Sáng 5-3, TAND TP HCM bắt đầu phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan (gọi tắt là vụ án Vạn Thịnh Phát).
50 ngày xét xử
Chủ toạ phiên xử là thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh toà Hình sự TAND TP HCM) dự kiến xét xử vụ án trong 50 ngày (kết thúc vào ngày 29-4).
7 tội danh
Bà Trương Mỹ Lan bị truy tố về 3 tội danh: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.
Bên trong khu vực xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát
45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
Chiếm đoạt hơn 304.000 tỉ đồng, gây thiệt hại hơn 129.000 tỉ đồng:
Hồ sơ vụ án thể hiện, mặc dù không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB nhưng bị cáo Trương Mỹ Lan nắm cổ phần từ 85-91,5% nên chi phối, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của ngân hàng này từ khi hợp nhất 3 ngân hàng tư nhân đến khi khởi tố vụ án. Đồng thời, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát và phần lớn các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát (gồm hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước).
Bị cáo Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB để huy động vốn, sau đó lập hồ sơ cho các khoản vay khống, rút ra các khoản tiền lớn sử dụng vào mục đích khác nhau. Khi đến hạn không trả được nợ, bị cáo Lan cùng đồng phạm tiếp tục tạo ra các khoản vay khống khác, dẫn đến hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.
Cụ thể, cơ quan chức năng xác định bị cáo Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỉ đồng và gây thiệt hại số tiền hơn 129.000 tỉ đồng (là số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt).
Hối lộ 1 cá nhân 5,2 triệu USD
Thực hiện chỉ đạo, giai đoạn 2017-2028, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước đã lập đoàn thanh tra tại Ngân hàng SCB (chia thành 2 đợt) do bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước) làm trưởng đoàn.
Trong quá trình thanh tra, bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã nhận từ ngân hàng này số tiền đặc biệt lớn là 5,2 triệu USD để chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành dự thảo kết luận thanh tra không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của Ngân hàng SCB, bao che, bưng bít sai phạm của Ngân hàng SCB.
“Thưởng” gần 1.500 tỉ đồng cho 1 cá nhân
Cáo trạng thể hiện, bị cáo Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Tường Việt) quen biết bị cáo Trương Mỹ Lan từ cuối năm 2020.
Bị cáo Trước thoả thuận, thống nhất với bị cáo Lan về việc sử dụng các pháp nhân của Công ty Tường Việt, phối hợp với cán bộ Ngân hàng SCB tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của Ngân hàng SCB để sử dụng.
Bị cáo Dương Tấn Trước đã giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 4.700 tỉ đồng, gây thiệt hại hơn 605 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Trước đượcbị cáo Lan cho số tiền gần 1.500 tỉ đồng để sử dụng cá nhân (đây là tiền vay vốn khống tại Ngân hàng SCB).
Cơ quan chức năng xác định, lý do bị cáo Lan cho bị cáo Trước số tiền này vì đã giúp bà xin cấp giấy phép xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 dự án Mũi đèn đỏ, thay đổi về hệ số xây dựng (tăng) của dự án này; giấy phép xây dựng dự án Sài Gòn Bình An (SDI).
Sau khi khởi tố vụ án, bị cáo Trước đã trả lại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 813 tỉ đồng (đối với các khoản vay của công ty). Ngoài ra, bị cáo Trước còn xin nộp lại số tiền hơn 2.200 tỉ đồng mà bị cáo này xác định đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan.
Hơn 2.400 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa triệu tập hơn 2.400 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm: những cá nhân đứng tên vay, nhận tiền tại Ngân hàng SCB, các cá nhân tại ngân hàng nhà nước; cá nhân đứng tên công ty, đứng tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại Ngân hàng SCB, thực hiện việc nộp, rút tiền; các cá nhân thuộc nhóm cán bộ Ngân hàng SCB và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác.
Gần 200 luật sư
Có gần 200 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan.
Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan có 5 luật bào chữa gồm: luật sư Phan Trung Hoài, luật sư Phan Minh Hoàng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, luật sư Giang Hồng Thanh, luật sư Trương Thanh Đức.
6 tấn tài liệu
Liên quan vụ án này, cơ quan chức năng xác định có gần gần 2.500 tập tài liệu, đóng trong 104 thùng hồ sơ nặng khoảng 6 tấn, với khoảng 1 triệu bút lục.
Toà án đã bố trí 1 phòng riêng có lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát để đựng hồ sơ. Tại khu vực xét xử vụ án, toà án còn bố trí tủ đựng hồ sơ phục vụ phiên xử.
Thu giữ, kê biên hàng trăm nghìn tỉ đồng
Liên quan hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác, cơ quan chức năng đã thu giữ, kê biên khối lượng tài sản đặc biệt lớn. Trong đó, giai đoạn điều tra thu giữ 590.000 tỉ và gần 15 triệu USD; giai đoạn truy tố thu giữ hơn 55 tỉ đồng.
Cơ quan chức năng đã phong tỏa 42 tài khoản của các bị cáo và các cá nhân đứng tên hộ bà Trương Mỹ Lan, tổng số tiền hơn 1.896 tỉ đồng và hơn 8 triệu USD. 1237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bị cáo Trương Mỹ Lan đã bị kê biên. Cơ quan chức năng cũng kê biên, ngăn chặn giao dịch cổ phần tại SCB của bị cáo Trương Mỹ Lan. Ngoài ra, 22 tài sản khác gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bị cáo Trương Mỹ Lan và cháu gái Trương Huệ Vân cũng bị kê biên.
Đây là khối tài sản bị thu giữ, kê biên đặc biệt lớn trong các vụ án tính đến nay.
Căn cứ xác định hâu quả thiệt hại vụ án
Hồ sơ vụ án thể hiện, việc bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đưa tài sản đảm bảo cho các khoản vay là phương thức, thủ đoạn phạm tội, hợp thức việc rút tiền của Ngân hàng SCB.
Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, hậu quả của hành vi phạm tội được xác định trên cơ sở dư nợ của các khoản vay trừ đi tổng giá trị tài sản đảm bảo được phân bổ cho các khoản vay đã được Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá và được Ngân hàng SCB chấp nhận có đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro.
Nguồn: Sưu Tầm internet