Những đứa trẻ ưu tú là những trẻ giỏi điều tiết khống chế cảm xúc. Chúng biết được ưu nhược điểm của mình, rất ít u sầu hay cáu gắt, thích vận động mà không ưa bạo lực, có nhiều bạn bè tốt.
Giáo dục trong gia đình vô cùng quan trọng với trẻ. Cách sống, cách nghĩ, phương thức giáo dục con cái cũng như cách đối nhân xử thế của cha mẹ đều sẽ quyết định quá trình hình thành tâm lý, tính cách, hành vi của con cái và sẽ theo con đến suốt cuộc đời. Vậy cha mẹ phải như thế nào thì mới có thể nuôi dưỡng, dạy dỗ con mình trở nên ưu tú?
1. Trò chuyện thân mật với con
Có rất nhiều gia đình quát mắng và dùng hình phạt để giáo dục con trẻ. Họ cho rằng như vậy sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng chịu đựng, biết nghe lời, ngoan ngoãn hơn. Tuy nhiên, sự thật là không có đứa trẻ nào thích được “dạy dỗ” như vậy. Giáo dục trẻ theo cách đó chỉ khiến chúng thêm lì lợm và nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực.
Bạo lực bằng lời nói cũng vô cùng đáng sợ. Tuy không có tổn thương trên thân thể nhưng sẽ tạo nên những vết thương trong lòng trẻ. Những vết thương này sẽ khiến trẻ luôn lo lắng và sẽ ám ảnh chúng cả đời. Rất nhiều người từ nhỏ bị cha mẹ trách móc nặng nề, sau này lớn lên cho dù đã thành công, nhưng vẫn rất tự ti, luôn thiếu cảm giác an toàn, vô cùng nhạy cảm và đa nghi.
Cách cha mẹ và con cái trò chuyện với nhau vô cùng quan trọng. Để trẻ cởi mở và vui vẻ khi trò chuyện, quan trọng nhất là phải tạo cho trẻ cảm giác an toàn. Thay vì tạo áp lực cho con cái, cha mẹ nên trở thành người bạn đồng hành, giúp trẻ tự tin phát triển những năng khiếu của mình.
Vậy nên, muốn có những đứa con ưu tú, đầu tiên phải biết cách giáo dục trẻ bằng những cuộc trò chuyện thân mật. Có như vậy trẻ sẽ vui vẻ tiếp nhận và làm theo mà không cần thúc ép.
2. Biết kiềm chế, thấu hiểu
Đa phần các bậc cha mẹ sẽ lo nghĩ rất nhiều: Làm thế nào để con mình tiến bộ hơn nữa? Công việc bận rộn không có nhiều thời gian cho con cái thì phải làm sao? Con mình thi trượt thì sao?…
Những lo nghĩ này xuất hiện sẽ khiến cho bậc cha mẹ thiếu kiềm chế, dễ cáu giận, thường xuyên quát mắng, tạo thêm áp lực cho con cái.
Trẻ chịu đựng áp lực từ cha mẹ sẽ trở nên chai sạn cảm xúc, hoặc vô cùng ngang ngược, liên tục chống đối lại cha mẹ. Bị quát mắng sẽ khiến trẻ nghĩ cha mẹ không yêu thương mình, ảnh hưởng đến cả cuộc sống và học tập. Trẻ cũng sẽ không chia sẻ với cha mẹ vì lo sợ, khiến cha mẹ và con ngày càng xa cách.
Vì vậy, cha mẹ nên khống chế được cảm xúc của mình, để con trẻ lớn lên tự nhiên, vui vẻ. Nhờ đó, tâm lý của trẻ sẽ trở nên tích cực, không những giúp trẻ phát triển bình thường, khỏe mạnh mà còn giúp chúng kiểm soát được cảm xúc trong tương lai.
Ảnh minh họa.
3. Để con tự do và tự chịu trách nhiệm
Cha mẹ chẳng ai là không quan tâm, không mong những điều tốt đẹp nhất cho con và muốn con mình luôn được bảo vệ. Sự bảo vệ quá mức từ cha mẹ sẽ khiến cho trẻ bị đóng khung. Không ít cha mẹ quản lý, quyết định mọi vấn đề của con mình, từ việc học ở đâu, làm gì đến những hoạt động trong cuộc sống thường ngày, lo con trẻ đi nhầm bước thì cuộc sống sẽ khó khăn.
Tuy nhiên, cha mẹ chỉ có thể nuôi trẻ lớn khôn, vì con mà làm việc chứ không thể thay con trưởng thành. Quản lý và quyết định thay con cái không chỉ đồng nghĩa với việc tước đoạt của con cái cơ hội để trưởng thành, mà còn biến con trở thành kẻ ăn bám. Hãy tin tưởng con mình, để trẻ tự do phát triển. Trẻ độc lập càng sớm, càng nhanh trưởng thành, cha mẹ cũng sẽ sớm thanh thản hơn.
4. Hòa thuận với nhau
Gia đình có hòa thuận thì con cái mới có môi trường an toàn và thuận lợi để phát triển. Quan hệ giữa bố và mẹ vô cùng quan trọng và tác động rất lớn lên con trẻ.
Cha mẹ hòa thuận, sẽ tạo cảm giác an toàn, ấm áp cho con. Trong những gia đình này, trẻ không chỉ có sự lạc quan mà còn tin yêu vào mọi người.
Cha mẹ tôn trọng, yêu thương lẫn nhau, con trẻ cũng học hỏi được từ đó, yêu thương lại cha mẹ mình và những người xung quanh.
Nguồn: Sưu Tầm internet