Núi Lewotobi Laki-laki, trên đảo Flores thuộc tỉnh Đông Nusa Tenggara, đã phun trào vào lúc đêm ngày 3 – rạng sáng ngày 4/11 (giờ địa phương). Ngọn núi lửa đã phun trào một cột dung nham đỏ rực, tro núi lửa và đá nham thạch – Hadi Wijaya, người phát ngôn của Trung tâm Giảm thiểu Rủi ro Địa chất và Núi lửa (PVMBG), cho biết.
“Sự việc xảy ra đã khiến nhiều khu vực rơi vào tình trạng mất điện. Mưa và sấm sét lớn khiến nhiều người dân không khỏi hoảng loạn.” Hadi Wijaya nói “Chính quyền đã nâng mức cảnh báo núi lửa lên cấp 4 – tức cấp cao nhất.”
Dung nham và nham thạch từ núi lửa đã tấn công các khu định cư gần nhất cách miệng núi lửa khoảng 4km, thiêu rụi và làm hư hại nhiều nhà cửa.
Heronimus Lamawuran, một quan chức địa phương tại khu vực East Flores cho biết, tính đến sáng thứ Hai, ít nhất chín người đã thiệt mạng và bảy ngôi làng bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi đã bắt đầu sơ tán người dân từ sáng nay đến các ngôi làng khác cách miệng núi lửa khoảng 20km”, ông cũng cho biết thêm, những ngôi làng gần nhất đã bị bao phủ bởi lớp tro núi lửa dày. Chính quyền vẫn đang thu thập dữ liệu về số người sơ tán và các tòa nhà bị hư hại.
Indonesia nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình Dương”, một khu vực có hoạt động địa chấn mạnh. Đợt phun trào này diễn ra sau một loạt các đợt phun trào của nhiều ngọn núi lửa khác nhau ở Indonesia.
Vào tháng 5, một ngọn núi lửa trên đảo Halmahera đã khiến người dân ở bảy ngôi làng phải di tản. Núi lửa Ruang ở Bắc Sulawesi cũng phun trào vào tháng 5, khiến chính quyền phải sơ tán hơn 12.000 người dân.
Lũ quét và dòng dung nham từ núi Marapi ở tỉnh Tây Sumatra đã bao phủ một số huyện lân cận sau trận mưa xối xả vào ngày 11/5, khiến hơn 60 người thiệt mạng.
(Nguồn: Reuters)
Nguồn: Sưu Tầm internet