Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) là danh hiệu cao nhất mà Nhà nước trao tặng cho các nghệ sĩ có nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Danh hiệu này được công bố lần đầu vào năm 1984, cho đến nay đã diễn ra 9 đợt trao tặng (1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2015 và 2019). Sắp tới, đợt trao tặng thứ 10 sẽ diễn ra, với sự góp mặt của hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi.
Trong số gần 500 nghệ sĩ đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), có không ít người là mẹ con, anh em, chị em trong cùng một gia đình. Điển hình tiêu biểu là gia đình cố NSND Thái Thị Liên – NSND Trần Bạch Thu Hà và NSND Đặng Thái Sơn.
Gia đình của những người nghệ sĩ tiên phong
NSND Thái Thị Liên sinh năm 1918 tại Chợ Lớn (TP HCM) trong một gia đình Công giáo giàu có. Chị gái bà là Thái Thị Lang, nhà soạn nhạc nữ đầu tiên của Việt Nam, nghệ sĩ piano Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Paris và từng lưu diễn khắp thế giới. Anh trai bà là luật sư Thái Văn Lung, hy sinh năm 1946 và được đặt tên cho một con đường giữa trung tâm thành phố. Bởi tư duy tiên tiến của cha mẹ, các anh chị em trong gia đình đều được học đàn trước khi học chữ.
Năm 1946, ở tuổi 28, bà sang Pháp du học và thi đỗ vào Nhạc viện Paris. Gia nhập vào Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ thế giới, bà đã gặp gỡ và nên duyên với nhà cách mạng Trần Ngọc Danh, lúc đó là Trưởng phái đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp.
Năm 1951, sau khi sinh con gái đầu lòng Trần Thu Hà (1949), nghệ sĩ Thái Thị Liên ôm con bay từ Tiệp Khắc đến Bắc Kinh, rồi theo đường bí mật trở về Việt Nam. Nữ nghệ sĩ bắt đầu chặng đường làm thầy, khi dịch lời những bài hát kháng chiến sang tiếng Pháp để tuyên truyền địch vận, hát cho lớp trẻ nghe ở lớp học chữ do bà mở trong làng, dạy ký xướng âm cho các đoàn văn nghệ.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, nghệ sĩ Thái Thị Liên cùng Đội Hợp xướng Hòa Bình do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước dẫn đầu sang Thượng Hải – Trung Quốc để thu thanh những đĩa nhạc đầu tiên của nền âm nhạc Việt Nam. Năm 1955, bà cùng với những nghệ sĩ Tạ Phước, Lê Yên, Tô Vũ, Vũ Tuấn Đức, Doãn Mẫn, Lều Thọ Hợp… sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam (hiện tại là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Người phụ nữ nhỏ bé nhưng quật cường đã đào tạo nên nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam. Bà luôn được họ nhắc tới như một tấm gương về sự bền bỉ, quyết đoán, về tình yêu và sự nhiệt huyết với học trò.
NSND Thái Thị Liên cũng truyền lại cho các con niềm say mê lớn lao dành cho âm nhạc. Tình yêu ấy đã giúp nền nghệ thuật Việt Nam sở hữu hai tài năng lớn: GS. NSND Trần Bạch Thu Hà và NSND Đặng Thái Sơn.
GS. NSND Trần Bạch Thu Hà sinh năm 1949, bà là con gái đầu lòng của NSND, Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên và nhà cách mạng Trần Ngọc Danh, là chị cùng mẹ khác cha với Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn. Năm 1969, bà được tuyển chọn đi du học đại học ngành âm nhạc tại Kiev trong 6 năm. Sau 8 năm về nước làm việc, năm 1984 bà Hà được trở lại Liên Xô làm nghiên cứu sinh và nhận bằng Tiến sĩ Âm nhạc tại Nhạc viện Tchaikovski, Moskva.
Kể từ khi tốt nghiệp đại học âm nhạc tại Liên Xô, GS. NSND Trần Thu Hà đã đóng góp to lớn cho sự phát triển nền âm nhạc Việt Nam nói chung và chuyên ngành piano nói riêng trên cả ba lĩnh vực công tác: đào tạo, biểu diễn và quản lý. Nhiều học trò của bà trở thành nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Hoàng Phương (giải Nhất cuộc thi tài năng trẻ dương cầm quốc tế năm 1999 tại Nhật Bản); Trần Thái Linh (giải Nhất đồng đội tại cuộc thi hòa tấu kèn – piano châu Á tổ chức tại Thái Lan năm 2005); Lưu Hồng Quang (Giải Đặc biệt trong cuộc thi piano mang tên Chopin châu Á năm 2006). Bà từng nắm giữ vị trí Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XI.
NSND Đặng Thái Sơn kém chị gái đầu lòng 9 tuổi. Năm 4 tuổi, nam nghệ sĩ đã bắt đầu học piano từ người mẹ, sau đó theo học tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1976, Đặng Thái Sơn được nhận vào học tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky (Nga), dưới sự hướng dẫn của Vladimir Natanson và Dmitry Alexandrovitch Bashkirov.
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn được khán giả thế giới biết tới sau khi trở thành đại diện của trường này tham gia cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X (năm 1980) ở Warszawa (Ba Lan) và giành giải Nhất. Lúc này, ông vừa tròn 22 tuổi và là nghệ sĩ châu Á đầu tiên nhận giải thưởng này.
Sau khi đoạt giải Chopin, ông trình diễn hầu như ở tất cả các phòng hòa nhạc nổi tiếng tại New York, Boston, Luân Đôn, Paris, Munchen, Amsterdam, Sydney, Tokyo… Năm 1984, nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được trao tặng danh hiệu NSND.
Những Nghệ sĩ Nhân dân lớn lên từ tình yêu và niềm đam mê của mẹ
Chia sẻ về mẹ, NSND Đặng Thái Sơn từng bày tỏ: “Mẹ tôi cũng là người rất thích nhạc Chopin, khi còn đi sơ tán trong những đêm yên tĩnh, trong bóng tối, mẹ tôi chơi đàn dưới ngọn đèn dầu, tôi nghe và yêu thích từ đấy. Cho đến Concour Chopin năm 1970, mẹ tôi mới được mời làm khách tham dự, nhờ chuyến đi ấy của mẹ mà tôi mới có sách, có đĩa để học…”.
GS. Trần Thu Hà cũng cho hay, đối với bà, NSND Thái Thị Liên là tất cả. Bà vừa là một nghệ sĩ tài năng, một người mẹ hết mình vì con cái, một người phụ nữ hoàn hảo. Bà không chỉ yêu quý mẹ mình bởi tình mẹ con mà còn ngưỡng mộ tài năng và nhân cách sống của bà. “Tôi luôn yêu quý mẹ bằng một thứ tình cảm vừa thiêng liêng, vừa ngưỡng mộ. Mẹ tôi đã có một cuộc đời nhiều biến động, vinh quang và cay đắng, khổ đau và hạnh phúc đi liền với nhau. Dẫu vậy, bà chưa khi nào không sống hết mình với nghệ thuật, với cuộc đời, với gia đình và các thế hệ học trò kế cận”.
Cố NSND Thái Thị Liên qua đời vào tháng 1/2023, hưởng thọ 104 tuổi. Những cống hiến của bà góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền âm nhạc Việt Nam hiện tại. Không chỉ vậy, bà còn nuôi dưỡng đam mê và chắp cánh cho ước mơ của những người con, giúp họ trở thành những tài năng lớn, đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà.
Nguồn: Internet