Bị cáo Trần Văn Trường xin đổi tội danh
Là đồng phạm liên quan đến vụ án Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH Một thành viên (SAGRI), phần tự bào chữa, bị cáo Trường cho rằng mình không tư lợi, không có ý thức chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, bị cáo Trường phân trần, bản thân là người không hiểu rõ quy định về pháp luật hình sự. “Tôi thấy kỳ khi bị xử tội tham ô”, ông Trường nói.
Bị cáo Trường nói thêm, mong HĐXX đổi tội danh cho bị cáo.
“Bị cáo không đối phó với hành vi tham ô mà thực tế là tình ngay lý gian, đây là những lời thực sự từ đáy lòng bị cáo. Bị cáo không kêu oan gì, ở đâu cũng có trường hợp sai sót. Xin Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử và dư luận có cái nhìn bao dung cho trường hợp của bị cáo và các anh em ở đây. Không ai tư lợi gì về vụ này đâu”, bị cáo Trường trình bày.
Cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn cho rằng mình bị oan
Trước cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại SAGRI, ở phần tự bào chữa, bị cáo Tuấn cho rằng mình bị oan.
Cụ thể, bị cáo Tuấn nói rằng, việc bị cáo ký tờ trình tham mưu cho phép chuyển nhượng dự án là thực hiện theo kết luận hợp pháp của hội đồng thẩm định và thay mặt hội đồng theo luật định, không phải tham mưu theo thẩm quyền cá nhân.
Quá trình thụ lý, thẩm định và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp phù hợp trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và công khai, minh bạch.
Bị cáo Tuấn nêu, Quyết định 6077 không phải là nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật về chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong dự án bất động sản này.
Việc chuyển nhượng dự án bất động sản và việc chuyển nhượng toàn bộ số vốn (bao gồm giá trị quyền sử dụng đất) đã đầu tư vào dự án bất động sản do doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đầu tư là các thủ tục pháp lý và điều kiện pháp lý khác nhau.
SAGRI phải nộp hồ sơ đề nghị UBND TP.HCM cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, sau đó mới tiếp tục thực hiện thủ tục chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư trong dự án bất động sản này theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật về đất đai.
Hội đồng thẩm định không có nhiệm vụ thẩm định và tham mưu về giá chuyển nhượng dự án và giá trị vốn doanh nghiệp đã đầu tư trong dự án bất động sản. Đồng thời, việc chuyển nhượng vốn đã đầu tư trong dự án bất động sản này không phải thực hiện theo phương thức đấu giá công khai.
“Việc tôi ký tờ trình là thực hiện theo kết luận hợp pháp của hội đồng thẩm định, phù hợp pháp luật về kinh doanh bất động sản, đất đai và không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Việc chuyển nhượng dự án bất động sản và việc chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư vào dự án bất động sản do doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đầu tư, xét dưới góc độ nhận thức pháp luật và áp dụng pháp luật, là nội dung mang tính chìa khóa để mở ra các vấn đề pháp lý có liên quan trong vụ án này”, bị cáo Tuấn trình bày.
Liên quan vụ án SAGRI, 9 bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. VKS đề nghị bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) và Trần Trọng Tuấn (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) cùng từ 7 – 8 năm tù; Vân Trọng Dũng (nguyên Chủ tịch HĐTV SAGRI) và Hồ Văn Ngon (nguyên Phó Tổng giám đốc SAGRI) cùng từ 6 – 7 năm tù; Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM) 5 – 6 năm tù; Phan Trường Sơn (nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM) và Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND TP.HCM) cùng từ 4 – 5 năm tù; Trần Quốc Đạt (nguyên Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM) và Lê Tấn Hòa (nguyên chuyên viên Sở Xây dựng TP.HCM) cùng 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo.
Đối với nhóm 5 bị cáo bị truy tố tội “Tham ô tài sản”, VKS đề nghị Nguyễn Thị Tuyết Mai (nguyên Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI) từ 6 – 7 năm tù, Trần Văn Trường (nguyên Giám đốc Công ty CP Du lịch Thanh niên xung phong) từ 7 – 8 năm tù, Đoàn Quang Hồi (nguyên Giám đốc Công ty TNHH TMDV lữ hành Hòa Bình Quốc tế) từ 6 – 7 năm tù, Nguyễn Thị Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Công ty TNHH TMDV lữ hành Hòa Bình Quốc tế) 6 – 7 năm tù, Đỗ Sĩ Hoài Thanh (nguyên Kế toán trưởng Công ty CP Du lịch Thanh niên xung phong) 5 – 6 năm tù.
Đối với nhóm 2 bị cáo bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, VKS đề nghị: Dư Huy Quang (nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM) từ 4 – 5 năm tù, Nguyễn Thị Thanh An (nguyên Phó Giám đốc nhân sự hành chính SAGRI) từ 30 – 36 tháng tù.
Bị cáo Lê Thị Diệp Cẩm (nguyên Phó Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI) bị truy tố về tội “Che giấu tội phạm”, bị VKS đề nghị 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo.
Về xử lý vật chứng, VKS đề nghị HĐXX tuyên hủy hợp đồng công chứng về hợp tác kinh doanh dự án giữa SAGRI và Tổng Công ty Phong Phú, đồng thời giao UBND TP.HCM thu hồi việc giao dự án cho SAGRI quản lý và sử dụng đúng quy định pháp luật.
Pháp luật | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7