Trong xã hội không tiền mặt, quẹt thẻ, chuyển khoản, quét mã Qr code… là hình thức thanh toán ngày càng được số đông nhắc đến và ưa chuộng. Tuy nhiên, cũng có những người chọn “đi ngược dòng”. Họ quyết định chuyển về thanh toán bằng tiền mặt, vì tin rằng hình thức này tiết kiệm và quản lý tài chính tốt hơn, cùng suy nghĩ “tiền nằm trong túi, lúc mất đi thì còn thấy xót”. Thế nhưng sau thời gian dài quay lại với tiền mặt, họ vẫn không có thêm đồng dư nào. Tại sao lại như thế?
Thanh toán tiền mặt nhưng nghiện mua hàng online
Việt Lan (24 tuổi, Hà Nội) quyết định chuyển sang thanh toán bằng tiền mặt, với suy nghĩ “cất tiền trong thẻ cho tiết kiệm, để ngoài phung phí”. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng cô nhận thấy tiền dư vẫn không tăng lên vì sở thích mua hàng online. Với tài khoản đã chạm đến thành viên kim cương của một sàn thương mại điện tử, hàng tháng Việt Lan dành 2-4 triệu đồng để sắm đồ trực tuyến. Và hầu hết các giao dịch đều được thanh toán bằng chuyển khoản.
Việt Lan kể: “Mình hầu hết đi làm vào cuối ngày, ở một mình nên khi shipper giao đến mình sẽ bảo họ vứt vào nhà để mình chuyển khoản. Mình mua hàng online rất nhiều, đủ thể loại ở các gian hàng thương mại điện tử, từ đồ gia dụng, decor cho đến quần áo trang phục. Số tiền mua hàng hoá quá nhiều. Do đó, nếu muốn có thêm tiền tiết kiệm thì mình cần giảm bớt cho shopping online, như thế mới có nhiều tiền dư dả hơn”.
Ảnh minh hoạ
Cùng hoàn cảnh với Việt Lan là Nhật Đoàn (25 tuổi, TP.HCM). Chàng trai từng chuyển sang dùng tiền mặt để tiết kiệm tiền, thế nhưng anh vẫn không để dư được đồng nào vì thường xuyên mua hàng trực tuyến với số lượng lớn. Theo thời gian, Nhật Đoàn tự bắt mình phải quản lý tài chính tốt hơn, bằng cách chỉ rút một phần tiền mặt từ thu nhập và dùng chúng để chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày.
“Thời mới bắt đầu chuyển về lại tiền mặt, mình vẫn tiêu tốn khá nhiều. Cứ cầm điện thoại, mua sắm online rồi khi shipper giao đến lại kêu chuyển khoản. Điều này khiến mình không cảm nhận được sức nặng của đồng tiền theo đúng nghĩa đen.
Sau khi kiểm kê lại tình hình tài chính, mình cố gắng chỉ thanh toán online cho các dịch vụ điện và nước. Còn lại sau khi có lương thì mình đều rút tiền mặt, chỉ xài mỗi tháng trong vòng 10 triệu đồng thôi. Nếu mình dư khoảng đó thì tốt còn nếu tiêu hết 10 triệu đồng thì dừng, mình tuyệt đối không đụng vào tiền trong tài khoản ngân hàng. Dần dần mình mới tiết kiệm được hơn 1/2 lương hàng tháng. Tiền còn dư mình đem đi cất riêng, thông qua vàng hoặc tiền mặt”.
Từ bỏ thanh toán bằng tiền mặt vì thấy phiền phức
Ở diễn biến khác, nhiều người lại không thể tiếp tục theo đuổi hình thức thanh toán bằng tiền mặt vì chuyển khoản quá thuận tiện. Linh Lê (26 tuổi, Đà Lạt) là một trong số đó.
Linh Lê bày tỏ: “Mình từng thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt một thời gian. Nhưng mình không thấy nó tiết kiệm hơn so với hình thức chuyển khoản. Vì cùng là 2 hình thức thanh toán và một khoản tiền bỏ ra, chuyện tiền kiệm phụ thuộc vào cách quản lý tài chính của bạn, chứ không phải cái thẻ hay cái app.
Thêm nữa, mình thích dùng chuyển khoản vì nó quá tiện lợi. Ví dụ như thanh toán món hàng trên 2 triệu đồng mà ngồi đếm tiền thì chắc hết cả buổi. Đó còn chưa kể, đi đến đâu giờ cũng thấy mã QR, mình chỉ việc lấy điện thoại và thao tác vài giây là xong việc. Còn nếu mang tiền mặt trong người thì lại quá nặng ví”.
Ảnh minh hoạ
Đồng tình với Linh Lê, Nguyễn Vi (24 tuổi, Hà Nội) cũng nhận định, không phải do hình thức chuyển khoản hay thanh toán bằng tiền mặt, mà chính cách bạn tiêu tiền thế nào mới hình thành nên khoản tiết kiệm.
Nguyễn Vi cho hay: “Như mình này, dù xài chuyển khoản hay thanh toán tiền mặt thì số dư cũng gần như không có. Vì hàng ngày mình có nhiều khoản cần tiêu xài. Tính mình cũng hay đầu tư cho bản thân và không thích quá chắt bóp tiêu xài.
Nếu sau này tiền lương tăng thêm do có công việc tốt hơn, có lẽ lúc ấy mình mới thấy hình thức thanh toán bằng tiền mặt giúp tiết kiệm tiền. Còn giờ mình vẫn thấy chuyển khoản tiện lợi hơn, dễ dùng và không bao giờ cần mang nhiều tiền ra đường”.
Nguồn: Sưu Tầm internet