Ngày 5/1, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản phản hồi các nghệ sĩ ở Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) về tình trạng 300 bộ phim bị hư hỏng nặng thời gian qua, sau gần một năm tập thể này gửi kiến nghị.
Theo thanh tra bộ, các bộ phim trong kho phim bị hư hỏng thuộc trách nhiệm của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam. Công ty này phải đề xuất phương án khắc phục báo cáo bộ và trả lời cho tập thể nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên của công ty biết.
Nghệ sĩ ở Hãng phim truyện Việt Nam bức xúc vì 300 bản phim bị hỏng
Được biết, các anh chị em nghệ sĩ, nhân viên kỹ thuật, cán bộ Hãng phim truyện Việt Nam đã rất bức xúc sau khi Vivaso đưa ra thông tin rằng, tất cả các phim tại kho phim của Công ty cổ phẩn Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam đều là bản sao?
– Đại diện Vivaso cho rằng tất cả các phim tại kho phim của Công ty cổ phẩn Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam đều là bản sao. Nhưng thực tế 300 bản phim bị hỏng là dương bản gốc (positive) này là một trong hai bản duy nhất còn lại của những bộ phim cũ, kinh điển của nền Điện ảnh Việt Nam.
Trong điện ảnh, bản positive này chính là bản gốc, là tác phẩm hoàn chỉnh, để được trình chiếu cho công chúng. Tất cả các loại negative, kể cả bản negative được gọi là “negative gốc” cũng chỉ là những sản phẩm trung gian để tạo ra bản phim dương bản/positive gốc này. Bản được gọi là “negative gốc” mới chỉ là bản chưa được định ánh sáng, chưa định màu sắc (là khâu quan trọng hàng đầu trong việc hoàn thiện bộ phim của quay phim và đạo diễn), không có âm thanh, không thể trình chiếu cho công chúng như một tác phẩm được.
Có đúng là Viện Phim Việt Nam lưu trữ toàn bộ bản gốc (bản negative) và một bản sao? Viện phim Việt Nam có phải đã lưu trữ hai bản theo tiêu chuẩn quốc tế không?
– Khái niệm bản sao là hoàn toàn không chính xác. Bản phim dương bản (positive gốc) này chính là một trong hai bản gốc duy nhất còn lại của những bộ phim kinh điển, đặc biệt là của thời kỳ đầu, của Điện ảnh Việt Nam: 01 bản được lưu trữ tại Hãng phim truyện, 01 bản được lưu trữ tại Viện phim.
Việc lưu trữ phim ở Viện Phim Việt Nam là một vấn đề khác, hoàn toàn không liên quan đến việc hỏng phim ở Hãng phim truyện Việt Nam. Chúng tôi không thảo luận ở đây. Và kể cả khi ở Viện phim có 1 bản gốc nữa thì 300 bản phim của Hãng phim truyện Việt Nam vẫn giữ nguyên giá trị. Nó có thể thay thế, bổ sung cho bản phim còn lại ở Viện phim trong trường hợp có những hỏng hóc như thiếu tiếng, thiếu hình của từng bộ phim. Nó có ý nghĩa sống còn với sự tồn tại của từng bộ phim trong tương lai, như di sản điện ảnh của đất nước. Đó cũng là những đảm bảo duy nhất còn lại để tránh trường hợp những bộ phim, di sản điện ảnh mất đi vĩnh viễn.
Để in lại bản phim dương bản gốc (positive) mới hoặc số hóa các bộ phim cũ (như 300 bản đã bị làm hỏng tại Hãng phim truyện Việt Nam) là rất phức tạp và đòi hỏi kinh phí cao (có thể lên đến vài trăm ngàn thậm chí cả triệu USD cho một bộ phim). Đặc biệt, vì nó liên quan đến việc phục chế các bản phim negative gốc đã cũ.
Các bản negative này theo thời gian đều sẽ xuống cấp và bắt buộc phải được phục chế trước khi in. Đây là một quá trình cần công nghệ và tay nghề người thực hiện rất cao, trên thế giới cũng không có nhiều cơ sở có khả năng phục chế và số hóa phim đạt chuẩn quốc tế (khi chất lượng của bản phục chế/ số hóa được coi là tương đương với bản phim positive phim nhựa). Hơn nữa còn cả vấn đề tái tạo âm thanh của các phim cũ với bản negative tiếng cũ, đã nhiều năm tuổi, cũng cần phải phục chế và rất phức tạp, tốn kém.
Anh nghĩ sao về ý kiến cho rằng, trước đây, Hãng phim truyện Việt Nam lưu trữ bản sao này phục vụ nhiệm vụ phổ biến phim theo chức năng kinh doanh của hãng (lưu trữ để phục vụ kinh doanh). Sau này việc phổ biến bằng phim nhựa không còn phù hợp, công ty đã chuyển các bộ phim này dưới dạng file lưu trữ tại các ổ cứng để phục vụ công tác phổ biến phim được thuận lợi trong thời kỳ công nghệ số hiện nay?
– Quan niệm của Vivaso cho rằng, phim nhựa đã được ngừng sử dụng là sai hoàn toàn. Dẫn đến quan niệm sai lầm và nguy hiểm là các phim nhựa này là không còn giá trị sử dụng. Trên thế giới phim nhựa vẫn đang được sử dụng rộng rãi, song song với phim kỹ thuật số.
Tại Mỹ, trong số các phim được lọt vào vòng đề cử giải thưởng của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ năm 2020, số phim được quay bằng phim nhựa chiếm tới 52%, số phim quay bằng phim kỹ thuật số chiếm 48%. Những liên hoan phim, sự kiện điện ảnh quốc tế lớn vẫn sẵn sàng chiếu bản phim nhựa. Mới đây, trong Chương trình của giải thưởng Quả Cầu Vàng 2024 có rất nhiều bộ phim được quay bằng phim nhựa chiếm những đề cử quan trọng nhất như Phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Kịch bản xuất sấc, Diễn viên xuât sắc…. đó là các phim: Oppenheimer, Killers of the Flower Moon, Maestro, Poor Things, Past Lives….
Riêng phần những đề cử cho Phim Chính kịch xuất sắc nhất có tới 4 phim (trên tổng số 6 đề cử) được quay bằng phim nhựa. Như vậy 300 bản phim nhựa bị hỏng, ngoài việc là di sản văn hóa, những bộ phim này hoàn toàn có thể được sử dụng trong những hoạt động điện ảnh trong nước và quốc tế rất hiệu quả.
Quang cảnh tại Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Tiền Phong
Việc cho rằng các bộ phim nhựa này trước đây đã được sử dụng nhiều lần và hiện nay không còn chất lượng để chiếu và cũng không có rạp hay cơ sở chiếu phim nào còn sử dụng máy chiếu phim nhựa, nên các bộ phim nhựa này không còn giá trị sử dụng? Điều này có đúng không?
– Việc Vivaso cho rằng, các phim nhựa ở trong kho của Hãng phim truyện Việt Nam đã được sử dụng nhiều lần nên chất lượng xuống thấp, việc lưu trữ tài sản không còn giá trị sử dụng là việc làm vô ích. Mặt khác điều kiện cơ sở vật chất của Hãng phim truyện Việt Nam không đủ điều kiện để lưu trữ phim nhựa lâu dài. Hai vấn đề này cũng là sai hoàn toàn.
Những bản phim trong kho của Hãng phim truyện Việt Nam là những bản phim được chính bản thân các nhà làm phim chọn ra những bản tốt nhất. Thường chỉ được sử dụng để trình chiếu ở các liên hoan phim trong nước và quốc tế. Đây hoàn toàn không phải là các bản phim để kinh doanh chiếu rạp thông thường. Trước cổ phần hóa, việc bảo quản phim trong kho là rất nghiêm ngặt, có người bảo dưỡng, xử lý kỹ thuật phim… định kỳ, để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các bộ phim.
Trước đây khoảng 10-15 năm, khá lâu trước khi cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam đã bắt đầu sử dụng biện pháp lưu files của các bộ phim nhựa của Hãng phim truyện Việt Nam để tận dụng triệt để những tiện dụng có thể mang lại sau khi chuyển sang dạng số bằng máy telecine với chất lượng không cao. Chúng tôi biết rõ chất lượng các files này là rất thấp, không thể so sánh được với chất lượng phim nhựa.
Các files này chủ yếu dùng để chiếu trên các nền tảng dân dụng thông thường như màn hình tivi, điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng… không dùng để chiếu tại các rạp chiếu chuyên dụng vì chất lượng các file không thể có chất lượng cả về âm thanh và hình ảnh cho tiêu chuẩn cao như tiêu chuẩn của các bản phim nhựa.
Sau khi cổ phần hóa, Vivaso nghiễm nhiên được thừa hưởng những files này, đã được làm từ trước khi cổ phần hóa…. Phải nói thêm rằng, hiện nay ngay cả Viện phim cũng chỉ có máy số hóa phim nhựa có độ phân giải 2K, chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế 4K, là tiêu chuẩn được coi là ngang chất lượng với bản phim nhựa. Việc số hóa tiêu chuẩn đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật chuẩn mực chứ không thể nói số hóa chung chung, đại khái được.
Không có quy định hay văn bản nào của Nhà nước giao nhiệm vụ cho công ty Vivaso có trách nhiệm lưu trữ các bộ phim nhựa này. Theo anh điều đó có khiến họ không phải chịu trách nhiệm về việc bảo quản phim tại Hãng phim truyện Việt Nam?
– Hiện nay cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng ngành điện ảnh Việt Nam ra đời năm 1953, Viện phim được thành lập năm 1979, trong khoảng 25 năm đó tất cả các phim được lưu giữ trong điều kiện chiến tranh ác liệt, thiếu thốn về phương tiện lưu trữ, bảo dưỡng phim, nên việc cho rằng các phim Việt Nam thời kỳ đó đều trong tình trạng tốt, lý tưởng là điều cần xem xét kỹ.
Luật điện ảnh Việt Nam cũng mới chỉ ra đời từ năm 2006, hiện nay việc lưu trữ và bảo quản phim tại các Hãng phim đều vẫn đang được thực hiện. Hãng phim Thời sự Tài liệu Trung Ương, Hãng phim Quân đội, v.v… đều có kho lưu trữ phim rất lớn, đang vận hành tốt, cũng giống như trường hợp của Hãng phim truyện Việt Nam. Do đó việc cho rằng Hãng phim không có chức năng lưu trữ phim là sai và không thể là lý do để biện hộ cho việc Vivaso làm hỏng 300 bộ phim của Hãng phim truyện Việt Nam.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin!
Nguồn: Internet