Đội nghệ sĩ tình nguyện đã biểu diễn phục vụ hơn 10 buổi tại các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị COVID-19 – Ảnh: FB MC Quỳnh Hoa
“Âm nhạc đầy sức mạnh. Nó tác động đến trí não, cơ thể và những kết nối xã hội của chúng ta. Không có gì nghi ngờ cả, rất nhiều người đang nương tựa vào âm nhạc để vượt qua được đại dịch lần này.
Verywell Mind
1. Giai điệu bài hát Quê hương của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch (phổ thơ Đỗ Trung Quân) quen thuộc đến mức chỉ cần nghe những câu đầu tiên là một người Việt Nam bất kỳ cũng có thể ngân nga cả bài.
“Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người”.
Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19
Trong một buổi đêm cuối tháng 7 ở Bệnh viện dã chiến quận 2 (TP.HCM), khi gió đêm thổi phần phật trên những căn cửa sổ cao tầng, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn bước ra và mang Quê hương trở về với những bệnh nhân, y bác sĩ đang chiến đấu với đại dịch.
Âm nhạc là cảm xúc trong từng khoảnh khắc, vẫn luôn như vậy. Quê hương hay Về quê, những bản nhạc qua tiếng kèn Trần Mạnh Tuấn có bao giờ thôi da diết, khắc khoải, trĩu lòng?
Nhưng để cảm xúc được đẩy lên cao độ thì phải là đêm tháng 7 ấy, phải là ở bệnh viện dã chiến, phải là người nghệ sĩ đeo khẩu trang kín mít nhưng tiếng saxophone vẫn không thôi vang vọng trước 10.000 khán giả đặc biệt ấy.
Lúc này đây, hai tiếng “quê hương” thiêng liêng với người dân Việt Nam khi nhiều địa phương đang dang rộng vòng tay đón người dân trở về giữa dịch bệnh.
Trần Mạnh Tuấn mang đến âm nhạc chữa lành – Ảnh: Quỷ Cốc Tử
2. Tháng 3-2020 tại nước Ý, trong thời phong tỏa, người dân đã cùng kêu gọi nhau mở cửa sổ, bước ra bancông của nhà mình để cùng nhau hát vang lên giữa trời đêm. Một video quay cảnh người dân ở Naples hát ca khúc Abbracciame (Hãy ôm lấy tôi) trở nên “viral” vì quá ấm áp.
Tháng 4-2020, vào lễ Phục sinh, giữa một châu Âu và nước Ý vắng lặng vì phong tỏa, danh ca mù Andrea Bocelli cũng cất tiếng hát vì niềm hy vọng tại thánh đường Doumo nguy nga ở Milan.
Andrea Bocelli hát trong đêm Phục sinh 12-4
Khi kết lại bằng màn biểu diễn Amazing Grace, Bocelli đứng đơn độc trước nhà thờ, giữa một thành phố cổ kính huy hoàng đang “đau ốm”.
Khung cảnh các thành phố châu Âu vắng lặng được chiếu lên màn hình. Người nghe hẳn phải sắt đá lắm mới không rơi nước mắt trước những hình ảnh đó, đồng thời thấy thanh thản trong lòng.
Dù là giai điệu Quê hương ngọt ngào ở Việt Nam hay bản thánh ca Amazing Grace vang vọng, âm nhạc vẫn luôn là phương thuốc chữa lành tuyệt vời cho tâm hồn.
Nghệ sĩ The Weeknd – Ảnh: Getty Images
3. Tháng 11-2020, nghệ sĩ The Weeknd cũng thực hiện màn trình diễn 2 ca khúc Save Your Tears, In Your Eyes của anh trên sân khấu đặc biệt: một cây cầu ở trung tâm Los Angeles, Mỹ.
Tiết mục mở đầu bằng tiếng saxophone réo rắt của Kenny G, rồi The Weeknd bước đi đơn độc giữa dàn pháo hoa và cất cao giọng ca xuất sắc mang tính đại diện cho thế hệ anh.
Tên tiết mục cũng được chọn thật khéo, “Save your tears in your eyes” có thể nối thành một câu, như lời an ủi chúng ta hãy nén lại những giọt nước mắt và hãy sống hết mình cho ngày hôm nay.
Tại Mỹ, cư dân mạng thành lập nhóm Quarantine Karaoke (Hát karaoke thời cách ly) trên Facebook. Nhóm thu hút hơn 700.000 thành viên từ nhiều quốc gia. Người ta đăng video mình hát tại nhà, khuyến khích mọi người hòa giọng theo.
Không chỉ nghe nhạc, trong thời dịch, người dân còn có nhu cầu tự hát, tự chơi nhạc, tự sáng tác thêm những giai điệu nói lên tâm trạng của mình. Bởi vì dù bị cách ly, âm nhạc vẫn mang đến tự do.
Danh ca Andrea Bocelli cất tiếng hát vì niềm hy vọng tại thánh đường Doumo ở Milan trong tháng 4-2020 khi châu Âu và nước Ý vắng lặng vì phong tỏa- Ảnh: Getty Images
Vui lên với âm nhạc
Trong thời dịch, chúng ta đâu thể bước ra ngoài để đi cà phê, đi ăn nhà hàng cùng bạn bè, đi tập gym, đi xem phim tại rạp hay du lịch đến một nơi thật xa để chữa lành tâm hồn. Nhưng không lúc nào chúng ta mất kết nối với âm nhạc.
Trị liệu bằng âm nhạc cũng là một trong những biện pháp các nhà tâm lý gợi ý để giúp con người đối phó với các vấn đề về thể chất, cảm xúc, nhận thức…
Theo trang Verywell Mind, 79% độc giả của họ cho biết đã cậy nhờ âm nhạc để đương đầu với những tổn thương do đại dịch. Lý do hàng đầu là âm nhạc giúp họ “vui lên” (chiếm đến 77% số người được hỏi).
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed