Trước đó, ngày 27-4, bà Đinh Thị Xuân Hòa – vợ nhạc sĩ – từng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “Người đi bên cạnh cuộc đời tôi – nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đang lâm trọng bịnh (bệnh).
Xin các anh chị em bạn hữu cầu nguyện giúp cho Vũ Xuân Hùng của con vượt qua kiếp nạn này”.
Cuối cùng, người chuyển ngữ những bản tình ca đã không vượt qua được, ông đã về với Chúa chiều 1-5.
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng ra đi thanh thản
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bà Xuân Hòa kể, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng bị nhiều chứng bệnh như suy thận, suy tim, suy hô hấp. Từ khi ông nhập viện tới khi mất là 10 ngày.
“Những ngày cuối đời, anh rơi vào tình trạng mê man không biết gì. Mọi thứ quá chóng vánh, tôi không tin là anh đã rời xa tôi mãi mãi”, bà chia sẻ.
Theo bà, ông Vũ Xuân Hùng ra đi trong thanh thản, những điều muốn làm cũng đã làm được.
Bà Xuân nói, lúc còn sống, nhạc sĩ từng nói “sống với em, anh mới biết còn có thiên đường ở trần gian”. Bà cũng yêu ông nhiều như ông yêu bà.
Vì thế, khi ông Hùng mất, bà Hòa “rơi vào tình trạng mất phương hướng, không biết mình đang làm gì, nói chuyện với ai, nói gì”.
Góp phần Việt hóa nhạc trẻ
Trước năm 1975, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng từng giảng dạy ngoại ngữ và triết học.
Ông biết nhiều ngoại ngữ, ngoài tiếng Anh còn có tiếng Pháp, Đức, Ý nên thuận lợi trong việc chuyển ngữ nhạc ngoại sang lời Việt.
Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đã chuyển ngữ hơn 100 ca khúc ngoại, được xem là “vua chuyển ngữ nhạc ngoại”.
Trong đó có nhiều bài rất nổi tiếng, được giới trẻ Sài Gòn hâm mộ một thời như Búp bê không tình yêu, Chuyện phim buồn, Dòng sông tuổi nhỏ, Em đẹp như mơ, Hôm nay không sữa, Anh thì không, Em đẹp nhất đêm nay, Biệt khúc, Nụ hôn dưới mưa …
Các ca khúc chuyển ngữ của ông gắn với nhiều giọng ca vàng như Nguyễn Chánh Tín – Bích Trâm, Lê Uyên – Phương, Thanh Lan, Duy Quang, Julie Quang, Ngọc Lan, Ý Lan,…
BÚP BÊ KHÔNG TÌNH YÊU – MỸ TÂM
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng được xem là một trong những người đóng góp cho phong trào Việt hóa nhạc trẻ giai đoạn đầu ở Sài Gòn – TP.HCM.
Ba tập Tình ca nhạc trẻ I, II, III do Vũ Xuân Hùng đồng chuyển ngữ đã tạo ra một làn sóng nhạc trẻ ca khúc nước ngoài lời Việt đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.
Sau đó, ông định cư ở Mỹ. Tới năm 1977, ông cùng vợ là bà Đinh Thị Xuân Hòa về nước, thành lập phòng trà Tiếng Xưa.
Ngoài biên tập nhiều chương trình, ông còn dựng nhiều vở nhạc kịch dựa theo các bài hát nổi tiếng như: Hòn vọng phu, Trầu cau, Cung đàn xưa, Tiếng đàn tôi, Tiếng sáo thiên thai, Mối tình Trương Chi, Lan và Điệp…