Sex Education có thể là sự khởi đầu về giáo dục giới tính với nhiều người trẻ – Ảnh: N.F.
Phim học đường ở một số nước phương Tây phổ biến với khán giả Việt Nam gần đây (Mỹ, Tây Ban Nha) sử dụng yếu tố tình dục nhiều, thậm chí đậm đặc, nhưng hầu như chỉ Sex Education chú trọng lồng ghép giáo dục giới tính.
Bàn luận cụ thể về tình dục
Các phim truyền hình nổi tiếng dành cho giới trẻ thường sử dụng tình dục làm yếu tố hấp dẫn khán giả, có phần câu khách.
Gossip Girl, Elite, Riverdale... đôi khi câu khách hơi quá đà bằng da thịt và nhan sắc diễn viên, cùng lối thiết kế cảnh nóng có phần hào nhoáng, màu mè. Các phim này cũng ít đề cập đến các rắc rối, hoang mang của họ trong tình dục mà phần lớn đều tỏ ra sành sỏi, kinh nghiệm dù còn rất trẻ.
Cảnh trong Sex Education
Riêng Sex Education có chất riêng, vừa hài, lố, cường điệu nhưng lại có tính giáo dục và không thuyết giảng.
Thay vì mô tả những khoái cảm hào nhoáng, phim tập trung vào các rắc rối có thể xảy ra ngoài đời: không thể cương cứng, dương vật nhỏ, bị quấy rối, quan hệ đồng tính, mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai…
Trước đây, có Sex and the City đề cập đến tình dục theo cách hài hước, cường điệu tương tự nhưng là phim dành cho tuổi trưởng thành và không chỉ xoay quanh giáo dục giới tính.
Sex Education mở rộng biên độ về khái niệm giáo dục giới tính cho người xem. Rõ ràng nó không chỉ xoay quanh những lời khuyên như “phải dùng bao cao su” và “phải tránh thai ngoài ý muốn”.
Một cô gái từng bị tấn công tình dục cần được “chữa lành” mối quan hệ với chính cơ thể. Một nữ sinh hoang mang vì cho rằng âm hộ mình không bình thường, xấu xí. Một nam sinh luôn mặc cảm vì nghĩ mình có dương vật quá nhỏ so với các bạn.
Trailer phim Giáo dục giới tính (Sex Education) mùa 3
Thái độ còn quan trọng hơn kiến thức
Ở mùa 3, khi cô hiệu trưởng mới quyết định áp đặt lối giáo dục cấm đoán, lạc hậu về giới tính, nhiều học sinh đã bày tỏ sự bức xúc.
Khi trường học tổ chức lớp giáo dục giới tính nhưng lại chiếu những đoạn phim lỗi thời nhằm nhục mạ người đồng tính, các học sinh đã lên tiếng vì thấy cách làm đó không đúng đắn.
“Nam sinh có được dạy về thai nghén hay chỉ nữ sinh bọn em?” – nữ sinh Meave đặt câu hỏi, và câu trả lời là “Chỉ nữ sinh thôi”. Meave phản đối ngay vì đó là cách giáo dục thiếu tiến bộ. Trách nhiệm tránh thai phải đến từ cả hai giới, trong đó sự chủ động bảo vệ đối tác của nam giới quan trọng không kém gì nỗ lực của nữ giới.
Cảnh phim Sex Education
Theo thạc sĩ Hoàng Tú Anh – phó giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP), để có thể tận dụng nguồn thông tin từ phim ảnh hiệu quả, cha mẹ cần trang bị cho con các kỹ năng về tìm kiếm, sàng lọc thông tin trước, cùng với con xác định các giá trị sống, đặc biệt là các giá trị liên quan tới các vấn đề giới tính và thỉnh thoảng cùng kiểm tra lại các giá trị này.
Cha mẹ hoàn toàn có thể tận dụng các bài viết trên Internet hay tình tiết trong phim như cơ hội để cả nhà cùng đọc, cùng xem và sau đó cùng thảo luận như một cách vừa là giáo dục, vừa là để cả nhà có một thời gian chất lượng cùng với nhau.
“Điều cha mẹ cần biết là thái độ còn quan trọng hơn kiến thức. Với thời đại 4.0, con cái có thể tự tìm kiến thức mà không cần học từ cha mẹ. Sự cởi mở của cha mẹ về vấn đề giới tính, sự quan tâm và tôn trọng với các giá trị của con mới là thứ con cần nhất” – chị Tú Anh nói.
Cảnh phim Sex Education
Thạc sĩ Hoàng Tú Anh, phó giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, nhận xét: “Sex Education là một phim rất hay và nên xem vì đưa ra những bàn luận rất cởi mở và cụ thể về nhiều khía cạnh của tình dục.
Tuy nhiên, phim được sản xuất trong một bối cảnh cụ thể là trường trung học ở Anh và có nhiều điểm khác với Việt Nam. Điều này có thể khiến vị thành niên và thanh niên Việt Nam cảm thấy bối rối hoặc ngộ nhận khi xem phim.
Bên cạnh đó, trừ những phim được sản xuất về mục đích thuần túy giáo dục, các sản phẩm điện ảnh sẽ thường có tính thương mại nên có thể không hoàn toàn thể hiện thực tế”.
‘Sex Education’ trở lại trong mùa khai giảng
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed