Bệnh viện của Yu Lei tiếp nhận bệnh nhân với các tình trạng sức khỏe tâm thần khác nhau, được giới thiệu thông qua các chương trình cứu trợ của chính phủ và phi lợi nhuận. Giữa các ca trực, cô chia sẻ “câu chuyện sống chung với người bệnh” của mình trên mạng xã hội.
Yu Lei chỉ mới làm việc tại bệnh viện tâm thần được vài ngày thì lần đầu tiên nghe thấy “câu chuyện nấm”. Nó kể về câu chuyện của một bệnh nhân ngồi xổm trong một góc cầm ô và hoàn toàn bất động, từ chối ăn hoặc uống, vì anh ta tin rằng mình là một cây nấm. Một ngày nọ, bác sĩ lấy chiếc ô và “nhập vai” cùng anh ta. Sau một thời gian, ông thuyết phục bệnh nhân rằng nấm cũng có thể đi lại và ăn, dần dần bệnh nhân cũng bắt đầu hồi phục.
Yu thấy câu chuyện cảm động. Cô muốn được như bác sĩ đó bước vào thế giới nội tâm của họ.
“Họ đều là con người, họ chỉ bị ốm thôi”
Gần đây, bệnh viện tâm thần nơi Yu làm việc đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân mới. Cô làm việc chủ yếu trong phòng bệnh nam.
Suy ngẫm về công việc của mình trong những tháng gần đây, cô thấy rằng bản thân dành phần lớn thời gian để đối phó với các chất bài tiết cơ thể của bệnh nhân hoặc trả lời các câu hỏi vô tận. Cô cũng dành nhiều thời gian để rửa chân – bàn chân có mùi, phồng rộp, chai sần, chảy máu… Cô nói có thể đoán tuổi và nghề nghiệp của một người chỉ bằng cách nhìn vào bàn chân của họ.
Bệnh nhân mới nhập viện thường đang trong giai đoạn cấp tính của bệnh và trải qua căng thẳng cực độ. Ví dụ, một bệnh nhân gần đây đã chào đón Yu bằng lời tuyên bố anh ta muốn “tàn sát cô”. Yu cười trong lòng trước những lời như vậy. “Rất nhiều bệnh nhân muốn giết tôi. Tôi đã quá quen rồi”, Yu nói với tiếng thở dài.
Khi mới vào nghề, Yu đã phải vật lộn để đối phó với những cảm xúc tiêu cực được tạo ra bởi các mối đe dọa từ bệnh nhân. Một người đàn ông to lớn, xăm trổ đầy mình mà cô được chỉ định sẽ cố gắng đe dọa cô mỗi ngày. Một ngày nọ, trong cơn giận dữ, cô hét lại với anh ta: “Cứ tiếp tục và giết tôi đi!” Trong khoảng thời gian này, cô nghĩ về việc nghỉ việc gần như mỗi ngày.
Yu tốt nghiệp trường y tá năm 2010 và đảm nhận vị trí tại bệnh viện tâm thần.
Yu nói rằng cô sẽ không bao giờ quên ngày đầu tiên đi làm. Trên đường đến phòng bệnh, y tá trưởng đã an ủi cô: “Phòng bệnh có thể trông rối ren, nhưng không cần phải sợ”. Tuy nhiên, ngay khi đến cửa, Yu đã được chào đón bởi cảnh tượng một y tá đầy máu sau sự cố với một bệnh nhân.
Từ thời điểm đó, Yu nói rằng cô cảm thấy một cảm giác tôn kính sâu sắc đối với công việc. “Chúng ta phải tôn trọng bệnh nhân tâm thần. Họ đều là con người, họ chỉ bị ốm thôi”.
Một lá thư từ một bệnh nhân.
“Kiệt sức”
Khi thu thập thông tin về những bệnh nhân mới nhập viện, Yu tin rằng bệnh nhân tâm thần có logic của riêng họ mà những người chưa trải qua bệnh tâm thần không thể hiểu. Tất cả những gì cô có thể làm là cố gắng hết sức để hiểu bệnh nhân của mình và tận dụng tốt nhất các nguồn lực y tế sẵn có để điều trị cho họ.
Các y tá chăm sóc tâm thần được yêu cầu ngăn chặn bệnh nhân cư xử cực đoan, chạy trốn, tự làm hại bản thân và giấu thuốc. Để đảm bảo bệnh nhân dùng thuốc, bệnh viện chỉ cung cấp cốc uống trong suốt, miệng rộng. Yu đích thân theo dõi từng bệnh nhân khi họ uống thuốc, sau đó tỉ mỉ kiểm tra miệng, cốc, tay và túi để tìm những viên thuốc chưa nuốt.
Đối với Yu, bệnh nhân khó chăm sóc nhất là những người bị trầm cảm. Mặc dù phòng bệnh được kiểm tra an toàn mỗi ngày, một số bệnh nhân vẫn tìm mọi cách để tự làm hại mình. Yu nhớ lại một thanh niên được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực, vào giữa đêm, đã lợi dụng một điểm mù trong hệ thống giám sát để nuốt cả bàn chải đánh răng.
Những vết trầy xước trên cánh tay Yu bị bệnh nhân cào.
