouds ở Mỹ – Ảnh chụp màn hình
Những bản hit trỗi dậy từ TikTok
Giữa năm qua, hình ảnh Trương Nghệ Hưng, thành viên nổi tiếng của nhóm nhạc hàng đầu châu Á EXO, quay clip trên nhạc nền là bài Hai phút hơn của rapper Pháo thực sự khiến nhiều fan Việt phổng mũi tự hào.
Bài hát vốn xuất hiện từ năm 2019 và không được chú ý quá nhiều, vậy mà năm nay bỗng nhiên nó được biết đến tại rất nhiều quốc gia trên thế giới chỉ nhờ TikTok.
Nếu ví những hãng đĩa khổng lồ có lịch sử gần trăm năm tuổi là những người già khó tính và lắm tiêu chuẩn thì TikTok như một người bạn vui tính và sẵn sàng dành cơ hội cho bất cứ ai.
Trong danh sách những ca khúc tạo trend trong năm 2021 của TikTok, ngoài nhạc của những nghệ sĩ quen thuộc, ta còn bắt gặp cả những người hoàn toàn xa lạ, và kể cả bây giờ khi tra Google, ta cũng chẳng tìm thấy mấy thông tin về họ, như Hoàng Read và bài The Magic Bomb, hay Mc Don Juan và bài Bipolar.
TikTok đã tạo nên một kiểu nổi tiếng khác, một kiểu nổi tiếng vô danh, hoàn toàn không can hệ đến việc bạn là ai, câu chuyện của bạn hấp dẫn không, mà chỉ thuần túy dựa vào sự bắt tay trong âm nhạc của bạn. Rất nhiều người có thể nhảy theo một ca khúc mà có khi không biết người viết nó là người nào hay bài hát ấy dùng ngôn ngữ gì.
2022 có lẽ ta vẫn sẽ được chứng kiến TikTok trở thành một thế lực âm nhạc lớn hơn nữa. Ừ thì có lẽ chẳng ai thực sự muốn nổi tiếng theo cách ấy, nhưng nếu so với con đường tìm kiếm cơ hội ở những hãng đĩa và sự thừa nhận của những hiệp hội và giới phê bình truyền thống thì TikTok vẫn được coi là con đường tắt. Mà, nói như Adele trong album 30: “Tại sao tôi lại phải đi tìm sự chấp thuận của những người tôi còn chẳng biết nhỉ?”.
2021 là một năm tưng bừng của âm nhạc quốc tế khi các nghệ sĩ lớn liên tục tung “bom tấn”: Taylor Swift có 2 album, Lana Del Rey cũng vậy, Adele tái xuất sau 6 năm vắng bóng, rồi Drake, Ed Sheeran, BTS, Kanye West cùng vô vàn gương mặt trẻ vụt sáng, chưa kể đến sự trở lại đầy xúc động của những chuyến lưu diễn, những festival âm nhạc, những buổi hòa nhạc ngoài trời.
Còn với VN, ngoài vài bản hit của Jack, Sơn Tùng M-TP và Đen Vâu, ta chỉ có vài ca khúc động viên Sài Gòn mang tính thời điểm là chính, vài show biểu diễn tại gia khi các ca sĩ nhớ nghề, vài chương trình truyền hình thực tế không gây tiếng vang.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed