NSƯT Nguyễn Anh Dũng bén duyên với nghệ thuật sân khấu từ lứa tuổi học sinh cấp 2, khi đó, ông thường đi theo chị gái Tú Mai học nghệ thuật. Khi học đến năm thứ hai Đại học Y Hà Nội, cậu sinh viên Anh Dũng giấu gia đình thi vào trường sân khấu.
Quyết định này của NSƯT Anh Dũng vấp phải sự phản đối của gia đình, vì bố mẹ Anh Dũng lo lắng nghề này không giúp được cho gia đình bằng nghề bác sĩ nhi khoa. Tuy nhiên, nhờ có chút tài lẻ biết đàn hát và từng tham gia sân khấu quần chúng từ thời còn học phổ thông nên Anh Dũng đến với nghề bước đầu không mấy khó khăn.
Khi tốt nghiệp, thấy được sự xuất chúng của chàng trai trẻ Anh Dũng, giám đốc chỉ đạo nghệ thuật của Nhà hát Kịch lúc bấy giờ là cố NSND Dương Ngọc Đức đã lựa chọn Anh Dũng về làm diễn viên chính thức.
NSƯT Anh Dũng đã diễn hàng trăm vai chính trên cả sân khấu kịch và điện ảnh, qua đủ loại nhân vật đa dạng nghề nghiệp, tính cách, số phận, đã tạo dựng được vị trí vững chắc trong lòng khán giả trên cả nước.
Vai Ngọ trong vở kịch “Đâu có giặc là ta cứ đi” của cố nghệ sĩ Ngô Y Linh là vai diễn đầu tiên của nghệ sĩ Anh Dũng khi về Nhà hát Kịch Việt Nam. Rồi sau đó, ông thành công với các vai diễn để đời khác như: vai Matsu trong vở “Kẻ sống ngoài vòng pháp luật”, vai con cả ông Trương Ba trong “Hồn Trương Ba da hàng thịt”… Ngoài ra, ông còn có những vai diễn ấn tượng trong các bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam như: “Cô gái trên sông”, “Kỷ niệm đồi trăng”…
Không chỉ tham gia diễn xuất, NSƯT Anh Dũng còn miệt mài viết kịch bản điện ảnh và sân khấu. Ông từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.
Sau khi NSND Phương Thanh (vợ ông) qua đời hồi năm 2009, chỉ 19 ngày sau đó, mẹ NSƯT Anh Dũng lại ra đi khiến ông rơi vào tình trạng suy sụp hoàn toàn. Chỉ một thời gian ngắn sau nỗi đau mất mát người thân, ông đã bị miễn nhiệm chức Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam do mâu thuẫn nội bộ. Những biến cố dồn dập ập đến khiến tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm của ông không gượng đỡ nổi. Trong thời gian ngắn, ông giảm đến 10kg trọng lượng cơ thể, cơn tai biến đầu tiên cũng ập tới.
Thời gian đầu sau khi vợ mất, NSƯT Anh Dũng cho biết, ông gần như không ngủ được vì luôn đối diện nỗi buồn, ở đâu cũng là hình ảnh của người vợ đã khuất. Nếu không vì thương cô con gái đang đến tuổi thi đại học cần được chăm sóc thì không biết ông có sống nổi không. Quá đau buồn, Anh Dũng quyết định bán đi căn nhà mà gia đình ông đang sống gần bến Bạch Đằng vì nó chứa quá nhiều kỷ niệm. Ông gần như không giữ lại đồ đạc cũ, có chăng chỉ là những kỷ vật của vợ. Ông để chúng trên tầng 4, làm thành một không gian tưởng niệm NSND Phương Thanh.
Thời gian “gà trống nuôi con” nhiều bạn bè đã rủ nghệ sĩ Anh Dũng tham gia các dự án phim nhưng ông đều từ chối. Những chuyện nghiệt ngã xuất hiện liên tiếp trong cuộc đời đã khiến nghệ sĩ Anh Dũng không còn hào hứng với việc diễn xuất. NSƯT Anh Dũng từng tâm sự khi còn có vợ, ông có thể yên tâm đi diễn nhiều ngày nhưng sau khi vợ mất, ông thành “gà trống nuôi con”, chỉ xa con vài ngày là lo lắng, mong ngóng trở về. Năm 2013, cô con gái của ông với nghệ sĩ Phương Thanh tốt nghiệp đại học ngành ngân hàng. Dù luôn muốn con ra nước ngoài học thêm nhưng vì nhớ con quá, ý định này ông đành gác lại.
Chính tiền sử bệnh tai biến cộng với bệnh đái tháo đường và một cuộc sống nhiều u uất kể từ khi vợ qua đời đã khiến sức khỏe của NSƯT Anh Dũng sớm kiệt quệ, dẫn đến cơn tai biến lần 2 rất nặng vào giữa tháng 3/2015. Ngày 30/4 năm 2015 ông đã trút hơi thở cuối cùng.
Là bạn thân của cố NSND Phương Thanh, bạn diễn của nghệ sĩ Anh Dũng trong một số phim, NSƯT Minh Châu tâm sự, không ngờ 6 năm sau, nghệ sĩ Anh Dũng cũng bị tai biến giống hệt NSND Phương Thanh và điều trị ở đúng phòng bệnh mà vợ mình từng nằm trước khi mất. “Tôi có cảm giác như có sự lặp lại nào đó, nó rất đau!” – bạn diễn của Anh Dũng trong phim “Cô gái trên sông” cho hay.
Cố NSND Phạm Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam từng chia sẻ rằng, khi nghệ sĩ Anh Dũng đang nằm trên giường bệnh, Nhà hát Kịch Việt Nam đã phối hợp với gia đình làm hồ sơ đề nghị phong tặng ông danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Nguồn: Internet