Một lần, Yu đang làm việc với một người phụ nữ chuyển giới cao lớn thì bị đá vào ngực, đập lưng vào tường. Vài năm trước, phòng bệnh của Yu đã tiếp nhận một người đàn ông thường xuyên để lộ cơ thể và nói những lời tục tĩu với các nữ y tá. Có lần, hành vi của anh ta khó chịu đến mức Yu tự nhốt mình trong phòng tắm để khóc.
Làm việc trong khoa tâm thần không chỉ chống lại các cuộc tấn công về thể chất và lời nói, mà còn chống lại những nhu cầu tình cảm và tình dục của bệnh nhân.
Yu nói đùa với các đồng nghiệp của mình rằng các y tá tâm thần không thể trông quá hấp dẫn, thậm chí có thể nói dối tuổi thật cao hơn, đã có gia đình và có con, để các bệnh nhân “bớt tư tưởng hão huyền”.
Vì lý do này, trong suốt sự nghiệp kéo dài hơn chục năm trong bệnh viện tâm thần, Yu luôn đóng vai là một phụ nữ trung niên có con. Đến hiện tại cô cũng đã là một bà mẹ 30 tuổi có con đang học tiểu học.
Bất cứ khi nào Yu được yêu cầu suy ngẫm về sự nghiệp của mình, một từ xuất hiện trong đầu: “Kiệt sức”. Trong giờ giải lao, cô đến một quán cà phê và gọi món đặc biệt: “Hãy cho tôi một tách cà phê espresso thậm chí còn đắng hơn cả cuộc sống của tôi”.
“Làm ơn, đừng để mình rơi xuống vực thẳm”
Yu cho biết cô thường nhớ về “câu chuyện nấm” để tự tạo động lực. Để bắt đầu, cô luôn tin những gì bệnh nhân nói với mình. Điều quan trọng là họ cảm thấy được lắng nghe, Yu nói.
Cô cũng thẳng thắn với họ nhất có thể. Ví dụ, khi một bệnh nhân từ chối uống thuốc, cô ấy sẽ nói với họ: “Nếu không muốn sống ở đây mãi mãi, anh phải uống thuốc”.
Thời gian ở bệnh viện của Yu cũng mang lại một vài khoảnh khắc ấm áp. Ngày nọ, một chàng trai trẻ tốt nghiệp đại học ở Thượng Hải đã viết từ “tiền giấy” lên mép một tờ giấy, xé nó ra và đưa nó cho cô, giải thích rằng cầm mảnh giấy sẽ mang lại cho cô sự giàu có – anh chắc chắn vì “ông trời đã nói với anh ta như vậy.”
Yu cầm một tờ tiền do một bệnh nhân làm.
Hai năm trước, Yu bắt đầu chia sẻ trải nghiệm công việc của mình lên mạng xã hội, thu hút nhiều người tò mò. Cô hy vọng rằng blog của mình không chỉ có thể kích thích sự tò mò của người quan tâm, mà còn giúp xóa bỏ sự kỳ thị liên quan đến bệnh tâm thần. Vì dù gì, ai sống trên đời cũng đều có vấn đề riêng.
Bệnh nhân của Yu được giới thiệu đến bệnh viện của cô thông qua các sáng kiến cứu trợ sức khỏe tâm thần khác nhau. Nhiều người vô gia cư, và tự làm hại bản thân là phổ biến. Yu thường sử dụng các kỹ thuật chánh niệm để giúp đỡ những người gặp khủng hoảng. “Tôi luôn nói với họ: ‘Bạn phải học cách kiểm soát bản thân. Các nhân viên y tế trong bệnh viện tâm thần sẽ giúp một tay khi bạn ở rìa vách đá, nhưng bạn phải trèo lên bằng ý chí của chính mình. Làm ơn, đừng để mình rơi xuống vực thẳm”.
Trong quá trình điều trị cho một bệnh nhân, một học giả tiến sĩ từ một trường đại học danh tiếng, người đã trải qua trầm cảm nặng sau khi tốt nghiệp và cố gắng tự tử nhiều lần, Yu nhận thấy rằng anh ta thích vẽ. Cuối cùng khi đủ sức khỏe để xuất viện, Yu đã nói anh gửi cho cô một trong những tác phẩm nghệ thuật của mình. Kể từ đó, cô nhận được một bản phác thảo từ anh mỗi tuần một lần.
Khi Yu gặp những bệnh nhân đang có ý định tự tử, cô nói với họ: “Khi mất lý do sống, bạn có thể tìm thấy một lý do mới. Khi bạn không thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, chỉ cần tập trung vào việc sống sót và để phần còn lại cho thời gian”.
Cách đây không lâu, một trong những bệnh nhân của Yu đã tự tử chỉ một tháng sau khi xuất viện, khiến cô đặt câu hỏi về giá trị nghề nghiệp của mình. Sau đó, y tá trưởng an ủi cô rằng không phải tất cả bệnh tật đều có thể được chữa khỏi, và không phải ai cũng có thể được cứu.
“Tất cả những gì chúng ta có thể làm là đáp lại sự đau khổ của họ”, cô nói.
Nguồn: Sixth Tone
Nguồn: Sưu Tầm internet