Vùng đất Đông Triều, Quảng Ninh, nơi đặt Tổ miếu cùng hệ thống lăng tẩm, chùa tháp gắn liền với chiều dài lịch sử của vương triều nhà Trần. Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước tôn tạo, khôi phục lại giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt này, trong đó có việc phục dựng Lễ hội Thái Miếu nhà Trần trong dịp đầu xuân Kỷ Hợi diễn ra sáng nay (23/2) tại Đông Triều.
Đông Triều là quê gốc của nhà Trần, trước khi chuyển về Tức Mặc (Nam Định), Long Hưng (Thái Bình) và phát tích đế vương ở đó vào khoảng thế kỷ 12. Từ đời Trần Thái Tông, vua đã cấp An Sinh (Đông Triều) cho anh mình là Trần Liễu làm đất thang mộc để trông coi phần mộ, thờ cúng tổ tiên.
Nhà Trần xây dựng tại đây, hệ thống đền, miếu, lăng mộ, chùa tháp quy mô lớn, trong đó có Thái Miếu, đền An Sinh, 7 lăng miếu an táng các đời vua, chùa Quỳnh Lâm – nơi sở hữu 1 trong 4 An Nam tứ đại khí, chùa Ngọa Vân – Hồ Thiên gắn liền với sự nghiệp tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Với những giá trị lịch sử văn hóa, khảo cổ khoa học đặc sắc, Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2013. Các phế tích, nền móng cũ từng bước được tôn tạo, khôi phục. Trong đó, Thái Miếu – nơi thờ tổ tiên và 14 vị vua Trần được tu bổ trên diện tích hơn 16 nghìn m2 bằng nguồn vốn xã hội hóa.
GM_PC_ARTICLE_NATIVE_ADS
Năm nay, tỉnh Quảng Ninh lần đầu phục dựng lễ hội Thái Miếu trong 3 ngày, từ 22-24/2 (tức từ 18-20 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại xã An Sinh, thị xã Đông Triều. Địa phương đã phối hợp với các nhà khoa học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức hội thảo nghiên cứu tái hiện các nghi lễ truyền thống như Lễ tế mở cửa đền, Lễ tiến vua bằng các sản vật của địa phương, Lễ giỗ Đức Thái tổ Trần Thừa, hội diễn dân gian.
Lễ rước nước – nghi lễ quan trọng tái hiện cuộc sống trước kia của tổ tiên nhà Trần gắn với nghề chài lưới trên sông nước thu hút gần 1300 người dân với 25 đoàn rước tham gia.
GM_PC_ARTICLE_INPAGE_BANNER
Ông Hồ Quang Phụng, người dân dự lễ cho biết, “Lần đầu tiên chúng tôi được tham dự lễ rước nước rất quy mô, tôn nghiêm như thế này, bà con rất đông, nô nức. Đây là nghi lễ có ý nghĩa lịch sử gắn với đời Trần, đã lập nên trang sử vẻ vang cho dân tộc. Chúng tôi rước nước cầu mong mưa thuận gió hòa, đất nước được bình an, nhân dân ấm no, hạnh phúc”.
Lễ hội Thái Miếu nhà Trần sẽ được duy trì trở thành lễ hội truyền thống hàng năm. Ông Trần Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều cho biết, cùng với việc khôi phục lễ hội truyền thống, Đông Triều sẽ tiếp tục xây dựng các tuyến điểm du lịch, là điểm kết nối các di tích nhà Trần từ Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương) tới Bạch Đằng (Quảng Yên), Yên Tử (Uông Bí), Cửa Ông, Vân Đồn, trở thành điểm đến tầm khu vực và quốc tế.
Ông Trần Văn Vinh bày tỏ, “Theo lộ trình đến năm 2020, cơ bản 14 điểm di tích nhà Trần tại Đông Triều sẽ được tôn tạo, tu bổ. Đối với lễ hội là 3 lễ hội lớn: đền An Sinh, Xuân Ngọa Vân và lễ hội Thái Miếu, tiến tới phục dựng lễ hội chùa Quỳnh Lâm cũng là di tích đặc biệt. Đông Triều sẽ phát huy giá trị khu di tích, quảng bá cho người dân trong và ngoài tỉnh, trong và ngoài nước về với Đông Triều”./.
PC_Article_AfterShare_1
Văn hóa – Giải trí | VOV – ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM