Nghệ sĩ Ngọc Tuyết từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Năm 11 tuổi bà đã được hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam ở số 58 phố Quán Sứ, Hà Nội. Thời thanh xuân, để thỏa mãn niềm đam mê văn nghệ, nghệ sĩ Ngọc Tuyết đã tham gia “Câu lạc bộ thanh niên Vọng Đức”. Tại đây, bà đã có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với những “cây đại thụ” trong làng văn nghệ Việt Nam như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Thế Anh, NSND Trung Kiên, NSND Quý Dương…
Bước ngoặt trong cuộc đời đã đến với Ngọc Tuyết, khi Đoàn Kịch nói Hà Nội tuyển diễn viên, bà đã quyết định đăng ký dự thi. Không ngờ trong số hơn 3.000 thí sinh tham dự, Ngọc Tuyết đã trở thành 1 trong 18 người may mắn trúng tuyển năm đó. Kiên trì với lựa chọn của mình, bà đã quyết tâm học hết khóa đào tạo tại đoàn kịch Hà Nội dù cho các bạn cùng lớp nhiều người đã “đứt gánh giữa đường”.
Sau khi tốt nghiệp, nghệ sĩ Ngọc Tuyết đã phân vân giữa lựa chọn về công tác tại Đoàn Kịch Hà Nội (nay là Nhà hát kịch Hà Nội) hay Đoàn Ca múa nhạc Hà Nội (nay là Nhà hát Thăng Long) bởi cả hai nơi đều gửi đến bà lời mời. Cuối cùng Ngọc Tuyết quyết định về với Nhà hát Kịch Hà Nội. Kể từ đó Ngọc Tuyết đã trở thành một trong những nghệ sĩ chủ lực của nhà hát và đem hết tài năng của mình cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.
Sự nghiệp của nghệ sĩ Ngọc Tuyết thăng hoa khi bà vào vai bà Thìn – bà cô trưởng thôn cách đây mười mấy năm trong “Người vác tù và hàng tổng”. Nói về vai diễn này, nhiều người sau khi xem xong cũng “chờn chờn” vì sự đanh đá của “bà Thìn” nhưng gặp bà ngoài đời thấy bà gần gũi, cởi mở lắm.
Bà từng kể: “Không phải người diễn viên nào cũng đem tất cả bản thân lên sân khấu đâu. Diễn viên là 1 chuyện, còn ngoài đời nói thật tôi chưa từng cốc con một cái nào, có mắng con cũng không bao giờ mắng trước mặt người thứ 3. Thế nhưng mà, đã từng có phóng viên nước ngoài hỏi tôi, nếu ngoài đời gặp một “bà Thìn” thì tôi thấy thế nào? Tôi buồn cười quá đành nói: Nói thật với chị, ngoài đời gặp ai như bà Thìn là tôi cũng tránh cho xa chứ chả dám đụng đến”.
Ngoài vai “bà Thìn”, nhắc đến nghệ sĩ Ngọc Tuyết, người ta nhớ ngay đến người phụ nữ có gương mặt hài hước của chương trình “Gặp nhau cuối tuần”. Cùng diễn với bà khi đó còn có những gương mặt thân quen như Phạm Bằng, Văn Hiệp, Văn Toản, Hữu Độ, Ngọc Hà, Tuyết Liên, Diễm Lộc,…. Lớp trẻ có Xuân Bắc, Quốc Khánh, Vân Dung, Thu Hương, Quang Thắng…
Nghệ sĩ Ngọc Tuyết trên phim là người phụ nữ chanh chua, đanh đá, gây cười thì ngoài đời, bà là người phụ nữ vô cùng cởi mở. Tuy đã nhiều tuổi nhưng bà vẫn luôn giữ cho mình niềm lạc quan, vô tư mà ít ai có được.
Nói về những năm tháng gắn bó với nghề diễn, nữ nghệ sĩ cho biết: “Lớp diễn viên hồi đó giờ cũng khác rồi. Những người già cũng đã nghỉ, người trẻ thì đều đã thành danh. Nhưng đối với tôi, thời gian thường xuyên đóng hài là thời gian hạnh phúc nhất vì không chỉ đem đến tiếng cười cho khán giả mà còn mang cả niềm vui đến cho chính bản thân mình. Kỷ niệm nào cũng đẹp, cũng đầy ắp và không bao giờ quên được”.
Nghệ sĩ Ngọc Tuyết: Có danh hiệu cũng tốt, không có vẫn sống vui
Từng chia sẻ về chuyện danh hiệu, nghệ sĩ Ngọc Tuyết kể rằng, ở thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, không tổ chức các hội diễn. Nếu có thì cũng rất ít. Và ai mà may mắn mới có vai trong một vở tham gia hội diễn. Nếu may mắn hơn sẽ được huy chương và sẽ là căn cứ xét phong tặng.
“Nhưng có những ông bà cả một đời làm nghệ thuật, kể cả một số nghệ sĩ bên quân đội chỉ đi diễn cho nông dân, công nhân, bộ đội, mâm pháo hay đơn vị, chiến trường, nhà máy, xí nghiệp,… làm gì có hội diễn nào để giành huy chương? Vì thế cho nên, không có hội diễn thì không có huy chương và không có danh hiệu – dù có tài năng. Theo quan niệm của tôi, có danh hiệu cũng tốt, không có cũng chẳng sao miễn làm sao mình có trong lòng khán giả và khán giả yêu mến là được rồi”- nghệ sĩ Ngọc Tuyết bày tỏ.
Ngoài ca hát và diễn xuất, nghệ sĩ Ngọc Tuyết còn có khả năng thi phú. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Ngọc Tuyết vẫn luôn có những vần thơ nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng sâu sắc và mang tính thời sự độc đáo. Nhiều bài thơ bà chỉ làm chơi nhưng nhận được sự yêu mến rất nhiều từ bạn bè và đồng nghiệp.
Sau khi về hưu, bà tổ chức một đoàn ca nhạc và hài kịch biểu diễn ở khắp mọi miền đất nước. Phần hài kịch do bà đảm nhiệm, vừa sáng tác, vừa biểu diễn. Nghệ sĩ Ngọc Tuyết có thói quen khi cảm xúc dâng trào lại ngẫu hứng viết vài dòng hoặc làm một bài thơ lưu lại. Bà chọn những bài thơ tâm đắc, vai diễn để đời trong sự nghiệp, bức ảnh ấn tượng và một số bài báo viết về mình… in thành cuốn sách “Ngọc Tuyết cười và một thời để nhớ” như món quà nhỏ tặng chính mình. Những vần thơ nhẹ nhàng, dí dỏm có tính giáo dục con cháu và cũng là tự nhắc nhở bản thân: “Sống thanh thản không vay không mượn/ Còn ai nợ không trả cũng cho”… (trích bài “Tâm nguyện”).
Sống độc thân 40 năm nhưng không bao giờ thấy buồn, nghệ sĩ cho biết cuộc đời bà ý nghĩa bởi gắn kết bên người thân. Bà có ba con, bốn cháu, một chắt đủ trai gái, nội ngoại.
Ở cuộc sống hiện tại, ngoài những niềm vui với thể dục, thơ ca, nghệ sĩ Ngọc Tuyết rất say nghề. Bà bảo: “Nghỉ hưu thì tôi nghỉ lâu rồi nhưng nghệ thuật thì không nghỉ đâu. Truyền hình có vai diễn nào hợp đạo diễn mời thì vẫn nhận, còn đơn vị nào mời biểu diễn thì vẫn đi. Nói chung tôi ở cái dạng thanh thản “đắt lo ế mừng”. Nghĩa là được mời thì vui vì được gặp các con cháu và được làm nghệ thuật, còn ở nhà thì ra công viên vui chơi, thể dục với bạn bè”.
Nguồn: Internet