Hình ảnh trong MV Có một Sài Gòn như thế
Nhạc sĩ Quốc Bảo từng viết trong một tản mạn về thành phố. Thế rồi thành phố luôn hăm hở sống với tiết tấu dồn dập ấy cũng một ngày rơi vào khoảng lặng dài.
Nhưng, khoảng lặng cũng có âm nhạc của khoảng lặng. Những lóng lánh của một đô thị giải trí lúc nào cũng linh đình và vui như hội tạm lắng xuống, nhường sân khấu cho âm nhạc của những con người tưởng chừng chẳng liên quan gì tới âm nhạc bước lên.
Bởi vì Sài Gòn luôn có chỗ cho tất cả mọi người. Như một thầy giáo trẻ dạy tiếng Anh ôm đàn guitar hát: “Hàng quán hay chợ búa hay là cổng trường/ Rạp hát hay là công viên rồi giáo đường/ Cửa đóng then cài để bao người nhớ thương” (Sài Gòn tôi sẽ).
Hình ảnh trong clip Sài Gòn tôi sẽ
Nguyễn Thái Dương nói rằng anh đã sáng tác Sài Gòn tôi sẽ – bản nhạc đang được truyền tay trên mạng xã hội – trong chưa đầy hai tiếng. Quả đúng là bản nhạc giản dị, tùy hứng, cũng rất bình dân như một ly cà phê sữa đá mà chỉ cần tấp đại vào một lề phố Sài Gòn nào đó là có thể nhâm nhi.
Nó là thứ âm nhạc có thể buột ra trên môi của bất cứ ai trong cái thành phố hay hát và yêu ca hát này. Và Dương lại chọn điệu waltz. Ngẫu nhiên làm sao, nó gợi ta nhớ đến thi sĩ Lorca cũng từng mời gọi mọi người luân vũ trong một điệu waltz trước phong cảnh não nề của thành Vienne rầu rĩ.
Như bao giờ cũng vậy, ta thường coi những điều mình đang có là lẽ đương nhiên. Ngày thường, nhiều khi nói về Sài Gòn, những người thị dân sẽ nhăn mặt, chun mũi, lòng đầy bức xúc, nào “bụi quá!”, “nóng quá!”, nào “đông quá!”, “ồn quá!”.
Để rồi khi Sài Gòn trong cơn hoạn nạn, ta lại thấy điều gì ở nó cũng thật đáng yêu quá. Và chợt ai cũng muốn tỏ tình với Sài Gòn.
‘Sài Gòn tôi sẽ’ của Nguyễn Thái Dương
Từ Có một Sài Gòn như thế của Nguyễn Phi Hùng đến Sài Gòn ơi! Xin lỗi, cảm ơn vừa ra mắt vào cuối tháng 6 của Khắc Việt và Tuấn Hưng, Sài Gòn được yêu không chỉ vì sự xởi lởi, hào phóng, nó còn được yêu vì cả sự chen chúc, sự nắng mưa thất thường và cả những khắc nghiệt mưu sinh.
Những bản nhạc ấy không phải những bản nhạc viết ra để còn mãi, song chính vì thế mà nó cho thấy Sài Gòn luôn sẵn đầy âm nhạc, âm nhạc nhẹ nhàng tuôn ra không câu nệ như một lời chào.
Hình ảnh trong MV Sài Gòn ơi! Xin lỗi, cảm ơn
Mà nào đâu chỉ người Sài Gòn mới nhớ thương Sài Gòn những ngày rộn rã. Ngay cả những khách quá giang chỉ trú chân nơi thành phố ấy vào những khoảng thời gian đứt đoạn trong đời cũng bỗng thấy bao câu hát của Trịnh Công Sơn, của Ngô Thụy Miên như vượt từ những kỷ niệm đến để rầm rì trong vòm miệng ta:
“Nhớ Sài Gòn những chiều gặp gỡ, nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm, nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng”, “Nắng Sài Gòn hôm nao dìu bước chân em. Qua phố phường vào quán chợ thân quen”.
Và khi quá khứ dội về, ta nhận ra Sài Gòn tuy trẻ, nhưng chẳng gì chưa nếm trải. So với một đô thị 300 tuổi, hai tuần lễ có khác chi một cái chớp mắt.
Sài Gòn vắng lặng thật, nhưng mọi người vẫn ở đấy thôi, vẫn đâu đó trong những ngôi nhà của mình, trong góc khuất. Trong những khoảng lặng vô cùng, Sài Gòn vẫn hăm hở sống. Bởi nếu không, tiếng hát từ đâu ra, thanh âm từ đâu ra, âm nhạc từ đâu ra?
Khi ông chủ tịch hội sân khấu xin cơm
Tổng hợp tin tức – Giải trí – Mới nhất trong ngày 24/7