Chiều 29/8, hàng trăm nghệ sỹ đến tham dự Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân (NSND), Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) lần thứ 9 năm 2019, được tổ chức trang trọng tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đến dự có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ và lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương.
Vinh danh những cống hiến vì nghệ thuật của các nghệ sỹ Việt
Những khuôn mặt rạng ngời, nụ cười tươi của các nghệ sỹ có tên trong danh sách được trao tặng danh hiệu thực sự khiến các quan khách, bạn bè, người thân cùng vui lây. Cả một đời cống hiến cho nghệ thuật, giây phút đứng trên sân khấu nhận bằng danh hiệu NSND, NSƯT có lẽ đó sẽ là giây phút thiêng liêng, khó quên trong cuộc đời mỗi người nghệ sỹ chân chính.
Là một trong những nghệ sĩ cao tuổi nhất trong đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 này, nghệ sĩ Phó Thị Đức (Kim Đức), sinh năm 1931, diễn viên hát, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam bày tỏ niềm vui và tự hào vì những cống hiến của mình đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Được phong tặng danh hiệu NSND ở tuổi 88, bà thấy những nỗ lực của mình cống hiến cho nghệ thuật được đền đáp. Mặc dù tuổi đã cao nhưng nghệ sĩ vẫn khẳng định sẽ tiếp tục con đường nghệ thuật và hy vọng vẫn luôn dành được sự yêu mến của khán giả, xứng đáng với phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng.
NSND Kim Đức. |
Nghệ sĩ Phan Muôn là diễn viên hát, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam thì cho biết, hôm nay là một ngày hội của các nghệ sĩ, một ngày vui vinh danh các nghệ sĩ.
“Hơn 40 năm gắn bó với làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và ngày hôm nay, những nỗ lực của tôi đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Còn chút sức lực nào tôi cũng sẽ cống hiến đến cùng cho nhân dân, đất nước. Giờ phút xúc động này, tôi xin cảm ơn Đài Tiếng nói Việt Nam đã là bệ phóng, chắp cánh cho tiếng hát của tôi bay xa khắp mọi miền đất nước” – nam nghệ sĩ nói.
Nghệ sĩ Trần Hạnh nhận danh hiệu NSND ở tuổi 90. |
Nghệ sĩ gạo cội Trần Hạnh đón nhận danh hiệu NSND ở tuổi 90. Trước đó, trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trích dẫn lại chia sẻ của nghệ sĩ Trần Hạnh: Nghệ sĩ Trần Hạnh vẫn giữ được cho mình tâm sáng, lòng trong và trái tim vị nghệ thuật, vị nhân sinh.
Tuổi cao sức yếu, bước đi phải có người dìu, nghệ sĩ Trần Hạnh tâm sự ông vẫn rất yêu và nhớ nghề, sẵn sàng nhận lời đóng phim nếu được mời, dù chỉ có thể nhận vai ngắn.
Ông bày tỏ nỗi xúc động khi được Thủ tướng ôm trên sân khấu và cảm thấy được an ủi khi Nhà nước và nhân dân đã ghi nhận những cống hiến của mình.
NSND Trọng Trinh và NSND Thu Hà. |
Nghệ sĩ Thu Hà để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả qua nhiều bộ phim như: Lá ngọc cành vàng; Em còn nhớ hay em đã quên; Đêm hội Long Trì; Canh bạc… Nghệ sĩ Thu Hà tâm sự: “Hiện sân khấu vẫn là nghề chính, còn đóng phim truyền hình chắc phải một thời gian nữa tôi mới có kế hoạch. Ngày hôm nay nhận danh hiệu NSND, nếu so với tuổi đời các bậc tiền bối thì chưa lâu, nhưng tuổi nghề là khá lâu”.
Nghệ sĩ Công Lý trong thời gian qua liên tục có những vai diễn ghi được dấu ấn ở cả lĩnh vực truyền hình và sân khấu: “Tôi rất vui và hạnh phúc vì sự cống hiến của mình cùng những đồng nghiệp khác được ghi nhận. Tôi cho rằng đây là một điều đáng tự hào trong cuộc đời bất cứ nghệ sĩ nào với danh hiệu lớn này”, nghệ sĩ Công Lý chia sẻ khi nhận danh hiệu NSND.
NSND Công Lý nhận bằng chứng nhận từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Nhạc trưởng Đặng Châu Anh xúc động khi được phong tặng danh hiệu NSƯT với hành trình dài đưa hợp xướng Việt đi khắp thế giới: “Với danh hiệu này, tôi cảm thấy tự hào và có thêm trách nhiệm hơn trong hoạt động nghề nghiệp. Nghệ thuật là một trong những phương tiện giúp cho xã hội tốt đẹp hơn. Hiện tại tôi đang đại diện cho nghệ thuật hợp xướng ở Việt Nam để phát triển rộng khắp thế giới. Ngoài ra, tôi cũng làm đại diện hình ảnh của hợp xướng Việt Nam với bạn bè quốc tế”.
Đại tá Nguyễn Văn Hải (Nguyễn Hải) là gương mặt quen thuộc với khán giả qua các bộ phim như “Chuyện làng Nhô”, “Chạy án”, “Con nhện xanh”… và mới đây là vai diễn trùm Cấn trong “Quỳnh búp bê”.
Người nghệ sĩ 61 tuổi cho rằng, một nghệ sĩ phấn đấu trở thành NSƯT rồi NSND là cả một chặng đường hy sinh vô cùng lớn và không phải ai cũng đạt được. Và nếu đạt được, người nghệ sĩ phải chấp nhận hy sinh.
“Là nghệ sĩ nghèo lắm, có giàu là giàu những tác phẩm cho cuộc đời. Đối với tôi, danh hiệu NSND được phong tặng ngày hôm nay mới chỉ là khởi đầu của sự cống hiến, tất nhiên cống hiến ở chất lượng cao hơn, để tương xứng với danh hiệu Nhà nước và nhân dân đã tin yêu và trao tặng” – NSND Nguyễn Hải nói.
Thủ tướng bắt tay chúc mừng NSND Nguyễn Hải |
Mỗi danh hiệu không chỉ là niềm tự hào mà còn là áp lực với mỗi nghệ sỹ
Hội đồng cấp Nhà nước nhận được 105 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và 359 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Sau khi 5 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước: Sân khấu, Âm nhạc, Múa, Điện ảnh, Phát thanh – Truyền hình họp, xét, thảo luận hồ sơ theo từng chuyên ngành có 84 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và 307 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước.
Ngày 12/8/2019, Chủ tịch nước đã ký các Quyết định số 1358/QĐ-CTN, 1359/QĐ-CTN chính thức truy tặng, phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú cho 391 nghệ sỹ, là những người đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.
Cụ thể, tại Quyết định số 1358/QĐ-CTN, Chủ tịch nước Quyết định truy tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân cho 5 nghệ sỹ, danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú cho 8 nghệ sỹ.
Tại Quyết định số 1359/QĐ-CTN, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân cho 79 nghệ sỹ, phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú cho 299 nghệ sỹ thuộc các lĩnh các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, múa, phát thanh, truyền hình.
Điều đặc biệt là, trong danh sách các nghệ sỹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú đợt này, rất nhiều nghệ sỹ hồ sơ không đáp ứng đủ các quy định hiện hành, nhưng vẫn được tặng danh hiệu vì có nhiều cống hiến xuất sắc cho nghệ thuật nước nhà.
Theo quy định Luật Thi đua khen thưởng và Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ, tiêu chí xét duyệt Nghệ sỹ Nhân dân yêu cầu thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp phải từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa, thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên. Đồng thời, các nghệ sỹ phải đáp ứng điều kiện đã được tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú và có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú…
Đối với danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú, nghệ sỹ phải có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 10 năm trở lên; có ít nhất 2 Giải Vàng quốc gia hoặc 1 Giải Vàng quốc gia và 2 Giải Bạc quốc gia.
Các nghệ sỹ khi được hỏi đều khẳng định, đối với những người làm nghệ thuật, được lao động nghệ thuật là hạnh phúc, là đam mê và tình yêu với nghề chứ không phải vì danh hiệu. Khi được trao tặng các danh hiệu cao quý, các nghệ sỹ đều rất xúc động và biết ơn bởi những nỗ lực, cống hiến cho sự phát triển của nghệ thuật nước nhà đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
NSND Minh Đức, chia sẻ “Tôi cho rằng, việc thay đổi cơ chế xét tặng danh hiệu sẽ tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ có nhiều cống hiến được nhận danh hiệu mà họ xứng đáng được nhận. Và đó cũng là một trong những thay đổi rất tích cực mà giới nghệ sĩ luôn mong muốn”.
Còn đạo diễn Trọng Trinh thì cho rằng, danh hiệu mới đi kèm với rất nhiều áp lực: “Tôi xốn xang, hồi hộp và xúc động giây phút đứng trên sân khấu nhận danh hiệu NSND. Đó là kỷ niệm đáng nhớ trong cả cuộc đời làm nghề. Điều quan trọng là những gì mình đam mê, cháy hết mình đã được ghi nhận. Không có phần thưởng nào cao quý hơn danh hiệu NSND bởi vậy, trách nhiệm cộng với áp lực là rất lớn. Áp lực ở đây không chỉ trong nghề mà còn là cuộc sống”.
Đánh giá về công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục hồ sơ quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Các hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được thực hiện qua 03 cấp Hội đồng: cấp cơ sở; cấp Bộ, tỉnh và cấp Nhà nước. Hội đồng cấp Nhà nước được thực hiện qua 02 bước xét: Hội đồng chuyên ngành và Hội đồng cấp Nhà nước.
84 Nghệ sĩ Nhân dân và 307 Nghệ sĩ ưu tú được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước lần thứ 9, thuộc 09 dân tộc anh em: Kinh, Thái, Mường, Tày, Nùng, H’Mông, Ê Đê, Jơ Rai, Khmer.
Trong đó, nghệ sĩ nam cao tuổi nhất – sinh năm 1927 (92 tuổi) là Đường Tuấn Ba, nhà quay phim Hãng phim Giải phóng, nay là Công ty Cổ phần phim Giải phóng thuộc Bộ VHTT&DL; Nghệ sĩ nữ cao tuổi nhất – sinh năm 1931 (88 tuổi) là Nghệ sĩ Kim Đức, nguyên diễn viên hát, Đài Tiếng nói Việt Nam./.
Văn hóa – Giải trí | VOV – ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM