Hạng mục này tại Oscar 2024 không là ngoại lệ, với những tác phẩm đặt cuộc sống vào các tình thế không ngờ.
Câu chuyện mới cho những đề tài cũ
Một chiếc máy bay chở những tuyển thủ rugby trẻ tuổi từ Uruguay tới Chile và bất ngờ bị rơi trên triền núi Andes. Giữa tuyết phủ bốn bề, những chàng trai tìm cách để sống sót và trở về.
Tiền đề cho bộ phim Society of The Snow của đạo diễn Tây Ban Nha J. A. Bayona vốn dĩ không có gì mới: một nhóm người bị cô lập khỏi thế giới văn minh, bỗng chốc trở về luật lệ hoang dã của tự nhiên; để sống, họ buộc phải chiến đấu.
Thông thường đó là cái cớ để nhà làm phim hình dung ra một tiểu xã hội thoái hóa về sự tàn bạo nguyên thủy, với quy luật kẻ mạnh là kẻ thắng.
Từ Lord of The Flies đến Triangle of Sadness, từ Battle Royale đến Human, Space, Time and Human đều là như thế cả.
Nhưng bộ phim của Bayona không như thế. Ta chờ đợi một khoảnh khắc vô đạo khi con người mất đi nhân tính, khi những chàng trai trẻ thân thiết phải chống lại nhau, vậy mà không.
Ngay cả khi họ phải ăn xác những người bạn của mình để duy trì sự sống, Society of The Snow vẫn không có vẻ rùng rợn hay tởm lợm, mà làm ta nghĩ đến một sự hiến thân như Chúa để thân mình thành bánh mì cho con người.
Từng khoảnh khắc phim thấm đẫm ánh sáng tôn giáo, dẫu có khi chập chờn nhưng không bao giờ tắt hẳn.
Cũng dựa trên một chủ đề đã bị khai thác kiệt cùng trên màn ảnh – vụ diệt chủng người Do Thái của Đức quốc xã trong Thế chiến II – nhưng The Zone of Interest của Jonathan Glazer vẫn tìm ra một điểm nhìn khác.
Nói về cuộc đại thảm sát nhưng không một lần ta được trực tiếp thấy những gì xảy ra trong trại tập trung.
Trailer phim The Zone of Interest
Thoạt nhiên, ta chỉ thấy cuộc sống điền viên thư thái của một vị chỉ huy người Đức bên gia đình với dòng sông thơ mộng, với ngôi nhà xinh xắn, với khu vườn tươi tốt, với những đứa trẻ nô đùa.
Chỉ có những chi tiết gợi ý về một thảm kịch ở ngay gần đó: những âm thanh khác thường, những cuộn khói ngùn ngụt từ lò hỏa thiêu Auschwitz hay bộ sưu tập răng người mà đứa con của vị chỉ huy có được.
Là một tác phẩm chính kịch lịch sử nhưng The Zone of Interest lại được xây dựng theo nguyên tắc phim kinh dị: thứ không nhìn thấy là thứ đáng sợ nhất. Bằng cách né tránh để ống kính mô tả trực tiếp cuộc đồ sát, The Zone of Interest làm tăng tiến cấp độ kinh hoàng.
Thay vì khiến ta chấn động vì cái chết như những tác phẩm Holocaust khác, bộ phim khiến ta chấn động vì cuộc sống: làm sao cuộc sống vẫn có thể diễn ra điềm nhiên đến vậy?
Điện ảnh tinh khiết
Điều ta luôn có thể mong đợi khi xem loạt tác phẩm thuộc hạng mục phim nước ngoài của Oscar đó là vẻ đẹp tinh khiết của điện ảnh, với những câu chuyện nho nhỏ khác xa với những đại tự sự hoành tráng của điện ảnh chủ lưu Hollywood.
Từ một ngôi làng nhỏ ở Tây Phi, cậu bé Seydou cùng thằng em họ trốn nhà ra đi, băng qua sa mạc Sahara theo đoàn vượt biên phi pháp với ước mơ tới châu Âu trở thành nhạc sĩ.
Bộ phim Io Capitano của đạo diễn Matteo Garrone theo chân cuộc hành trình tàn khốc, kiệt quệ nhưng cũng không kém phần ngoạn mục và đôi khi là kỳ ảo của hai cậu bé.
Có không ít những bộ phim về sự theo đuổi giấc mơ, nhưng nét độc đáo của bộ phim này là nó liên tục khiến khán giả trăn trở: liệu giấc mơ của Seydou có đáng để theo đuổi? Có đáng để cậu đánh đổi cả sự ngây thơ, cả gia đình, thậm chí cả mạng sống của mình để tới được châu Âu?
Ngay cả khi Seydou đã vượt qua mọi khổ nạn và châu Âu đã trong tầm mắt, ta cũng không biết có nên vui cho cậu, vì đâu ai biết thứ gì đang đón đợi Seydou ở nước Ý mà cậu hằng mơ ước.
Bộ phim kết thúc có hậu, nhưng cái kết có hậu lại khiến ta bất an hơn cho nhân vật chính. Và chính việc không gieo những ảo tưởng phim ảnh hão huyền là thứ cảm xúc tinh khiết nhất của Io Capitano.
Cũng nói về những thân phận khiêm tốn bên rìa thế giới, Perfect Days của đạo diễn gạo cội Wim Wenders kể về ông Hirayama – một nhân viên cọ nhà vệ sinh ở Tokyo. Đó là một cuộc sống tưởng chừng không có gì đáng để kể, trăm ngày như một như đã lập trình sẵn.
Nhưng nếu như trong kiệt tác Jeanne Dielman, 23 quai du Commerce, 1080 Bruxelles, người phụ nữ sau chuỗi ngày ảm đạm dần tích tụ cơn thịnh nộ với thế giới; nếu như trong Groundhog Day, người đàn ông bị mắc kẹt trong một ngày duy nhất làm mọi cách để thoát khỏi vòng lặp ấy, thì ông Hirayama hoàn toàn an nhiên trong thế giới của mình.
Wim Wenders đã làm nên những thước phim ấm áp nhất của năm qua, với những cảnh khi người đàn ông cọ nhà vệ sinh nằm đọc tiểu thuyết, lại còn là tiểu thuyết hàn lâm của William Faulkner, hay khi ông vừa lái xe đi làm vừa nghe nhạc của Lou Reed, của The Rolling Stones, của Nina Simone.
Cả bộ phim như mặt hồ tĩnh lặng, thi thoảng vài viên đá được ném vào nhưng chúng nhanh chóng chìm xuống, trả lại mặt hồ sự tĩnh tại.
Trong thời đại điện ảnh mà plot twist (cú ngoặt bất ngờ) lên ngôi, sự tồn tại của một tác phẩm thế này, hoàn toàn bình đạm, phảng phất triết lý wabi-sabi của người Nhật, không hoài nghi, không dằn vặt, không khiêu chiến, quả là điều kỳ diệu tinh khiết.
Khóe mắt ông Hirayama ướt lệ khi nghe Nina Simone hát tụng ca cuộc sống: “Đó là một bình minh mới, một ngày mới, một đời mới cho tôi. Tôi thấy ổn”. Và chúng ta cũng ướt lệ theo ông.