Từ nguồn vốn vay gần 15 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Châu Á và đối ứng từ ngân sách địa phương, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Kon Tum đang đầu tư xây dựng nhiều hạng mục ở 2 làng du lịch cộng đồng Kon Bring, xã Đăk Long, huyện Kon Plông và làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum với mục đích cải thiện cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ để phát triển du lịch cộng đồng tại 2 làng dân tộc thiểu số này.
Thế nhưng ngay sau khi một số hạng mục đầu tiên được xây dựng, du khách, người am hiểu văn hóa và nhất là người làm du lịch văn hóa cộng đồng ở địa phương đã có những phản ứng gay gắt về nhiều hạng mục xây dựng của dự án.
Hàng rào nhà rông Kon Bring trước khi được đầu tư xây dựng. |
Chỉ sau hơn 1 tháng triển khai trên thực địa, công trình đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch cộng đồng đã biến hai làng du lịch cộng đồng Kon Bring, xã Đăk Long, huyện Kon Plông và làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum thành công trường xây dựng với ngổn ngang sắt, thép, cát, đá, xi măng.
Họa sỹ Kiều Đăng, nhà ở thành phố Kon Tum, người thường xuyên tiếp xúc với các đoàn khách du lịch tỏ ra vô cùng thất vọng: “Khách du lịch khi họ bước vào họ nói ủa làm gì đây, làm gì đây? Xây bê tông hả? Vậy thôi chứ vào đây coi cái gì? Mười đoàn thì cả mười đều nói như thế”.
Người dân và du khách bức xúc vì làm hàng rào bê tông quanh Nhà rông ở làng văn hóa du lịch. |
Được đầu tư từ nguồn vay gần 15 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Châu Á và đối ứng từ ngân sách địa phương, hệ thống giao thông, công trình công cộng tại hai làng Kon Bring và Kon Kơ Tu được kỳ vọng sẽ mang lại thuận lợi, nâng cao khả năng thu hút khách du lịch. Thế nhưng một số hạng mục mới vừa xây dựng xong đã khiến du khách thất vọng vì cảnh quan, kiến trúc bị phá vỡ. Điển hình như ở làng Kon Bring, hàng rào gỗ xinh xắn bao quanh Nhà rông hài hòa với không gian văn hóa của làng đã bị dỡ bỏ vứt chỏng chơ. Thay vào đó là một hàng rào bê tông lạnh ngắt, sừng sững ngăn cách Nhà rông với phần còn lại của làng. Còn tại làng Kon Kơ Tu, con đường đất mềm mại từ trung tâm làng dẫn ra khu vực bến sông Đăk Bla với những hàng cây thơ mộng bị đơn vị thi công san ủi để bê tông hóa.
Chị Y Bông, một người con của làng kinh doanh homestay khẳng định, khách du lịch đến làng không thích và không tìm những thứ như vậy. Chị nói: “Họ thích sự mộc mạc của làng. Họ thích sự đơn sơ thôi. Nó tự nhiên”.
GM_PC_ARTICLE_NATIVE_ADS
Cùng với hàng rào bê tông lạc lõng, kệch cỡm bao quanh Nhà rông làng Kon Bring, tại làng Kon Kơ Tu người ta còn đầu tư một sân bê tông trước Nhà rông rộng tới 730m2. Đây là một hạng mục khiến dân làng rất dị ứng bởi lý do: mỗi khi biểu diễn cồng chiêng và múa xoang các nghệ nhân Ba Nar đều đi chân trần. Nhảy múa trên nền sân bê tông cứng và nóng rẫy khi trời nắng là điều không ai muốn. Ngoài ra, việc lạm dụng bê tông để cải thiện cơ sở hạ tầng cũng khiến không gian văn hóa làng truyền thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Đô Huynh, người có hàng chục năm gắn bó với du lịch văn hóa cộng đồng ở Kon Tum bức xúc: “Cái đầu tư tốt nhất để cho du lịch ở các làng đừng có đầu tư gì cả. Nói như thế rồi mà bây giờ họ cứ làm đường rồi xây tường, xây WC phơi trần ra đó. Rồi ủi sạch hết bờ sông thơ mộng, còn đâu mà văn hóa với du lịch”.
GM_PC_ARTICLE_INPAGE_BANNER
Bến sông làng Kon Kơ Tu thơ mộng giờ bị san ủi để bê tông hóa. |
Trước nhiều ý kiến phản ứng từ dư luận đối với công trình đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại hai làng Kon Bring và Kon Kơ Tu, ông Trương Quốc Việt, Trưởng Phòng kinh tế đối ngoại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, kiêm Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới tỉnh Kon Tum cho biết, sẽ tiếp thu sửa chữa.
Ông Việt nói: “Những gì dư luận đang lên tiếng, chúng tôi đã cho dừng lại. Các bộ phận chuyên môn cũng đang rà soát lại một lần nữa toàn bộ các vấn đề có liên quan. Phải đánh giá lại thiết kế như thế liệu có ảnh hưởng gì về kiến trúc không gian xung quanh nữa hay không? Ban quản lý sẽ có một buổi làm việc trực tiếp với địa phương. Nếu như các bên liên quan cùng thống nhất với nhau thì Ban quản lý tiếp tục triển khai tiếp. Nếu như còn vấn khác nhau thì lúc đó phải trao đổi kỹ lại”.
Trong tổng mức gần 15 tỷ đồng đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ để phát triển du lịch cộng đồng cho 2 làng Kon Bring và Kon Kơ Tu, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum đã chi trên 1 tỷ 100 triệu đồng cho công tác tư vấn đầu tư xây dựng. Theo Ban quản lý dự án này, nhiều cuộc họp dân, nhiều buổi tham vấn đã được tổ chức bài bản và công khai. Thế nhưng dường như yếu tố văn hóa chưa thực sự được coi trọng trong việc quyết định các hạng mục đầu tư.
Thực tế cho thấy, khác với những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đơn thuần, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho mục đích phát triển du lịch văn hóa cộng đồng cần phải được thực hiện một cách hết sức thận trọng, bởi nếu không dễ xảy ra tình trạng được về cơ sở hạ tầng lại mất về cảnh quan, kiến trúc văn hóa truyền thống./.
Văn hóa – Giải trí | VOV – ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM