Chiều ngày 30/10, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức họp báo về sự kiện Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai năm 2023.
Theo đó, Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 11/11-19/11 tại TP.Pleiku và các huyện Chư Păh, la Grai.
Các sự kiện, hoạt động chính diễn ra trong tuần lễ bao gồm Lễ khai mạc diễn ra vào tối 11/11 và Lễ bế mạc diễn ra ngày 19/11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP.Pleiku); Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai mở rộng năm 2023 diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/11; Hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tỉnh Gia Lai (từ ngày 15/11-19/11) tại Quảng trường Đại Đoàn Kết với 200-250 gian hàng tiêu chuẩn trưng bày, triển lãm, giới thiệu các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm văn hóa, nông nghiệp đặc trưng, ẩm thực, du lịch, tổng hợp…
Ngoài ra còn có một số hoạt động khác tại các địa phương trong tỉnh như: Lễ hội hoa dã quỳ – núi lửa Chư Đang Ya diễn ra từ ngày 16/11-18/11 tại làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh); Giải chạy bộ “Gia Lai City Trail 2023 – Giấc mơ đại ngàn” kết hợp tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch TP.Pleiku diễn ra từ ngày 17/11-19/11 tại Khu di tích thắng cảnh Biển Hồ (TP.Pleiku) và đường Anh Hùng Núp (TP.Pleiku); Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ IV và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023 diễn ra từ ngày 16/11-18/11 tại làng Dăng (xã Ia O, huyện Ia Grai).
Đối với sự kiện Festival Văn hóa cồng chiêng, ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, ước tính sẽ có khoảng 800 nghệ nhân đến từ các huyện, thị xã, và thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai và 200 nghệ nhân đến từ 4 tỉnh Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông tham gia biểu diễn.
Cũng theo ông Nhung, trên địa bàn TP.Pleiku hiện có khoảng 189 cơ sở lưu trú với tổng cộng 3240 phòng đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài tỉnh trong chuỗi sự kiện này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thông tin thêm, tỉnh đang xây dựng Festival Cồng chiêng trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng.
“Gia Lai hiện nay sở hữu hệ thống cồng chiêng có thể nói là đồ sộ nhất khu vực Tây Nguyên. Trải qua nhiều năm, cồng chiêng không những chỉ của người già mà còn là của thanh thiếu niên, phụ nữ. Nó có sự kế thừa và phát triển. Hiện nay, hầu hết các làng trên địa bàn tỉnh đều có nghệ nhân đánh cồng chiêng. Mỗi nghệ nhân đánh cồng chiêng là một nốt nhạc và sự tài hoa của họ trở thành bản giao hưởng”, bà Lịch nói.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet