Rau đay – loại rau dân dã có mặt trong bữa cơm của nhiều gia đình Việt không chỉ đơn thuần là nguyên liệu cho các món canh, mà còn chứa đựng những giá trị dinh dưỡng quý giá ngang ngửa nhân sâm. Rau đay có thể nấu thành nhiều món ngon như canh rau đay mồng tơi nấu cua, canh rau đay nấu tôm… không chỉ thanh mát mà còn hỗ trợ giải độc, bổ dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là vào mùa hè nóng bức.
Loại rau này được người Nhật yêu thích vì khả năng chống lão hóa, bảo vệ tiêu hóa. Họ cho rằng chất nhớt của rau đay có thể giữ ẩm cho da, giúp da săn chắc, đồng thời cũng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe, tăng cường miễn dịch, chống loãng xương và bảo vệ tuổi thọ.
Ngoài ra, rau đay được người dân Ấn Độ, Malaysia sử dụng như một vị thuốc dân gian.
Khoảng 5,000 năm trước, rau đay đã được người Ai Cập trồng. Đây là loại cây có sức sống mãnh liệt, phát triển ngay cả trên vùng đất sa mạc khô hạn. Ngày nay, rau đay được trồng phổ biến ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ.
Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, 100g rau đay chứa tới:
– 306mg leucine – axit amin quan trọng giúp duy trì sức khỏe mô và cơ bắp.
– 3,140mg sắt, hỗ trợ máu và ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.
– 51mg methionine, bảo vệ gan và hỗ trợ chống oxy hóa.
– 33mg vitamin C cùng nhiều vitamin K, B6, A và các khoáng chất vi lượng khác, góp phần nâng cao sức khỏe toàn diện.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), cả lá và hạt rau đay đều có thể dùng làm thuốc nhờ đặc tính mát, lợi tiêu hóa, nhuận tràng. Còn hạt rau đay vị đắng, tính nóng, không độc. Tác dụng hoạt huyết, bổ tim. Trị vô kinh, kinh nguyệt không đều.
Dưới đây là các món ăn, bài thuốc từ rau đay do lương y Sáng chia sẻ:
Các món ăn và bài thuốc từ rau đay
1. Giải nhiệt, mát ruột
Cách làm: Nấu canh rau đay với mồng tơi và cua đồng. Món canh không chỉ thơm ngon mà còn có tác dụng thanh nhiệt, giảm hiện tượng nóng trong và chữa cảm nắng.
2. Chữa phụ nữ ít sữa, người già táo bón
Cách làm: Nấu hoặc luộc 200g rau đay mỗi ngày, giúp lợi sữa và giảm táo bón.
3. Trị lỵ mới phát
Cách làm: Sắc đặc 30g rau đay, uống mỗi ngày để cải thiện tình trạng lỵ.
4. Chữa khái huyết, nôn máu
Cách làm: Sắc 10g lá rau đay, 10g long nha thảo và 10g cốt khí củ để uống.
5. Chữa ngộ độc cá
Cách làm: Sắc 90g lá rau đay với đường phèn, uống nhiều lần trong ngày để giải độc nhanh chóng.
6. Nhuận tràng, khỏe ruột
Cách làm: Ăn khoảng 300-400g rau đay mỗi ngày. Độ nhớt của rau đay giúp kích thích ruột vận động, mềm phân, giảm tình trạng táo bón.
7. Khai thông tiểu tiện
Cách làm: Người bị tiểu bí, tiểu đau có thể ăn khoảng 300-400g rau đay nấu canh cả nước lẫn cái để giảm viêm nhiễm và hỗ trợ tiểu tiện dễ dàng hơn.
Lưu ý khi tiêu thụ loại rau này:
Rau đay có tính hàn, thích hợp để làm mát cơ thể. Tuy nhiên, những ai không quen với vị nhớt của rau đay có thể không thích loại rau này.
Cách chế biến tốt nhất là nấu canh với cua, ăn cả nước lẫn cái để tận dụng tối đa dưỡng chất.
Nguồn: Sưu Tầm internet