Người một nhà (đạo diễn Trịnh Lê Phong thực hiện) xoay quanh cuộc sống của hai anh em Trí và Tuệ, với tính cách và hoàn cảnh sống trái ngược nhau.
Trí từng là dân anh chị, sau thời gian 10 năm đi tù ở nước ngoài trở về Việt Nam làm lại cuộc đời. Anh gặp lại em Tuệ – hiện đang ở với vợ và con gái nhỏ trong căn nhà mà ông bà để lại.
Anh em như thể tay chân trong Người một nhà
Nếu đi theo mô típ phim Việt quen thuộc, có thể câu chuyện bắt đầu bằng những âm mưu, toan tính chiếm đoạt ngôi nhà, tràn ngập drama tranh giành đấu đá anh em.
Nhưng không, Người một nhà khai thác một hướng đi khác, nhẹ nhàng, đáng yêu về tình anh em, tình người.
Trailer phim Người một nhà
Người xem được giải trí, được cười, rồi khóc với các nhân vật, và hơn hết là được chữa lành bởi những tình thương trong phim, giống như câu ca dao mà ông bà ta dạy: Anh em như thể tay chân/Rách lành đùm đọc dở hay đỡ đần.
Duy Hưng (vai Trí) và Tuấn Tú (em Tuệ) vào vai ngọt lịm. Anh Trí bề ngoài bất cần, ngầu, phong lưu nhưng sống nghĩa khí, lo lắng cho em hết mực. Còn em Tuệ ngây ngô, trong sáng, tốt bụng và đặc biệt là rất thương anh.
Cứ mỗi lần thấy Tuệ ôm chầm, gục đầu vào ngực anh khóc, dỗi… là khán giả thấy thương lắm.
Ở tập 6 mới nhất, khi Khanh (diễn viên Thanh Hương – vợ Tuệ) nổi trận lôi đình phát hiện anh Trí vay nợ, mất việc, và chồng mình cũng vì anh trai mà mất việc, Tuệ đã bảo vệ anh trai hết mực.
Người anh vì sự yên ấm cho gia đình nhỏ của em, chọn cách ra đi dù trong người không có tiền.
Cái cách Trí nhẹ nhàng xin lỗi em dâu, gửi gắm thằng em dại khờ cho Khanh để ý chăm sóc mới thấy tính cao thượng, nhẫn nhịn của người anh luôn bảo vệ em mình.
Còn em Tuệ cũng thương anh chẳng kém gì. Anh nghẹn ngào trách móc vợ:
“Nếu như người ngoài kỳ thị anh ấy thì anh có thể hiểu được. Nhưng chúng ta là người nhà.
Người trong một gia đình mà. Em làm như thế thì những người như anh Trí còn biết sống ở đâu trong xã hội này nữa hả em”.
Trong trích đoạn tập 7, phát sóng lúc 21h40 ngày 18-4 trên VTV3, anh Trí nói với Tuệ rằng: ‘Nợ thì có thể khất, nhưng tiền đưa cho vợ cho con thì đừng bao giờ chậm’ khiến chị em thích thú. Nhiều người quay sang trách vợ Tuệ có hành động “không chấp nhận được”.
Nói hộ tiếng lòng của nhiều người
Diễn viên Tuấn Tú hơn tuổi Duy Hưng.
Để vào vai, cả hai đã “lột xác” rất nhiều. Duy Hưng có thêm râu giả phiền phức, Tuấn Tú thì mặt mày láng bóng, thể hiện chất ngây thơ qua ánh mắt, những cái ôm chặt với anh trai và những giọt nước mắt thút thít.
Nhưng diễn xuất làm sao để khán giả tin tình anh em ấy có thật đó mới thật sự là nỗi lo lắng của hai diễn viên trong những ngày đầu trên phim trường.
Trước khi vào vai, Tuấn Tú và Duy Hưng đi uống cà phê, tâm sự, chia sẻ cùng nhau.
Họ sống với nhân vật đến mức ra ngoài đời, cả hai vẫn gọi nhau tên nhân vật.
“Có khi tôi gọi anh Tuấn Tú là “thằng kia” nữa”, Duy Hưng từng chia sẻ.
Tuấn Tú bảo: “Đọc các ý kiến khán giả, tôi mừng và hạnh phúc lắm”.
Anh lý giải: “Thực sự ai có anh, người chị đều ước muốn được giống như Tuệ. Được quyền làm những gì mình muốn, bày tỏ cảm xúc tình cảm anh em với nhau. Điều này tạo nên sức hấp dẫn cho phim.
Ở ngoài đời, thường hai anh em trai rất khó nói chuyện, chia sẻ tình cảm với nhau. Nhưng trong phim cái gì khó nói cứ đưa cho ông Tuệ là nói được”.
Cái tình anh em ngọt ngào ấy từ phim ra đến ngoài đời, chạm vào cảm xúc khán giả.
Có người xem nhớ lại câu chuyện gia đình mình viết lại: “Mặc dù hoàn cảnh của nhà tôi hơi khác, nhưng anh tôi cũng nuôi chúng tôi thành người. Giờ đây các em có miếng cơm ăn thì anh chẳng còn nữa. Tôi rất thích những cảnh phim như thế này. Ai từng trải qua mới hiểu được”.
Người thì ước: “Tôi thích hai anh em này quá! Tôi có hai cháu nội trai nên cũng muốn các cháu học tập cách yêu thương đùm bọc nhau như hai anh em”.
“Ước gì các con mình sau cũng tình cảm yêu thương như Trí và Tuệ”.