Được thực tập và làm việc tại một trong các công ty và tổ chức hàng đầu thế giới như BIG3 tư vấn (McKinsey & Company, Boston Consulting Group và Bain & Company), BIG4 kiểm toán (Deloitte, E&Y, PwC và KPMG) hay các viện nghiên cứu top đầu ở “Think Tank Row” là ước mơ của không ít sinh viên tại Mỹ cũng như khắp thế giới.
Trong những năm học tại xứ cờ hoa, Nguyễn Lê Đông Hải (SN 2002, Quảng Ngãi) – một trong 10 đề cử chính thức trong hạng mục Z Go Global của Giải thưởng WeChoice Awards năm 2023, đã lần lượt chinh phục các “ông lớn” này.
Chân dung Đông Hải
Được biết, chàng trai này từng được Đại học Georgetown (Mỹ) trao “bảng vàng” summa cum laude (danh hiệu cho top 1% sinh viên xuất sắc nhất) không chỉ bởi thành tích học tập đáng ngưỡng mộ mà còn sở hữu một CV rất “dày” từ khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều công ty trên CV của Đông Hải là những nhà tuyển dụng thuộc hàng khó tính nhất, chẳng hạn như Ngân hàng Thế giới (World Bank) hay Công ty McKinsey (BIG3 tư vấn thế giới) với tỉ lệ trúng tuyển mỗi năm trên dưới 1%.
Đông Hải và cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Kristalina Georgieva
Đương nhiên, hành trình để lọt vào “mắt xanh” của các ông lớn này không ít chông gai. Lần đầu tiên đi “rải” hồ sơ thực tập vào năm nhất, Hải tự nhận mình khá “ngây thơ” khi nghĩ rằng cứ có điểm cao là sẽ chắc chắn sẽ được các nhà tuyển dụng chào đón.
“Khi nhận về toàn thư từ chối hoặc bị các công ty ‘ghosted’, lúc ấy mình bị sốc vô cùng”, Hải chia sẻ.
Sau nhiều lần thất bại, nam sinh Quãng Ngãi đã đúc rút ra được những “bí quyết” trong hành trình chinh phục các công ty top đầu thế giới.
1. Ưu tiên chất lượng hơn số lượng
Hậu thất bại, Hải quyết định dừng lại để suy ngẫm và lên chiến lược nhằm cải thiện hồ sơ của mình. Anh chàng dành thời gian tham gia các buổi workshop do trung tâm hướng nghiệp (career center) của trường tổ chức cũng như nhờ đến sự tư vấn của các mentor và giáo sư.
“Mình nhận ra rằng ‘rải’ đơn quá nhiều nơi thì cái đơn nào cũng sẽ chung chung và không thể hiện được tại sao mình thật sự muốn làm việc cho công ty hoặc tổ chức ấy. Lúc đó mình cũ ng như nhiều bạn học năm nhất bị cuốn vào vòng xoáy sợ bị bỏ lỡ cơ hội (FOMO), cứ thấy công ty nào có tuyển thực tập sinh là nộp ngay”, Hải bộc bạch.
Kể từ khi nhận ra điều này, Hải ưu tiên chất lượng hơn số lượng và chỉ chắt lọc những vị trí nào thật sự phù hợp để tập trung đầu tư một quá trình apply thật hoàn chỉnh và “cá nhân hoá” từ khâu viết CV và cover letter đến chuẩn bị cho các vòng phỏng vấn.
“Thực tế là có nhiều ứng viên hơn số ‘ghế’ mà các công ty cần tuyển, nên họ sẽ chỉ trao cơ hội cho những ai phù hợp với họ nhất, không những hợp về chuyên môn mà còn về bộ giá trị và cách làm việc của mình”, anh chàng nói chia sẻ.
Chẳng hạn, trong quá trình ứng tuyển vào các công ty thuộc nhóm BIG3 của ngành tư vấn toàn cầu, ngoài việc chuẩn bị cho các bài phỏng vấn tình huống (case interview), Hải cũng hiểu rõ về khái niệm “airport test” hay còn gọi là “bài kiểm tra sân bay”. Đây là một tiêu chí đánh giá không chính thức, dựa trên giả định rằng nếu người phỏng vấn và ứng viên cùng bị trễ chuyến và mắc kẹt tại sân bay, liệu ứng viên có khả năng tạo ra một không gian thoải mái và thú vị cho đồng nghiệp tương lai của mình hay không.
2. Đa dạng hoá “bộ kỹ năng lõi”
Mặt khác, Hải đã thử thách bản thân mình qua việc thực tập tại nhiều tổ chức khác nhau, từ các tập đoàn đa quốc gia đến các tổ chức phi lợi nhuận. Anh chàng cho rằng những trải nghiệm này giúp bản thân đa dạng hoá bộ kỹ năng của mình một cách sâu sắc và đa tầng hơn.
Đông Hải hiện là ứng viên thạc sĩ khoa học đối ngoại và có kinh nghiệm làm tư vấn tại Ngân hàng Thế giới trong mảng phát triển bền vững
“Chẳng hạn như việc viết memo hay báo cáo. Khi làm việc cho một viện chính sách thì cách viết sẽ mang tính đề xuất vĩ mô và có phần hàn lâm, chi tiết hơn. Trong khi cũng báo cáo đó nhưng trong môi trường làm việc doanh nghiệp thì phải đánh thẳng vào trọng tâm, tối giản và ngay cả những ai không có chuyên môn vẫn có thể hiểu được”, Hải cho biết.
Qua việc tham gia nghiên cứu và viết bài cho nhiều tạp chí quốc tế như The Diplomat, USA Today, Newsweek, Hải tiếp tục phát triển thêm kỹ năng viết và biên tập qua nhiều góc độ và nhóm đối tượng khác nhau.
“Mình rất trân quý các cơ hội này bởi những kiến thức hàn lâm trên ghế nhà trường, mặc dù rất quan trọng và mang tính nền tảng, nhưng vẫn không đủ để chuẩn bị cho sinh viên khi bước vào môi trường làm việc thực tế sau này”, Hải chia sẻ.
Đây cũng là động lực để anh chàng thu nhặt nhiều kinh nghiệm thực tập tại nhiều tổ chức danh giá như Brookings, viện nghiên cứu chính sách hiện được xếp hạng số 1 thế giới suốt 12 năm liền.
3. Mở rộng mạng lưới để phát triển bản thân
Hải cho biết việc hòa đồng và xây dựng các mối quan hệ (networking) là cách giúp mình nhanh chóng mở rộng kiến thức và phát triển bản thân. Theo Hải, networking không chỉ xoay quanh việc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp mà còn giúp tạo nên một môi trường tương hỗ lẫn nhau. Anh chàng Quảng Ngãi đặt mục tiêu tạo dựng các mối quan hệ tự nhiên và chân thành, dựa trên sự tôn trọng và tin cậy để cùng nhau phát triển.
Với tư duy này, mặc dù việc học rất bận rộn nhưng Hải vẫn dành thời gian để giao lưu với bạn bè, tham gia các sự kiện xã hội, hội nhóm cũng như các chương trình trao đổi sinh viên. Mới đây, Hải là một trong 25 sinh viên xuất sắc được chọn tham gia vào chương trình liên kết học giả của hiệp hội Liên Hiệp Quốc tại thủ đô Washington, D.C.
Đông Hải luôn dành ra thời gian để giao lưu với bạn bè, tham gia các sự kiện xã hội, hội nhóm
Đông Hải cũng tiếp tục gắn bó với tổ chức phi lợi nhuận Global Association of Economics Education (GAEE) về giáo dục kinh tế do anh chàng đồng sáng lập từ những năm cấp ba. Dưới sự lãnh đạo của Hải, GAEE đã được công nhận là một trong những dự án giúp thúc đẩy chương trình phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc và được Cao Uỷ Châu Âu mời tham gia Mạng lưới Chuyên gia về Giáo dục Kinh tế. Đây là dịp để Hải gặp gỡ và kết nối với những người trong lĩnh vực đang theo đuổi, đồng thời mở rộng tầm nhìn và khám phá những cơ hội mới.
4. Vì hành trình trước mắt là… một cuộc chạy “marathon”
Hải cũng chia sẻ một bài học “đắt giá” mà bản thân có được trên hành trình chinh phục các tổ chức BIG này đó là: Đừng quá so sánh bản thân mình với người khác. Khi còn học năm nhất, Hải từng không ít lần nóng ruột mỗi khi lướt LinkedIn mà thấy những bài đăng của các bạn học thông báo việc họ trúng tuyển thực tập tại công ty X hay Y. Trong khi đó, bản thân Hải vẫn đang loay hoay trong quá trình apply.
Hải quan niệm mỗi hành trình trước mắt là… một cuộc chạy “marathon”
“Mỗi chúng ta sẽ có một hành trình riêng của mình với những nhịp độ khác nhau. Miễn sao mình có cố gắng và hướng đến một giá trị hay mục tiêu nào đó ‘cao’ hơn bản thân, như vậy là đã đi đúng hướng rồi. Hãy giành chút thời gian để chăm sóc và thấu hiểu bản thân. Hành trình trước mắt của chúng mình là một cuộc ‘marathon’ chứ không phải là chạy nước rút, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm bền bỉ, lâu dài”, Hải tâm sự.
Ảnh: NVCC
WeChoice Awards – Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng – đã quay trở lại với thông điệp: Dám đam mê Dám rực rỡ.
Sau khi nhận được rất nhiều đề cử ấn tượng do cộng đồng gửi về, cổng bình chọn của WeChoice Awards 2023 đã chính thức mở từ ngày 8/1/2024. Ngay từ bây giờ, hãy bình chọn cho những nhân vật, câu chuyện mà bạn cảm thấy được truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất và xứng đáng tôn vinh tại WeChoice Awards 2023.
Thời gian bình chọn sẽ kéo dài từ 8/1/2024 đến 23h59 ngày 24/1/2024. Kết quả bình chọn sẽ được công bố vào đêm Gala vinh danh và trao giải diễn ra ngày 27/1/2024. Bình chọn ngay tại wechoice.vn!
Nguồn: Sưu Tầm internet