Đồng chủ trì hội thảo có bà Trần Thị Thu Đông, Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; ông Hồ Sỹ Minh, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và đời sống; ông Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật.
Tham gia toạ đàm có đông đảo các nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo và các nhà nhiếp ảnh.
Tại tọa đàm, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông nhận định, trong những năm qua, mặc dù Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và nhiều tổ chức văn hóa văn nghệ khác đã trao nhiều giải thưởng, một năm hoặc hai năm một lần, hay nhiều giải thưởng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, kỷ niệm các sự kiện lớn của các bộ, ban, ngành, địa phương… nhưng hầu như các tác phẩm được trao giải rất nhanh chìm vào quên lãng.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông nhấn mạnh: “Qua cuộc tọa đàm này, cần xác định được hướng đi đúng, những việc cần phải làm để nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển trong những yêu cầu mới của đất nước. Đặc biệt là, giới nhiếp ảnh phải có thành quả cụ thể để chuẩn bị tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật Việt Nam sau Ngày thống nhất đất nước. Tọa đàm cần trả lời câu hỏi: “Vì sao nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam tuy đã có thành tựu rất đáng ghi nhận, biểu dương, nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn còn ít tác phẩm xứng tầm với sự phát triển của đất nước, ít nghệ sĩ lớn, có tầm cỡ như những giai đoạn trước kia?”. Từ đó, tập trung đưa ra giải pháp để trong thời gian tới có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao”.
Các tham luận tại tọa đàm đã tập trung bàn luận về các vấn đề nổi cộm như: Trình độ, thái độ ban giám khảo; nâng cao năng lực quảng bá; Tác động của công nghệ (nhất là AI) với ảnh nghệ thuật; Đào tạo nguồn nhân lực cho nhiếp ảnh; Đầu tư sáng tác; yếu tố “vùng miền” trong sáng tác và thẩm định ảnh; Ảnh bộ và ảnh đơn; Lối mòn cần tránh, giải pháp nâng cao chất lượng ảnh nghệ thuật; …
Phó trưởng Ban Lý luận phê bình nhiếp ảnh Lưu Quang Phổ nhận định, ảnh nghệ thuật Việt Nam không phải chưa có chất lượng cao mà chỉ nhàm chán vì cảm giác bị copy; cũng chưa hay bởi chưa đi sâu vào nội dung mà đa phần chỉ diễn tả vẻ đẹp bề ngoài bằng đường nét, bố cục, ánh sáng, màu sắc. Chúng ta phải đổi mới điều này nếu không muốn bị xã hội quay lưng.
Ông Lưu Quang Phổ cho rằng, định hướng của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam là rất quan trọng. Ông đưa ra giải pháp tình thế nhưng có tính khả thi trong ngắn hạn, đó là thay đổi điều lệ các cuộc thi, liên hoan theo hướng chuyên sâu, chuyên đề. Bên cạnh đó, cần cân nhắc để đưa vào chương trình hoạt của Hội các hoạt động hỗ trợ công bố tác phẩm, triển lãm cá nhân, hỗ trợ dự án… của hội viên theo một phương pháp và liều lượng phù hợp.
Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Trần Phong đưa ra ý kiến về đội ngũ thẩm định ảnh hiện nay: “Đội ngũ làm công tác thẩm định ảnh hiện nay, thực ra còn yếu và chắc chắn là không đều tay. Đã có dư luận xì xào về công tác giám khảo ở các cuộc thi về bề dày nghề nghiệp, tuổi Hội còn khá mỏng mà cũng chưa có thành tích gì đáng kể, vị giám khảo kia không trung thực, thiên vị cho học trò và thân quen. Giám khảo thiếu vốn sống, vốn nghề tất nhiên kết quả thẩm định của anh ta sẽ lệch lạc trôi về một hướng khác. Hội ta đã có nhiều lần tổ chức tập huấn về công tác thẩm định ảnh, gần đây nhất là tại Cà Mau; tuy nhiên hiệu quả của nó đến đâu thì còn là vấn đề lâu dài”.
Ông Trần Phong cho rằng: “Trong sáng tạo nghệ thuật, người cầm máy cần tìm cho mình hướng đi riêng, và điều quan trọng là không lặp lại chính mình, không lặp lại người khác. Người thẩm định ảnh cần có sự đổi mới, luôn cập nhật thông tin, giàu vốn ảnh để có sự đánh giá chuẩn mực, đúng hướng góp phần nâng cao chất lượng ảnh. Tránh lối mòn trong ảnh nghệ thuật – vấn đề đặt ra không chỉ đối với người sáng tác mà còn đối với người thẩm định”.
Nhà Nghiên cứu Lý luận phê bình Nhiếp ảnh Vũ Đức Tân đưa ra giải pháp về vấn đề nên có Bảo tàng Nhiếp ảnh: “Hiện nay Trung tâm lưu trữ của Hội ta không phải là bảo tàng. Bảo tàng cũng trở thành một tiêu chuẩn để định giá các tác phẩm thành công. Có chế độ bảo tàng thì giá trị và giá cả tác phẩm nhiếp ảnh cũng sẽ khác đi. Thông qua bảo tàng và mạng, Nhà nước cũng nên chú ý khuyến khích các gallery và các nhà sưu tập cá nhân”.
Qua các tham luận, tọa đàm đã thống nhất cần tiến hành một số biện pháp để nhiếp ảnh phát triển mạnh mẽ hơn, đó là: Đổi mới tư duy, suy nghĩ, đổi mới cách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; cần đặc biệt quan tâm hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; đổi mới tư duy công bố tác phẩm; tiếp tục đổi mới đội ngũ lãnh đạo, quản lý; tạo ra một cuộc vận động sáng tạo nhiếp ảnh có quy mô toàn xã hội.
Nguồn: Internet