Những kỷ lục nhiệt độ chưa từng có
Ngày 25/7 vừa qua, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã phát cảnh báo rằng loài người đã trải qua ba ngày nóng nhất trong lịch sử từ ngày 21 đến 23/7.
“Hàng tỷ người đang phải đối mặt với ‘đại dịch nhiệt độ cực đoan, phải chịu đựng những đợt nắng nóng ngày càng nguy hiểm với nhiệt độ lên tới 50 độ C, chỉ còn ‘nửa đường’ nữa là chạm tới nhiệt độ nước sôi”, ông Guterres nhấn mạnh.
Hiện tượng nhiệt độ cao trong tuần này thật sự chưa từng có kể từ khi được ghi nhận.
Nhiệt độ cao cho thấy xu hướng trái đất nóng hơn đã trở nên rất rõ ràng. Theo ước tính, nhiệt độ cao hàng năm đã khiến gần 500.000 người chết, con số gấp khoảng 30 lần số người chết do các cơn bão nhiệt đới gây ra.
Thế giới đang chứng kiến mức nhiệt độ trên 50 độ C tấn công diện rộng. Tại Trung Đông, một trong những vùng nóng nhất trái đất đã chứng kiến nhiệt độ cực đoan ngày càng mạnh mẽ.
Ví dụ, dữ liệu từ cơ quan khí tượng Kuwait cho thấy, vào giữa và cuối tháng 7, nhiệt độ cao nhất ở nhiều khu vực đã vượt qua 50 độ C, với đỉnh điểm đạt 52 độ C, gần chạm mức kỷ lục lịch sử 53,5 độ C của quốc gia này.
Nhiều tỉnh ở Iran đã trải qua “chế độ xông hơi” từ giữa tháng 7, với nhiệt độ cao nhất ở tỉnh Bushehr phía nam đạt 53 độ C, một số khu vực ở tỉnh Khuzestan phía tây nam có nhiệt độ cao nhất gần 50 độ C. Tương tự, nhiệt độ cao nhất ở nhiều tỉnh của Iraq như Basra, Misan cũng đã vượt qua 50 độ C. Từ tháng trước, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo năm 2024 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử.
Các điểm tới hạn của khí hậu có thể bị vượt qua
Biến đổi khí hậu là vấn đề chung mà loài người đang phải đối mặt. Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2023 là 9 năm ấm nhất kể từ khi có ghi chép khí tượng. Trong 10 năm gần đây (2014-2023), nhiệt độ trung bình trên bề mặt toàn cầu cao hơn khoảng 1,2°C so với mức trung bình trước khi công nghiệp hóa.
Đối với năm 2024, với sự ảnh hưởng của El Niño trong nửa đầu năm, khí hậu toàn cầu lại một lần nữa phá vỡ kỷ lục. Theo báo cáo của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu, đến tháng 6 năm nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã liên tục cao hơn ít nhất 1,5°C so với mức trung bình trước khi công nghiệp hóa trong suốt 12 tháng.
Sự nóng lên không ngừng của trái đất có thể dẫn đến sự “sụp đổ” của các điểm tới hạn khí hậu.
Vào ngày “Ngày Trái Đất” năm 2022, các nhà khoa học đã công bố rằng có 9 trong số 15 điểm tới hạn khí hậu toàn cầu đã được kích hoạt. Một điểm tới hạn trong hệ thống khí hậu là ngưỡng mà khi vượt quá, có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong trạng thái của hệ thống.
Các điểm tới hạn được xác định của trái đất là băng biển Bắc Cực, từng taiga phía Bắc bán cầu, băng tích ở Greenland, lớp băng vĩnh cửu, rừng mưa Amazon, dòng hải lưu đảo chiều kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC), băng tích ở Tây Nam Cực, san hô nhiệt đới. “Thành trì” cuối cùng của địa cầu chính là băng tầng Đông Nam Cực, nơi đang giữ khối lượng băng khổng lồ, mà nếu tan chảy có thể làm nước biển dâng lên 56 m.
Những điểm tới hạn này hầu như bao phủ toàn bộ trái đất. Sự thay đổi của chúng cũng báo hiệu rằng hành tinh này đang gặp nguy hiểm. Vì vậy, nếu nhiệt độ năm 2024 tiếp tục thay đổi như vậy, có thể sau khi năm 2024 kết thúc, số lượng các điểm tới hạn khí hậu bị vượt qua có thể không chỉ dừng ở 9.
Điều đáng lo ngại nhất là khi các điểm tới hạn khí hậu bị vượt qua, khả năng loài người có thể đảo ngược lại tình thế sẽ “gần như bằng 0”.
Mặc dù Hiệp định Paris đã được đề xuất, nhưng các quốc gia thực hiện thay đổi khí hậu vẫn được cho là thực sự chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Xu hướng nóng lên của trái đất tiếp tục gia tăng và không có dấu hiệu thay đổi.
Lời kêu gọi từ Liên Hợp Quốc
Trong cuộc họp báo hôm ngày 25/7, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres kêu gọi các quốc gia phải giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, thứ đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu.
“Các nhà lãnh đạo trên mọi lĩnh vực phải thức tỉnh và hành động – điều đó có nghĩa là các chính phủ, đặc biệt là các nước G20. Sự lãnh đạo của những người có năng lực là điều cần thiết. Các quốc gia phải loại bỏ nhiên liệu hóa thạch một cách nhanh chóng và công bằng”, người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết.
Liên Hợp Quốc đang yêu cầu các quốc gia thành viên tập trung vào 4 lĩnh vực chính. Đầu tiên là tăng cường chăm sóc trực tiếp cho những người dễ bị tổn thương hơn do nhiệt độ khắc nghiệt như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người mang thai, người lớn tuổi (thường từ 65 tuổi trở lên) và những người mắc một số vấn đề sức khỏe mãn tính.
Trọng tâm thứ hai là tăng cường bảo vệ nhiệt cho người lao động. Theo dữ liệu mới từ Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên hợp quốc, ước tính hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu đang có nguy cơ cao do nhiệt độ cực cao, khiến hàng triệu người có nguy cơ bị thương và hàng nghìn người tử vong.
Thứ ba, Liên Hợp Quốc kêu gọi tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng bằng cách sử dụng dữ liệu và khoa học. Cuối cùng, ông kêu gọi toàn cầu hạn chế nhiệt độ tăng thêm ở mức 1,5 độ C để ngăn chặn nhiệt độ chết người hơn trong tương lai.
Các hành động thiết thực mà các chính phủ có thể thực hiện để bảo vệ người dân khỏi nhiệt độ cao được nêu chi tiết trong báo cáo chung mới từ các cơ quan của Liên hợp quốc. Các quan chức có thể đầu tư vào các dự án làm mát thụ động, cải thiện hiệu quả năng lượng của các tòa nhà, xem xét lại luật để bảo vệ sức khỏe người lao động và tăng chi tiêu cho việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Họ cũng có thể thiết lập và củng cố các hệ thống cảnh báo sớm về nhiệt độ cao. Ông Guterres lưu ý rằng việc mở rộng quy mô các hệ thống cảnh báo sức khỏe và nhiệt độ cao ở 57 quốc gia có thể cứu sống gần 100.000 người mỗi năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Khí tượng Thế giới.
Nguồn: Bloomberg, 163
Nguồn: Sưu Tầm internet